30/7/19

1.505. LON VÀ LU - CHUYỆN CHƯA CŨ

                                                                             
         Trong tháng Bảy có 2 chuyện khôi hài tầm cỡ quốc gia; dù chuyện đã qua nhưng cũng chép lại nơi này để đọc chơi và ngẫm về sự đời qua cái LON và cái LU

1. Chuyện LON:

Cục Văn hóa cơ sở - thuộc Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch – vừa rồi có công văn gửi các địa phương yêu cầu chấn chỉnh hoạt động quảng cáo sản phẩm Coca - Cola có sử dụng cụm từ "mở lon Việt Nam" vì cho rằng việc sử dụng cụm từ này trong nội dung quảng cáo có dấu hiệu về hành vi quảng cáo thiếu thẩm mỹ, không phù hợp thuần phong mỹ tục Việt Nam.
Nhiều bạn đọc phản ứng: trong tiếng Việt, từ “lon” có thể hiểu là những gì mà phải kiêng kỵ đến vậy?
Thực ra từ “lon” đã có từ lâu đời trước khi người Việt biết đến “lon bia”, “lon sữa”, “lon đồ hộp”, “lon nước”… Như vậy nó không phải là một từ vay mượn; “lon” trong vốn từ tiếng Việt chỉ một số loại vật dụng:
“Việt Nam tự điển” - Hội khai trí Tiến Đức sách xb năm 1931 cùng một số từ điển xưa đã ghi nhận: “lon” là “chậu đựng lòng nông và thành đứng, làm bằng sành, bằng gỗ”. Vd: lon cho lợn ăn, lon dã cua, đồng dao có câu “Cái lon xách nước, cái lược chải đầu”… (Ông giẳng  ông giăng/ xuống chơi với tôi/ có nồi cơm nếp/ có nệp bánh chưng/ có lưng hũ rượu/ có khiếu đánh đu/ thằng cu vỗ chài/ bắt trai bỏ giỏ/ mẹ đỏ ẵm con/ cái lon xách nước/ cái lược chải đầu…”
Về vấn đề câu slogan “mở lon Việt Nam” của hãng Cocacola mà theo bà Cục trưởng là  “trái thuần phong mỹ tục” thì bà Ninh Thị Thu Hương - Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở (thuộc Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch) cho rằng "mở lon Việt Nam" khi từ "lon" đứng một mình, không gắn với từ Coca - Cola hay bia... có thể được hiểu theo rất nhiều nghĩa. Hãy giả sử nếu người ta thêm dấu, thêm mũ vào cho từ đó... Từ "lon Việt Nam" có rất nhiều vấn đề"…
Bà Hương nói thêm từ lon ở Việt Nam có rất nhiều nghĩa nếu như không gắn với các từ chỉ đồ uống khác như "Coca - Cola", "bia"...
Nói thẳng ra, bà ta suy diễn rằng “lon” trong trường hợp này sẽ bị diễu nhại thành “lồn” !!! (tức là phạm vào thuần phong mỹ tục !!!)
Ôi, cái đầu óc thô thiển cạn cợt vậy mà lại nghĩ cho xa. Trong quán nhậu, giả sử thực khách gọi: “cho 5 lon…” hoặc trong quân đội, khi thăng quân hàm người ta gọi là “lên lon” hoặc trong dân gian khi nấu cơm người ta hay nói “nấu x lon”… thì sao nhỉ.

            2. Chuyện LU:

            Phó giáo sư, tiến sĩ Phan Thị Hồng Xuân - Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam - Đông Nam Á, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Dân tộc học - Nhân học TP.HCM - đã đề xuất với UBND TP.HCM sáng kiến trang bị lu nước để chống ngập.
Bà nêu đề xuất này tại phiên thảo luận về chống ngập tại kỳ họp thứ 15, HĐND khóa IX, chiều 12/7. Theo đại biểu Phan Thị Hồng Xuân, nếu thử nhìn ở góc độ khoa học xã hội và nhân văn, có thể tìm ra sáng kiến chống ngập đơn giản, thay vì chờ các giải pháp chống ngập hiện nay. Bà nói: “Mỗi nhà ở nông thôn, trước sân có lu nước rất to để đựng nước, trong đó có tính năng lưu trữ nước mưa. Nên chăng, cần suy nghĩ về biện pháp này bên cạnh các giải pháp chống ngập bằng công trình. Đây là ứng dụng từ giá trị văn hóa bản địa. Có thể trang bị cho mỗi nhà một lu nước to để hứng nước mưa”.
Sau ý kiến của đại biểu này, hội trường vang lên nhiều tiếng cười xôn xao.
Giá trị văn hoá nhân bản là gì vậy chị, giá trị này sao vận dụng vào đây chị? Cái lu hứng được bao nhiêu nước mưa, để chống ngập cả thành phố thì cần bao nhiêu cái lu…
Và hiển nhiên sau phát biểu sáng kiến đó, bà Xuân đã bị các trang mạng ném đó dữ dội và không tiếc lời nào là “ngu, đần, dốt…”, không xứng đáng đại diện cho tiếng nói nhân dân…
* Từ 2 sự việc LON và LU chúng ta có thể nhìn thấy tầm thấp và tư duy hạn hẹp của những người thuộc hàng đỉnh cao trí tuệ đang ăn trên ngồi trước do được cơ cấu trong xã hội.
Những con người này mà còn tham gia vào việc điều hành chính phủ kiến tạo thì không biết đất nước sẽ đi về đâu !

Không có nhận xét nào: