Mộc Nhân
Nhà thờ Ka Đơn nằm ở
thôn Krăng Go 2, xã Ka Đơn, huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng, cách Đà Lạt 40km,
trên quốc lộ 27 từ Finom xuống cây số 14, rẽ phải đi vào Ka Đơn khoảng 8km. Nhà
thờ này không nằm trên tuyến đường du lịch nên chỉ những người thích khám phá
giá trị văn hóa qua các công trình kiến trúc mới chịu khó lặn lội về đây, để ngắm
vẻ đẹp rất khác lạ của nó. Nhà thờ nằm trong khu rừng thông, một không gian mở,
không tường rào, không có những cánh cổng khóa.
Đây là một công trình
tôn giáo mang những nét văn hóa đặc trưng của đồng bào dân tộc bản địa Churu. Nhà
thờ được xây dựng theo bản vẽ thiết kế/ đồ án cao học của đôi vợ chồng kiến
trúc sư người Việt, Vũ Thị Thu Hương và Nguyễn Tuần Dũng thuộc Đại học Kỹ thuật
Berlin. Linh mục Nguyễn Đức Ngọc, người cai quản giáo xứ này đã đưa ra ý tưởng,
yêu cầu cho các kiến trúc sư thiết kế nhà thờ này là: không nhiều màu sắc, tận
dụng được vẻ đẹp tự nhiên của vật liệu sẵn có, phản ánh được nét văn hóa và
tính cách mộc mạc, khiêm tốn, hòa mình vào thiên nhiên của người Churu.
Nhà thờ Ka Đơn từng
giành giải nhì cuộc thi Kiến trúc Thánh quốc tế lần thứ 6 - năm 2016 được công
bố tại thành phố Pavia, Italy. Trước đó, bản thiết kế của nhà thờ cũng được
vinh danh giải thưởng Kiến trúc Thánh châu Âu vào năm 2011.
Nhà thờ hoàn thành vào
tháng 7/2014 sau hơn 4 năm thi công. Vật liệu chính xây dựng nhà thờ là gỗ
thông địa phương và mái ngói đỏ. Nhờ đó, chánh điện nhà thờ Ka Đơn có không
gian gần gũi và thoáng rộng, tận dụng nguồn sáng tự nhiên. Nhà thờ Ka Đơn không
hoành tráng, mà được thiết kế thành một công trình thấp, nép mình dưới những
tán thông. Những thanh gỗ thông nhỏ xếp song song bên trong trông như những bức
“rèm” cách điệu. Không gian nhà thờ có thể đón hơn 3.000 người đến dự lễ.
Nếu quan sát, bạn sẽ thấy
không một đường nét nào của kiến trúc Tây phương lẫn vào bản sắc văn hóa Churu
bản địa trong bản vẽ thiết kế. Tất cả các hoạt động tôn giáo trong nhà thờ như
giảng đạo, hát thánh ca, xưng tội… đều thực hiện bằng tiếng Churu.
Ngoài ra, trong khuôn viên nhà thờ có tổ hợp “Nhà gốm” có thể được xem là bảo tàng Churu thu nhỏ. Nơi đây lưu giữ những cổ vật và di sản văn hóa Churu như: đồ gốm, công cụ lao động, tượng gỗ, tượng gốm, vũ khí, đồ săn bắn, các bộ cồng chiêng, đàn đá, nhiều đồ cổ gia dụng và phẩm vật tôn giáo có hàng mấy trăm năm… gắn với đời sống của người Churu và núi rừng Tây Nguyên.
Tôi đã đến đây vào ngày 11 tháng 10/ 2022.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét