Trích chương XXV – Hồi ký Nguyễn Đăng Mạnh
Thiệp có tài bịa chuyện như thật. Không phải chỉ trong văn đâu, trong
đời sống cũng vậy.
Ngày khánh thành pho tượng Phật của anh, anh mời tôi đến đánh chén. Anh hỏi tôi khi đứng ngắm pho tượng: “Anh thấy mặt tượng giống nam hay giống nữ?”. Tôi nói, giống nữ. Thiệp bảo: “Thế là nam tính của anh mạnh. Nếu thấy giống nam là nữ tính mạnh”. Thiệp đưa tôi xem bức ảnh chụp buổi lễ gọi là hô thần nhập tượng và nói, hôm ấy chúng em mời thế nào mà có hai vị Hoà thượng cùng đến một lúc, mà vị nào cũng quên không mang chuông mõ.
Em và Hồng Hưng (Hồng Hưng là hoạ sĩ kiêm điêu khắc, cùng làm tượng với
Thiệp) phải chia nhau mỗi người một ngả đi mượn ở những ngôi chùa quanh vùng.
Đến đâu cũng thấy nhà chùa đã sắp sẵn chuông mõ giao cho, nói là: “Đêm qua đức
Phật báo mộng, có người đến thu chuông mõ”.
Thiệp lại kể, khi tượng Phật sắp hoàn thành, bỗng thấy có một bà nhà
quê ở đâu đến, thấy tượng vội sụp lậy như tế sao. Hỏi thì nói, bà ta có con bị
ốm. Mời thầy cúng đến. Ông thầy nói, bà yên tâm, gần đây người ta đang xây
tượng Phật, ma quỷ sẽ phải chạy hết, nay mai con bà khỏi thôi. Quả đúng như
vậy.
Một hôm khác, tôi nhớ là ngày giỗ ông thân sinh của Thiệp. Anh mời
chúng tôi đến uống rượu. Hôm ấy khá đông khách. Thiệp cho biết, ở Hà Nội, có
những bà đồng cứ nhận mình là Ngô Thị Vinh Hoa – một nhân vật huyền thoại của
Thiệp trong truyện Phẩm tiết. Thiệp
nói, hôm ấy, anh ra Hà Nội, gặp một bà đồng đang đi với ông tiến sĩ Hoàng
Phương, một chuyên gia về khoa học thần bí. Đó là một trong những bà đồng tự
nhận mình là Ngô Thị Vinh Hoa. Trông thấy Thiệp, bà ta bỗng lăn đùng ra đất,
mồm hộc máu. Thiệp hoảng hồn, bỏ chạy vì sợ liên luỵ.
Thiệp viết thì hay, nhưng nói chuyện thì không hấp dẫn lắm. Anh có tật
nói lắp. Người đen, có vẻ phong trần – Hồi Thiệp mới xuất hiện, nổi lên như
cồn, nhiều kẻ sinh đố kỵ. Khi Thiệp viết Phẩm tiết, bị quy là xúc phạm Quang Trung, nhiều tay liền xúm vào
đả kích, chửi bới. Đỗ Chu, trong một cuộc họp ở Hội nhà văn, nói: “Mặt nó như
cái ruộng nẻ, nó dám xúc phạm anh hùng dân tộc, sao không bỏ tù nó đi!”.
Thiệp vốn là một giáo viên dạy sử, nhưng thực sự là con người của cuộc
đời phong trần, bụi bặm, thực sự vật lộn với cuộc sống để mưu sinh. Anh từng
buôn gỗ, có lúc làm trang trí nội thất thuê, có thời gian vẽ gốm cho lò gốm Bát
Tràng, rồi vẽ bìa sách cho nhà xuất bản Giáo dục… Khi mới được chuyển từ Sơn La
về Hà Nội (Nhà xuất bản Giáo dục), Thiệp xin với Nguyễn Đức Nam, Giám đốc nhà
xuất bản, cho vợ anh, đang dạy học ở Từ Sơn, về Nhà xuất bản. Thiệp mặc cả với
Đức Nam sẽ có cách đưa được con Nam từ Hà Tây về Hà Nội. Nam nói, chuyện của
tao, tự tao giải quyết được. Thiệp phải dắt gái cho Nam ba lần, Nam mới đồng ý.
Hiện vợ Thiệp vẫn chữa morát cho nhà xuất bản Giáo dục.
Thiệp hai lần mở quán ăn. Một lần ở Gia Lâm, gọi là quán Nhà Sàn Hoa Ban. Một lần ở số 1 Láng Hạ,
gọi là nhà hàng Hưng Thịnh. Tôi có được mời dự lễ khai trương. Quán Hoa Ban thì
do quan hệ giữa chủ đầu tư và Thiệp không hợp thế nào đó, nên Thiệp bỏ. Còn
quán Hưng Thịnh thì không hiểu sao vừa mở được ít ngày đã sập tiệm.
Vừa rồi, Thiệp viết bài Trò
chuyện với hoa thuỷ tiên, bị bọn làm thơ ghét lắm. Ở đại hội nhà văn lần
thứ bẩy, anh nói với tôi, tưởng chúng nó không bầu mình làm đại biểu, thế mà
hoá ra cũng đủ phiếu.
Nguyễn Khải cho biết, ở trong Nam, có một người đàn bà họ Đinh, kinh
doanh rất giỏi, giầu lắm. Chị này rất quý Nguyễn Huy Thiệp. Thỉnh thoảng Thiệp
vào Sài Gòn được cung phụng sướng như vua.
Thiệp là một trong những nhân vật hấp dẫn đối với khách nước ngoài. Tôi
đến anh, thường gặp, khi thì một ông Tây, khi thì một ông Tàu hay một bà Nhật,
khi thì một trí thức Việt kiều ở Pháp, ở Mỹ về nước…
Hoàn cảnh ấy khiến Thiệp sinh chủ quan, kiêu ngạo. Tôi cho đấy là dấu
hiệu thiếu bản lĩnh. Trong nhiều bài viết, Thiệp cứ xưng xưng tự khoe là người
tài, người nổi tiếng, là nhà văn lớn. Một lần có một doanh nhân trẻ mới phất
lên. Anh ta quen một người học trò của tôi và tỏ ra cũng thích văn chương nghệ
thuật. Có lẽ do ảnh hưởng của anh học trò của tôi (một nghiên cứu sinh), anh doanh
nhân này muốn đóng vai Mạnh Thường quân, mời tôi, Hoàng Ngọc Hiến và Nguyễn Huy
Thiệp đi chơi một chuyến lên vùng Xuân Mai, Hoà Lạc. Anh ta nhờ tôi mời hộ. Tôi
gọi điện cho Hiến. Hiến nhận lời ngay. Tôi gọi điện cho Thiệp. Thiệp từ chối:
“Anh phải cẩn thận, nhiều kẻ nó muốn lợi dụng chúng mình đấy!” – Thiệp khuyên
tôi qua điện thoại như vậy. Tôi nghĩ bụng, rõ vớ vẩn. Nó lợi dụng mình để làm
gì chứ! Ở cái nước này, trí thức văn nghệ sĩ có giá gì đâu mà sợ bị lợi dụng.
Đúng là Thiệp càng ngày càng thấy mình to quá, lớn quá, quan trọng quá.
Vào những năm 80 của thế kỷ trước, Nguyễn Huy Thiệp nổi lên như một sự
kiện quan trọng, có tiếng vang ra cả nước ngoài. Người đầu tiên giới thiệu
Thiệp một cách công phu là Hoàng Ngọc Hiến với một bài viết có cái đầu đề khá
kiểu cách: “Tôi không chúc anh thuận buồm xuôi gió” (Bài giới thiệu tập
truyện Tướng về hưu lần đầu tiên in ở NXB Trẻ thành phố Hồ Chí Minh,
1988). Năm 1990, Thiệp nhờ tôi viết lời tựa cho một tập truyện ngắn khác của anh.
Bài viết của tôi không được dùng vì Thiệp nói, có lệnh của công an không cho in
lời tựa cho tác phẩm này (Thiệp từng bị công an theo dõi, có thời gian bị khám
nhà và quản thúc). Tôi gửi bài viết cho tạp chí Sông Hương, đăng vào năm 1991.
Ý kiến của tôi và Hiến khác nhau. Hiến cho rằng trong truyện của Thiệp
có sự đối lập giữa các nhân vật nam và nhân vật nữ: Nữ là chính diện, nam là
phản diện. Từ đó cho rằng tinh thần phê phán xã hội của Thiệp là xuất phát từ
quan điểm gọi là “thiên tính nữ”. Tôi không tán thành ý kiến ấy, vì thấy không
có sự đối lập này trong nhiều tác phẩm tiêu biểu của Thiệp. Nhận xét của tôi là
sự đối lập về tư tưởng tiêu cực và tích cực của các nhân vật trong truyện
của Thiệp – không phải giữa nam và nữ, mà giữa những nhân vật sống gần với tự
nhiên (thường ở trong nhà, thậm chí trong xó bếp, hoặc ở nông thôn hay trong
thẳm rừng), nên vẫn giữ được bản chất thiên nhiên, bản chất tạo hoá tự nhiên
của mình, với những nhân vật đi vào xã hội, bị xã hội hoá – trong tác phẩm của
Thiệp, xã hội hoá đồng nghĩa với tha hoá. Tôi đưa ra một loạt dẫn chứng và
khẳng định hầu như không có ngoại lệ: Tướng
về hưu, Những bài học nông thôn, Những người thợ xẻ, Không có vua, Trái tim hổ,
Muối của rừng…
Hôm ấy, sau cuộc nhậu ở nhà Thiệp, khánh thành pho tượng Phật, tôi và
Hiến tranh luận với nhau. Hiến vẫn giữ ý kiến của mình. Anh nói: “Cậu nên nhớ,
con khỉ dạy cho ông Diểu bài học làm người (Muối
của rừng) là con khỉ cái nhé – nghĩa là vẫn đúng với luận điểm “thiên tính
nữ”. Thiệp ngồi quan sát tôi và Hiến tranh luận. Anh chỉ cười. Hình như càng
ngày, Thiệp càng cố tình tạo ra trong tác phẩm của mình những cảnh đời quái
đản, tăm tối, với những con người, từ thế xác tới tâm hồn, như chui từ bùn rác,
cống rãnh lên – Một thái độ hư vô chủ nghĩa, nhạo báng tuốt, nói ngược lại
tuốt, cố tình gắn cái cao cả với cái thấp hèn, cái to tát với cái bé mọn, cái
trinh trắng với cái bẩn thỉu tục tĩu… Một thứ “nihilisme” – Dieu est mort – kiểu Nietzsche. Và hành
văn cũng theo lối phán truyền của Nietzsche (style
parabolique). Hình như Thiệp có hứng thú (và có sở trường) ném ra những lời
như sấm ngôn, như thánh phán, với những mệnh đề triết lý tù mù, bí hiểm, có thể
suy ra nhiều nghĩa. Tôi ngờ rằng, chưa chắc Thiệp đã có tư tưởng gì thật sự nên
mới làm ra thế để loè thiên hạ, đồng thời che giấu bản chất còn mù mờ của tư
tưởng mình. Người đọc có thể thấy đây đó những điều có vẻ loé sáng, nhưng không
bao giờ thấy có ngọn lửa chân lý hẳn hoi.
Gần đây đã có không ít người nói đến dấu hiệu đuối sức, cạn tài của
Thiệp. Tôi cho chỗ hay nhất của Thiệp vẫn là lối viết táo bạo nhưng chân thật,
hồn nhiên, bản năng. Gần đây Thiệp có truyện Ông Móng viết về cái chợ đêm bán phân người ở Hà Nội. Người ta
khoắng tay vào thùng phân để kiểm tra. Phân cũng làm hàng giả. Nên mua phân
cũng phải khoắng tay để kiểm tra. Cuộc sống thật quyết liệt, tối tăm, một nhân
loại cùng khổ đến thế là cùng. Đúng là những nhân vật của Nguyễn Huy Thiệp, là
thế giới nghệ thuật của Nguyễn Huy Thiệp. Cứ phải xục xuống bùn, xục sâu xuống
tận đáy cho đục ngầu hẳn lên… Tôi thấy truyện này rất tiêu biểu cho tư tưởng và
phong cách Thiệp – một chủ nghĩa hiện thực “không có vua”… Tài nghệ và tư tưởng
của Thiệp đã tìm được một đề tài thích hợp.
Có lẽ nhược điểm của Thiệp là thường thuật kể theo các hành vi ngoại
hiện của nhân vật, ít đào sâu vào đời sống nội tâm của các vai truyện. Vì thế
không viết được tiểu thuyết chăng? Ngày xưa Nguyễn Công Hoan cũng có nhược điểm
này. Nhưng dù sao tiểu thuyết của cụ Hoan cũng không quá dở như của Thiệp.
Cuối năm 1988, Nguyễn Minh Châu bấy giờ đã mệt lắm. Anh vào Nam chữa bệnh không có hiệu quả lại trở ra Bắc. Tôi đến thăm anh ở 108. Anh nói với tôi: “Bây giờ có ai nghiên cứu về cái đề tài này cũng hay đấy nhỉ: Từ Đỗ Chu đến Nguyễn Huy Thiệp”. Anh không nói gì thêm nữa. Tôi chắc anh nghĩ đến hai cái mốc đánh dấu hai thời kỳ văn học nước ta, bằng hai tài năng trẻ cùng viết truyện ngắn: Đỗ Chu là người thể hiện chất thơ của miền Bắc xã hội chủ nghĩa, còn Nguyễn Huy Thiệp thì thể hiện chất văn xuôi phàm tục và chất bi hài của chủ nghĩa xã hội hiển lộ ra từ thời kỳ đổi mới.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét