20/11/20

1.921. DIỄN TỪ VỀ HƯU

    Mộc Nhân -

                        DIỄN TỪ VỀ HƯU



     Kính thưa quí thầy cô giáo.

Kính thưa quý vị khách quí và đại biểu.

Hôm nay tôi rất vui khi đứng trong không gian này: không gian trang trọng, ấm tình của buổi lễ kỷ niệm Ngày NGVN lần thứ 38 kết hợp với việc HĐSP chia tay tôi về hưu.

Tôi có 35 năm công tác dạy học, trong đó 30 năm làm việc tại ngôi trường này. Tôi không có bất kì thời gian nào làm nhiệm vụ quản lý (ngoại trừ nhiệm vụ cao nhất là TT cm cấp trường). Ngoài ra tôi cũng được giao vài nhiệm vụ "quản lý ảo" như: Tổ trưởng tổ nghiệp vụ bộ môn Ngữ văn huyện, Thanh tra viên kiêm nhiệm, Thành viên Hội đồng chuyên môn Ngữ văn THCS thuộc Sở GD-ĐT... và thêm vài thứ lặt vặt "sai đâu đi đó". 

Công bằng mà nói, những chức vụ "ảo" ấy giúp tôi đi nhiều, tiếp xúc nhiều, học được nhiều, mở rộng ra nhiều mối quan hệ, nâng cao tay nghề và tích lũy không chỉ cho nghề mà còn cả cho văn chương.

Cảm xúc của tôi hôm nay khác với cảm xúc của mọi người đã từng như tôi vào những năm trước đây, trong tình huống này - đó là vui.

Niềm vui của tôi đến từ nhiều lẽ: Vui trong ngày Nhà giáo của chúng ta – điều ấy tất nhiên, bởi nó định kì, bất luận.

Nhưng có điều vui lớn nhất của đời người - với cá nhân tôi - là được trở về với 3 từ: "An toàn, Sức khỏe và Mãn nguyện" khi kết thúc đời nghề của mình.

Trong trạng thái như thế, như tôi đã nói, mọi người sẽ có những xúc cảm khác nhau.

Có người khóc, có người nghẹn không nói nên lời, buồn bã, quyến luyến… Tôi tôn trọng những cảm xúc ấy vì đó là cái riêng mà mỗi người tích lũy và trào dâng từ những kí ức của mình.

Nhìn ở một góc độ nào đó, tôi cũng có những xúc cảm như vậy nhưng cái vui trong tôi lớn hơn. 

Tôi vui vì đi qua hai cực trái ngược của đời sống và nghề nghiệp mà nó giúp tôi va đập, trải nghiệm và trưởng thành.

Tôi nói đến cực thứ nhất khi mình đã trải qua thời kì gian khổ nhất của giáo dục và xã hội. Có lẽ chúng ta cũng không nên kể lể nhiều nhưng tôi tin rằng trong các đồng nghiệp cao tuổi ngồi đây, tôi thuộc nhóm giáo viên sống và làm việc thời cực kì khó nhọc, nơi miền núi. Không gian và thời gian ấy có nhiều bất trắc dễ dàng đánh gục nhiệt huyết của người trẻ tuổi, chưa có kinh nghiệm gì - khi mới chập chững khởi nghiệp. Những năm tháng đi bộ, lội rừng 5 ngày để tới nơi công tác, nhiều khi cả tuần mới có vài chén cơm… là những điều không phải ai cũng trải qua. Tuy nhiên, nơi này, thời ấy đã cho tôi những kí ức đáng nhớ về tình bạn, tình người, tình thầy trò... Nó cũng khá phù hợp với sự phóng khoáng trong tính cách của tôi.

Cực thứ hai là tôi được về công tác tại ngôi trường lớn nhất của huyện Đại Lộc. Nơi đây tôi được tiếp xúc với những bậc thầy trong dạy học và ứng xử… Từng bước tôi đã trưởng thành từ ngôi trường này.

Ngôi trường này và những người thầy, đồng nghiệp thân yêu đã cho tôi những bước tiến về chuyên môn - để rồi nó tiếp tục cho tôi những cảm xúc mở ra nhiều cuộc chơi mới.

Hôm nay tại đây tôi vui vì được hội ngộ 3 thế hệ: những người thầy của tôi bất luận các vị ấy có dạy tôi hay không; những đồng nghiệp tôi bất luận họ là những nhà quản lý hay không, hoặc khác nhau về chuyên môn, tuổi tác; và học trò tôi - những học trò tôi đã dạy hoặc bất luận tôi có dạy hay không họ vẫn xem tôi là bậc thầy. 

Chúng ta ngồi đây để nói với nhau về kí ức, nhắc lại những câu chuyện vui.

Chúng ta cũng tạm gác lại những vấn nạn đạo đức của người học – có cả từ phía người dạy. Tạm thời không nói đến những bất cập của thời giáo dục nhiễu nhương mạt vận đưa nền giáo dục nước nhà đi vào thoái trào với những khúc cua bi hài, rối rắm, lợi ích nhóm, đổi mới nửa vời, chắp vá.

Những điều đó khiến cho người làm giáo dục chân chính nản lòng, bất lực. 

Cho dù vài cá nhân lãnh đạo giáo dục có hạn chế tới mức nào, thì sự cao quý của giáo dục vẫn luôn đâm rễ vào hai mảnh đất là: khước từ nói dối và chống lại những gì đi ngược với giá trị nhân bản. Tôi tin là như thế nhưng những gì đang diễn ra như các bạn đang thấy là khá mù mờ so với hai chuẩn ấy.

Chúng ta đang trải qua một giai đoạn có những lãnh đạo GD ngọng ngịu, đặt lợi ích từ các dự án lên trên tất cả, bỏ qua mọi sự kế thừa, họ xem ý chí của họ là đỉnh cao trí tuệ, trên tất cả để làm những cải cách mùa vụ, phi khoa học. Tâm hồn trẻ thơ ngay từ lớp 1 đã bị nhồi nhét những thứ rách nát từ người lớn như "bốn làn", "đòi quà", lồng trong nhiều mẩu chuyện dạy cách ba lém, khôn lõi... để rồi có khi chúng lớn lên trong những cơn co quắp của thời đại.

Nhân đây tôi xin trích lại Tuyên bố nổi tiếng của Nelson Mandela về nền giáo dục khi ông đi thăm và phát biểu tại trường ĐH Nam Phi: 

"Để phá hủy bất kỳ quốc gia nào, không cần phải sử dụng đến bom nguyên tử hoặc tên lửa tầm xa. Chỉ cần hạ thấp chất lượng giáo dục và cho phép gian lận trong các kỳ thi của sinh viên. Bệnh nhân chết dưới bàn tay các bác sĩ của nền giáo dục ấy. Các tòa nhà sụp đổ dưới bàn tay các kỹ sư của nền giáo dục ấy. Tiền bị mất trong tay các nhà kinh tế và kế toán của nền giáo dục ấy. Nhân loại chết dưới bàn tay các học giả tôn giáo của nền giáo dục ấy. Công lý bị mất trong tay các thẩm phán của nền giáo dục ấy. Sự sụp đổ của giáo dục là sự sụp đổ của một quốc gia." (Destroying any nation does not require the use of atomic bombs or the use of long range missiles. It only requires lowering the quality of education and allowing cheating in the examinations by the students. Patients die at the hands of such doctors. Buildings collapse at the hands of such engineers. Money is lost in the hands of such economists & accountants. Humanity dies at the hands of such religious scholars. Justice is lost at the hands of such judges. The collapse of education is the collapse of a nation.)

***

Dầu gì tôi cũng lớn lên từ 2 nền giáo dục: nền GD khai phóng trước 1975 và nền GD xhcn sau 1975. Nền GD nào khai mở tâm hồn tôi, tự tôi khắc biết.

Tôi đã bước chân vào giáo dục như nghiệp dĩ và ra khỏi giáo dục với 3 từ như tôi đã nói trên: an toàn – sức khỏe – mãn nguyện. Diễn giải 3 từ ấy có nghĩa là:

- “An toàn” với trí não của mình, không bị mụ mị với bất kì cảm dỗ chính trị, nhồi nhét tư tưởng nào và không va vấp với bất cứ điều tiếng nào - từ này không liên quan gì với cụm từ dành cho quan chức "hạ cánh an toàn".

- “Sức khỏe”: tôi muốn nói đến thể chất đủ để tác nghiệp như một nghề chân chính, tối thiểu là một lao động kiếm sống - đồng thời đủ sức khỏe để làm những công việc khác mà mình yêu thích cho đến khi trở về.

- “Mãn nguyện” vì mình có đóng góp chuyên môn, có tiếng nói trong tập thể, được đồng nghiệp, quản lí mọi cấp, được học sinh và cha mẹ chúng tin yêu. Tôi đã trọn vẹn với những gì đã làm cho mình, cho học trò… mà không ray rứt hay hối tiếc về sau.

Vậy nên tôi xin bày tỏ lòng biết ơn tất cả vì đã cho tôi cảm xúc để đi trọn cuộc sống, cuộc nghề và cuộc chơi của mình.

Hôm nay khi trở về, tôi tự nhận thấy mình mắc nợ nhiều thứ từ những điều đó. Mắc món nợ khó trả. Tuy nhiên khắc ghi nó để hướng tới điều tốt đẹp cho bản thân, cho cộng đồng - trong phạm vi của mình - cũng là đáng quí.

Tôi tin vậy.

Và tôi cũng mong mọi người đều nghĩ như tôi.

Cuối cùng, tôi xin đọc lại hai câu thơ của Bùi Giáng để thay cho những cảm xúc của tôi: “Chúng ta từ cõi lao đao/ Quen nhau từ những kiếp nào xưa xa”.

Hai câu này đã gợi cảm hứng để tôi viết nên tác phẩm thứ 8 trong đời cầm phấn, cầm bút của mình. Tôi đã trích xuất câu lục Chúng ta từ cõi lao đao để làm nhan đề cho tập sách ấy.

Tôi không có gì to tát để lưu tặng ngôi trường và các bạn. Xin đề tặng mấy bản sách này, gởi tại thư viện nhà trường để chia sẻ cùng mọi người.

Với những giới hạn, những món nợ, cùng niềm tin của mình, tôi xin được bày tỏ niềm vui. Xin cảm ơn những món quà mà quí vị đã dành cho tôi hôm nay.

Chúc tất cả có một ngày vui.

---------------------------

Lưu giữ hình ảnh hôm nay:













Không có nhận xét nào: