Mộc Nhân: Trong chuyến tham gia “Trại sáng tác Văn học Nghệ thuật” tại Nhà Sáng tác Đà Lạt, tôi được gặp và giao lưu với nhà văn trẻ Lê Thị Lệ Hằng (Hằng Lê). Cô cùng đoàn các nhà biên kịch phim hoạt hình cũng đang tham gia "Trại sáng tác kịch bản phim hoạt hình" tại đây. Do có kết bạn facebook từ trước nên chúng tôi nhận ra, chào nhau và có cuộc chuyện trò khá thoải mái về văn học và dịch thuật. Lệ Hằng học chuyên văn Quốc Học Huế và sau đó học Đại học Ngoại ngữ Đà Nẵng. Hai phẩm chất văn chương và ngoại ngữ đã tạo nên tố chất của một cây bút chuyên nghiệp ở nhiều lĩnh vực: thơ ca, văn xuôi, dịch thuật, viết kịch bản phim… Tôi tặng Lệ Hằng cuốn sách “Aubade – Thơ Louise Glück, Nobel Văn chương 2020” và nhận được những cảm nhận của cô.
Hình cover của trang fb Hằng Lê |
Status dưới đây tôi chép lại từ Facebook tác giả - lưu tại trang cá nhân của mình như một kỷ niệm văn nghệ. Xin cảm ơn tác giả đã đón nhận tác phẩm và có lời.
***
AUBADE – KHÚC BÌNH MINH
- Món quà nhỏ giữa thành phố mù sương.
Nguồn: fb Hằng Lê (*)
Hôm ấy, đang ngồi bên
mâm cơm giữa nhà ăn cùng các anh chị trong Trại Sáng Tác Kịch Bản Hoạt Hình thì
bỗng nghe ai đó gọi tên mình giọng rất thân quen, ú ớ đứng dậy cúi chào, bỡ ngỡ
mãi đến lúc sau mới hiểu ra vì sao mình thấy thân quen…
Thật trùng hợp, trại
Sáng Tác VHNT tỉnh Quảng Nam cũng đến Đà Lạt, một vài nhà văn, nhà thơ nhận ra
tôi. Tôi không quảng giao lại gặp khó khăn trong việc nhớ tên và nhớ mặt một ai
đó nên ngại vô cùng nhưng khi nghe giọng nói của các anh, các chú trong đoàn Quảng
Nam thì chỉ thấy thân quen, cứ như đang ở phố biển của mình.
Đà Lạt se lạnh, chúng
tôi uống chén trà ấm và nói chuyện thơ văn, dịch thuật… Hai hôm sau, tôi rời Đà
Lạt, hành trang ngoài kịch bản và những ý tưởng đang viết dở ra còn có hai cuốn
sách. Chú Trâm (nhà văn Lê Trâm) tặng tôi tập truyện ngắn Đêm Nguyệt Bạch, cuốn
sách mới cóng, lúc ký tặng mới bóc tem ra (tôi vẫn đang đọc dần). Cuốn sách thứ
hai tôi được tặng là "Aubade" – một tuyển tập gồm 51 bài thơ của Louise Glück (nhà thơ đạt giải
Nobel Văn chương 2020) do nhà thơ, dịch giả Mộc Nhân Lê Đức Thịnh biên soạn,
chú giải và dịch thuật.
Một tập sách nhỏ ở trên
tay; một bầu trời ngay trước mặt. Đủ sâu sắc và rộng lớn để khám phá trong nhiều
ngày. Là một người đã làm qua công việc dịch thuật, tôi luôn cho rằng dịch thơ
là một “thương vụ mạo hiểm”. Khi tôi chia sẻ điều này, chủ nhân của tập sách nhỏ
trên tay tôi đã đồng tình gần như tâm đắc. Anh đã nói về lựa chọn của mình khi
dịch 51 bài thơ này sang tiếng Việt. Có nhiều cách tiếp cận và chuyển ngữ một bản
văn, trong khi nhiều người chọn cách Việt hoá theo lối gieo vần quen thuộc như
lục bát, hoặc hiệp vần từng cặp sóng đôi, năm chữ, bảy chữ… thì anh chọn cách
trung thành với nguyên tác để thể hiện đúng phong cách ngôn ngữ của bản văn gốc,
nghĩa là không làm mất đi cái tôi độc đáo của tác giả. Đây cũng là cách mà tôi
mong muốn và thường lựa chọn khi dịch một văn bản văn học nào đấy. Tôi hiểu
ngay rằng tôi sẽ được tiếp cận trực diện nhất tất cả hình ảnh phản chiếu lối tư
duy của nhà thơ Louise
Glück qua tập sách này.
Là người dịch chuyên nghiệp cũng như
anh, tôi biết đây là một lựa chọn không dễ dàng bởi việc trung thành này có thể
khiến bản dịch của anh bị đánh giá là khô khan, thiếu nhạc tính, thiếu duyên
dáng như người con gái không biết điểm trang bằng lối đưa đẩy vần vèo uyển chuyển.
Tôi đọc bản văn gốc bằng Tiếng Anh rồi đọc bản dịch kèm phần biên soạn, chú giải
của anh, tôi nhận ra rằng giữa anh và tác giả Louise Glück có một điểm khá tương đồng, đó là
khả năng kiệm lời nên có lẽ lựa chọn của anh là phù hợp nhất cho tính cách này.
Để thực hiện những
“thương vụ mạo hiểm” thế này, hẳn là dịch giả phải có một niềm say mê lớn lắm.
Tôi trân trọng điều này
và trân trọng giới thiệu đến các bạn tập thơ nhỏ mà tôi đã có như một món quà bất
ngờ giữa thành phố ngàn thông. Theo tôi biết, tập sách này không được bán rộng
rãi, nên bạn nào quan tâm có thể kết nối với nhà thơ – dịch giả Lê Đức Thịnh Mộc
Nhân.
--------------
(*). Lệ Hằng: Tên thật Lê Thị Lệ Hằng, sinh năm 1988, quê quán Thừa Thiên – Huế, hiện sống tại Tp Đà Nẵng - Hội viên Hội Nhà văn Thành phố Đà Nẵng. Cô học chuyên văn Quốc Học Huế và tốt nghiệp ĐH Ngoại Ngữ ĐN. Lệ Hằng viết văn, làm thơ, dịch thuật, viết kịch bản phim hoạt hình và vẽ tranh. Dường như trên lĩnh vực nào cô cũng để lại dấu ấn cho bạn đọc.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét