Mộc Nhân
Chuyện về nhà văn (ở đây nên hiểu là bao gồm cả nhà thơ,nhà phê bình văn học) thì có rất nhiều thứ để nói: chuyện lớn thì có thiên chức, sự nghiệp, sứ mệnh, tầm vóc… (toàn những thứ kinh hồn); chuyện thường thường bậc trung thì có xuất bản tác phẩm, chém gió trên diễn đàn, viết bài đăng báo đăng tạp chí kiếm nhuận bút…; chuyện tệ hại thì có gạ gẫm, chấp nhận làm văn nô, tranh giành làm quan văn, sống bê tha…
Những chuyện như thế thời nào cũng có. Nhưng thời buổi
bây giờ, ai cũng có thể nhận ra một điều là chuyện lớn của nhà văn có mà ít; chuyện
thường thường bậc trung khá nhiều và chuyện tệ hại thì cũng không phải là hiếm.
Vậy nên nhà văn thời nay dễ bị chửi mắng. Bạn có thể
nhận ra điều ấy trên các diễn đàn, trong các cuộc trà dư tửu hậu, hoặc chính nhà văn tự trào (như tôi đây chẳng hạn)…
Nhà văn bị chửi bao gồm nhiều cấp (level): nhà văn cấp quốc gia (thuộc Hội nhà văn VN), nhà văn cấp tỉnh
(thuộc hội VHNT tỉnh), nhà văn cấp xã phường, huyện thị thuộc câu lạc bộ văn
thơ đều bị chửi. Thậm chí ai đó mà viết văn thơ không thuộc hội nào cũng bị xỉa
xói.
Phàm bọn nào dính đến văn thơ, viết lách đều bị chửi cả.
Nói cúng là rẻ rúng. Nếu gọi là “hội chứng chửi nhà văn” cũng không có gì là
quá.
Nhà văn cấp quốc gia bị chửi là văn nô, bất tài vô dụng,
không để lại thành tựu văn học nào có giá trị. Họ bị gọi là nhà văn quốc doanh,
nhà văn mậu dịch. Chửi nhà văn rồi chửi luôn cả nền văn học tốn thuế, tiêu ngân
sách, tìm không ra môt tác phẩm lớn xứng đáng với dân tộc, đất nước, lấy đâu
vươn ra với khu vực…
Nhà văn cấp tỉnh cũng bị chửi tương tự, lại thêm các ẩn
dụ như: chơi ao làng, hội hè…
Nhà văn cấp lớn cao coi thường nhà văn cấp tỉnh và ngược
lại cũng có. Nhà văn cấp câu lạc bộ thì bị nhà văn chuyên nghiệp chửi là bọn
thơ thẩn vần vè… Thậm chí tôi đã nghe bọn không có chữ nào trong đầu, những người
hầu như cả năm năm không đọc lấy một quyển sách, chả biết gì về văn chương,
nhưng vẫn chửi nhà văn, chửi văn nghệ như thường: “nhà văn chi mà như cức”, “đêm nằm nghĩ mãi không ra/ vì sao thằng đó lại
là nhà văn”…
Ai cũng chửi được nhà văn hay nhà văn chửi nhau - nói
hơi tục chút là: “Chúng nó ỉa vào mồm
nhau”. Nếu nói về khả năng chửi mắng thì nhà văn cũng chẳng thua kém bất kì
ai, thậm chí chửi hơn hẳn thiên hạ nên nhà văn cũng tự mình hòa vào ma trận ấy.
Tóm lại không khí chửi bới nhà văn bao trùm lên toàn bộ
sinh hoạt văn nghệ - cũng như không khí chửi bới quan chức bao trùm lên toàn bộ
sinh hoạt xã hội.
***
Thực ra, nhà
văn bị chửi mắng cũng có phần không oan vì những lẽ:
- Trong xã hội VN nhà văn quá nhiều, sản xuất văn thơ
nhiều mà ít để lại gì đáng nhớ.
- Dưới con mắt quần chúng, họ là thánh chữ nhưng khi
nhìn vào họ cũng nhếch nhác, bỗ bã, dung tục, xấu xa… như bao người.
- Dưới cái nhìn kì vọng thì nhà văn VN không có (hoặc có
ít) thành tựu, nhưng lại thích danh, hay ra oai, khoe chữ, mưu cầu…
- Dưới cái nhìn trách nhiệm xã hội, đôi khi họ rất thờ
ơ trước các vấn đề nhức nhối như: ô nhiễm môi trường từ Formosa, quan chức tham
nhũng, nỗi đau của dân oan, Tàu cộng lấn biển đảo… Cả ngàn hội viên Hội nhà văn
VN và các Hội VHNT tỉnh thành nhưng có mấy người viết về những đề tài nhức nhối
ấy.
- Lại có kẻ hãnh tiến, chạy vào văn chương kiếm tí danh, trang sức bằng chữ nghĩa…
Nhà văn nhiều hình dạng quá, xấu tốt đều có cả. Xấu
cũng đủ thể tài, tốt cũng có nhưng tâm lí xã hội thích xoi cái xấu hơn nên nhà
văn hay bị chửi là do thế.
Công bằng mà nói, nhiều người yêu văn chương, sống với
văn chương, không viết không chịu nổi, đêm ngày bứt rứt giày vò bởi số phận con
người và đời sống xã hội; vậy nên vơ đũa cả nắm thì cũng hơi oan. Họ vẫn còn
tâm huyết, đau đáu các vấn đề không ai dám chạm tới, nhiều người âm thầm lặng lẽ
vật lộn với trang giấy và đau lòng phẫn uất khi nhìn thấy bất công trong xã hội
như: nhà văn Nguyễn Minh Châu tiên phong với công cuộc đổi mới văn nghệ, thơ Bùi Chí Vinh với các bài thơ lồng lộn cùng thế sự, Tạ Duy Anh viết Mối Chúa, Nguyễn Việt Chiến viết Thời đất nước gian lao, Bảo Ninh viết Nỗi buồn chiến tranh, Hoàng Xuân Tuyền
viết Tự do, giáo sư - nhà văn Chu Hảo dịch và cho xuất
bản các tác phẩm tự do dân chủ, nhóm thơ Mở Miệng lừng lẫy một thời đi tìm cái
mới... Tất cả họ đều dấn thân và chấp nhận mất mát nào đó.
Cũng thành thật mà nói, có người lấy văn chương làm
sân chơi tao nhã – điều ấy không có gì sai trái vì đó là quyền và sở thích của
họ, viết như một cách giải tỏa, giải trí, tiêu dao. Họ không chạm vào ai, cũng
không bưng bô; chỉ có một nhu cầu muốn chia sẻ những giãi bày nội tâm.
Trăm ngàn con đường đến với nghề viết và cái danh nhà
văn. Trăm ngàn kiểu và cách viết lách. Trăm ngàn kiểu bị chửi và trăm ngàn ẩn ức…
Carlos Williams – nhà thơ Mỹ hiện đại có nói: “Các nhà
thơ bị nguyền rủa nhưng họ không mù, họ nhìn với đôi mắt của thiên thần” (Poets are damned but they are not blind,
they see with the eyes of the angels). Nếu bạn biết câu này, bạn sẽ cẩn thận hơn khi soi chửi nhà văn.
Hãy công bằng khi nói về nhà văn, họ là con người bình
thường cũng đủ hỉ nộ ái ố, tham sân si. Họ cũng có mơ ước và khát vọng. Họ cũng
có cuộc sống và tâm hồn. Dù họ chưa có thành tựu gì nhưng nếu họ không dính đến
những điều tệ hại nêu trên thì cũng là đáng quí. Con chữ chính đáng của nhà văn
ít nhiều đều có liên quan đến sáng tạo – tầm thấp thì có vần vè (cũng là sáng tạo bình dân); tầm trung thì
có thơ văn kiểu cũ; tầm cao thì có hậu hiện đại, cách tân... Chúng ta không thể yêu cầu
anh nhà thơ ở Câu lạc bộ cấp xã phường, nhóm hưu trí, nhóm cựu chiến binh hay
người cao tuổi… viết đổi mới như nhà thơ chuyên nghiệp. Và nhà thơ chuyên nghiệp
cũng không nên lấy chuẩn của mình ra để chê bai người khác. Và xã hội cũng
không cấm người làm thơ dở (xin mạn
phép dùng từ này – nó rất tương đối) thì không được viết và đăng… Người dân
làng Chùa có câu “Viết được một câu thơ thì giảm được một lời nói thô tục” cũng
là khuyến khích tinh thần yêu thơ, yêu văn hóa văn nghệ để làm đẹp cho đời. Và
khi bạn muốn đánh giá nhà văn hãy nhìn vào tác phẩm của họ chứ đừng nhìn theo
đám đông. Ngoài tác phẩm ra, không còn gì đáng nói về họ nữa. Và cái nhìn đó phải
xuất phát từ sở tri, sở cảm của bạn chứ không nhìn theo ai khác.
Nhà văn - họ là con đẻ của văn hóa dân tộc nhưng lại
là con ghẻ của xã hội đám đông; là con hoang của tự do nhưng là con ngoan của
tuyên giáo; là con cầu tự của đam mê nhưng là con hư của mưu cầu và trục lợi...
Chúng ta đòi hỏi nhiều ở họ nhưng cần hiểu rằng khi cơ chế xã hội đối với nhà văn thay đổi
thì tự khắc họ sẽ thay đổi, họ sẽ lớn lên cho xứng tầm thời đại, họ sẽ tự chuyển
mình trong ý thức, tự vận động để sống cùng nghiệp chữ.
Nhưng không phải tất cả đều thế.
Nếu lúc nào đó vui miệng hay cạn nghĩ, bạn nói câu: “Anh làm nhà văn có để lại gì không?”
thì bạn đã đánh đồng tất cả và bạn đã sai. Sai ngay trong cách đặt vấn đề
- vì nhà văn là cá thể, và không phải mọi nhà văn đều phải là nhà văn lớn và có
sự nghiệp lớn để lại. Nếu bạn cứ tiếp tục câu hỏi đó thì tôi sẽ hỏi lại bạn: “Một năm bạn đọc được bao nhiêu quyển sách ?”;
“Bạn có quan sát hay đọc gì ở những nhà văn mà bạn chê bai không ?”. Nếu bạn ấm ớ trước câu hỏi của tôi, bạn không có tư cách nào để nói chuyện văn chương.
Sự nghiệp nhà văn là của họ. Nếu đó là sự nghiệp lớn thì là hồng phúc, tinh anh, phát tiết của thời đại trong dòng chảy văn hóa dân tộc. Còn như sự nghiệp vừa vừa thì đó là đóa hoa tâm hồn của họ. Tuy nhiên, mỗi nhà văn luôn tự mình phấn đấu để trở thành người viết chân chính.
Aristote nói: “Khi
là sắt người ta ước mình là bạc, là bạc ước mình là vàng, là vàng ước mình là
kim cương. Chỉ là kim cương người ta ko ước thành gì nữa cả”.
Ai cũng muốn mình là bạc, vàng hay kim cương – tức là
có ý hướng phấn đấu chứ không phải mơ ước viễn vông hay tham lam thái quá.
Tuy nhiên đã là nhà văn chân chính thì chúng ta phải
thực hành những chân lí, những sự thực phổ quát mà nếu thiếu chúng thì bất cứ
văn bản nào cũng chỉ là con chữ phù phiếm khi ngắm nhìn sự tàn lụi của con người.
Tác phẩm của chúng ta không cần là những tấm bia ghi dấu
mà chỉ cần là một trụ đỡ giúp cho con người nhẫn nại đi đến chiến thắng.
Hay nói như Albert Camus – nhà văn Pháp thắng giải
Nobel Văn chương năm 1957: “Mục đích của người viết văn là giữ cho nền văn minh
không tự hủy diệt” (The purpose of a writer is to keep civilization from
destroying itself).
Tôi tin rằng khi bạn đọc bài này, bạn sẽ hiểu nhà văn hơn.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét