7/11/20

1.902. BẦU CỬ TỔNG THỐNG MỸ 2020

      Mộc Nhân - ghi chép theo ý mình



Cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2020 đã kết thúc 3 ngày qua nhưng đến thời điểm này, kết quả cuối cùng ai là ông chủ mới của Nhà trắng – Donal Trump hay Joe Biden - vẫn chưa được công bố. Có nhiều lí do của sự chậm trễ này: kiểm phiếu toàn quốc chưa xong hoặc có thể đã xong nhưng cần rà xoát lại mới công bố; có khiếu nại về việc gian lận từ ông Trump đối với ông Biden; chờ phán quyết của tòa án Liên bang… và cũng có thể họ nấn ná chưa công bố vì lo ngại một cuộc nội chiến sẽ nổ ra khi các phe phái ủng hộ các ông sẽ choảng nhau bằng súng ống, bằng bạo lực, đập phá, giết chóc…

Chính vì vậy các lực lượng vũ trang, quân sự, cảnh sát, đặc nhiệm, an ninh nội bộ, FBI, CIA… đều đang âm thầm bày binh bố trận để chuẩn bị cho tình huống khẩn cấp này – nếu nó xảy ra.

Theo ghi nhận, dù bất cứ kỳ bầu cử TT Mỹ nào cũng được thế giới quan tâm nhưng đây là cuộc bầu cử được sự quan tâm lớn nhất của dân Mỹ và cả thế giới thể hiện ở tỉ lệ cử tri Mỹ đi bầu đạt kỉ lục trong một thế kỷ qua; các biện pháp an ninh và kỹ thuật được áp dụng tối đa; các phe phái ủng hộ bị phân hóa đến mức sâu sắc; sự can thiệp của truyền thông có các tác động mạnh mẽ…

Điều ấy nói lên “Sức mạnh Mỹ”.

 Sức mạnh của nước Mỹ không chỉ đứng đầu về năng lực quân sự trên thế giới, mà còn là giá trị Mỹ, văn hóa Mỹ, niềm tin Mỹ trong vai trò lãnh đạo quân sự, dẫn dắt kinh tế, kìm chế sự trỗi dậy của TQ trên diễn đàn thế giới. Thực tế quốc tế cho ta thấy rằng không thể thiếu nước Mỹ. Mỹ có sức mạnh của đồng đô la, Mỹ sở hữu công nghệ đỉnh cao. Mỹ đứng phía sau các định chế kinh tế lớn.

Tuy nhiên nhiều người đánh giá rằng với nhiệm kỳ vừa qua, Trump đã phá tan quyền lực mềm mà nước nước Mỹ mất rất nhiều năm mới gây dựng được (trên các diễn đàn, các tổ chức phi chính trị như UN, WHO, WTO, UNESCO…). Trump đã co cụm, rút nước Mỹ khỏi hầu hết các hiệp định quan trọng, quay về chủ nghĩa thực dụng cực đoan với khẩu hiệu US - First, buộc các đồng minh truyền thống của Mỹ (Đức, Anh, Pháp, Canada, Úc..) phải xem xét và thay đổi lại chính sách của mình. Lại thêm nước Mỹ đối phó tệ hại với dịch virus Vũ Hán, khiến dân Mỹ lãnh hậu quả nặng nề.

Trong cuộc chiến với TQ, rõ ràng Trump đã trấn áp được TQ nhưng TQ đã cao tay kịp thời điều chỉnh chính sách, đối phó hữu hiệu với các tổn hại do Mỹ mang lại đối với nền kinh tế đồng thời TQ vẫn tiếp tục quân sự hóa biển Đông mà không e sợ trước những phản ứng cứng rắn của Mỹ. Trên bình diện quốc tế, chính sách của Mỹ khiến Nga và TQ gần nhau hơn…

Nhưng đa số người ta vẫn tung hô Trump vì những hành động cục bộ cứng rắn của Trump với TQ khiến đa số người ghét TQ hiểu nhầm rằng, Trump coi TQ là đối thủ tất phải diệt. Tuy nhiên TQ vẫn bành trướng hơn, cứng rắn hơn và tham vọng bộ lộ rõ ràng hơn.

Ngoài ra, nước Mỹ trong 1 năm gần đây, ông Trump đã không quyết liệt chống dịch Covid khiến người dân Mỹ phải hứng chịu thiệt hại do dịch nặng nề và nước Mỹ có nhiều suy giảm kinh tế, xã hội, nhiều năm nữa mới lấy được vai trò đã mất.

Chính vì vậy, ai lãnh đạo nước Mỹ trong nhiệm kỳ tới là điều mà cả thế giới đều quan tâm, thể hiện qua sự theo dõi đặc biệt tới cuộc bầu cử này.

Dân Việt Nam cũng không ngoại lệ. Tâm lý chung của người VN được thâu tóm trong 2 tiếng: “Cuồng Trump” – cụ thể là họ tuyệt đối ủng hộ, ca ngợi Trump, mong Trump thắng cử… Tất nhiên điều ấy chẳng tác động gì tới Mỹ cả mà nó chỉ biểu hiện các trạng thái tâm lí một cách thật trung thực thẳng thắn.

Trạng thái tâm lý ấy xuất phát từ việc Trump đánh Trung Quốc tới tấp. Mà TQ bành trướng là kẻ thù của VN. Dân VN từ bao đời nay ai cũng ghét TQ nên bất cứ ai và nước nào chống TQ, hay chỉ cần có thái độ dằn mặt TQ đều sẽ nhận được thiện chí của người Việt. Người Việt vì yếu thế trước TQ nên khao khát một ai đó sẽ giúp mình chế ngự được TQ. Tôi nghĩ kể cả sau này, nếu ông Biden lên làm TT mà có chính sách chóng lại TQ thì người VN cũng “cuồng Biden” như “cuồng Trump” thôi.

Mặt khác, sự quan tâm đến cuộc bầu cử TT Mỹ lần này còn biểu hiện tâm lý quan tâm đến nền dân chủ tiên tiến, dù nó có nhiều phức tạp và kịch tính. Từ cuộc bầu cử TT Mỹ, người ta liên hệ tới các cuộc bầu cử “một bầu một”, “chưa bầu đã biết ai thắng”, “chỉ định bầu” ở VN một cách mỉa mai.

Tuy nhiên đó chỉ là các trạng thái tâm lý theo phong trào hay đám đông. Còn thực ra, đa số người VN vẫn thờ ơ với chính trị. Họ còn bận rất nhiều thứ: vui chơi, kiếm tiền, lo cho cá nhân và gia đình… Điều ấy tốt, có thể thay đổi được cuộc sống bản thân và gia đình. Nhưng khi nào việc nhận thức rằng chính trị chưa phải là hơi thở của đời sống thì sự phát triển của xã hội dân chủ văn minh tiến bộ hãy còn xa. Le Bone nói “Làm một cuộc cách mạng thì dễ, thay đổi tâm hồn một dân tộc mới thật khó”.

Rốt lại, dầu anh Trump hay anh Biden làm TT Việt Nam ta vẫn “xây dựng chủ nghĩa xã hội”, vẫn phải đề phòng và tự thân vận động để bảo vệ mình trước TQ. Và rồi, sau sự kiện này, đại đa số người VN vẫn tiếp tục tư duy, sinh hoạt, làm việc … và mọi việc như là chưa có gì xảy ra. Và sâu thẳm trong mỗi người, vẫn có tâm lý hướng về Mỹ để mơ ước được đặt chân đến đó một lần trong đời; ngóng tự do; trông chờ những hành động cứng rắn của họ để bênh vực kẻ yếu; và chắc chắn sự phát triển của chúng ta không thể thoát ra guồng quay cũng như sự quan tâm, chiếu cố, đầu tư, quan hệ từ Mỹ.

Mỹ chưa tuyên bố ai thắng cử nhưng Truyền thông Mỹ đã có nhiều bài chúc mừng ông. Trên mạng XH facebook ở VN đã bắt đầu có nhiều bài ca ngợi ông Biden, chúc mừng ông thắng giải TT Mỹ – dù tôi biết trước đó mấy hôm họ còn tung hô ngài Trump. Hội chứng "cuồng Biden" đang bắt đầu ở VN.

Và trên trang cá nhân Twitter của cả hai ông Trum và Joe, họ đều cùng tuyên bố thắng lợi.

Vậy nên, dù 2 hay 3 hay 4 ngày nữa, nước Mỹ mới chính thức công bố kết quả nhưng với tôi thì ai cũng vậy thôi.

Let It Be.

Không có nhận xét nào: