25/11/20

1.922. MỘC NHÂN TRIỆN

 Mộc nhân

   Hôm qua (ngày 10 tháng Mười năm Canh Tý), ngày lành tháng tốt, bổn Mộc khai danh triện Mộc Nhân Lê Đức Thịnh bằng mộc bản do thư pháp gia Lý Khoa Minh - Hội An thiết kế theo tự dạng "Triện thư" (lối chữ Triện - một kiểu chữ thư pháp của Trung Quốc cổ, thông dụng dưới thời nhà Tần, hiện nay ít dùng), chạm trên gỗ bạch thông trăm năm tuổi.
    Nhân đây, nhiều người hỏi "Mộc Nhân" nghĩa là gì ?
    Bổn Mộc xin giải thích như sau:
    Mộc có nghĩa là cây - trong câu "Thập niên chi kế, mạc như thụ Mộc(Tính kế mười năm, không gì bằng trồng  cây).
    Nhân có nghĩa là người - trong câu "Bách niên chi kế, mạc như thụ Nhân (Tính kế trăm năm, không gì bằng trồng  người).



  Hai câu này của tướng Quản Trọng (thời chiến quốc). Nguyên văn trong sách "Quản Tử" - có đoạn: "Nhất niên chi kế, mạc như thụ cốc; thập niên chi kế, mạc như thụ mộc; bách niên chi kế, mạc như thụ nhân. Nhất thụ nhất hoạch giả, cốc dã; nhất thụ thập hoạch giả, mộc dã; nhất thụ bách hoạch giả, nhân dã. Ngã cẩu chủng chi, như thần dụng chi, cử sự như thần, duy vương chi môn." (Kế một năm thì không gì bằng trồng lúa; kế mười năm thì không gì bằng trồng cây; kế trăm năm không gì bằng trồng người. Trồng một mà lợi ích một đó là lúa; trồng một mà lợi ích mười, đó là cây; trồng một mà lợi ích một trăm đó là con người. Nếu chúng ta chú trọng trồng người, thì hiệu dụng như thần, làm việc mà thu được hiệu quả thần kì thì chỉ có con đường của bậc vương giả mới có thể làm được).
   Về sau Bác Hồ nói tương tự "Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người".
    Lê Đức Thịnh tôi lấy bút hiệu Mộc Nhân từ câu của Quản Trọng nói trên là để phù hợp với nghề nghiệp dạy học của mình.
    Đơn giản vậy thôi. 

Không có nhận xét nào: