Lê Đức Thịnh
Nhà văn Gertrude Stein đã để lại dấu ấn của mình trong văn học hiện đại dù tác phẩm của bà ít người đọc do khó hiểu, khó tiếp cận. Các công trình Văn học lập thể (Literary cubism) của bà có thể bị lãng quên nhưng những gì còn lại là chúng ta có cảm giác ai đó đã từng xây dựng một nền văn học hiện đại để các thế hệ sau kế thừa và phát triển. Dưới một góc nhìn khác, dòng văn học lập thể là tiền đề để các nhà đổi mới xây dựng nên lý thuyết hậu hiện đại sau này.
***
Chủ nghĩa Lập thể (Cubism)
là một phong trào nghệ thuật ở châu Âu, có ảnh hưởng lớn đến văn học trên toàn
thế giới. Văn học Lập thể (Literary cubism) là một phong cách mà các nhà văn cố
gắng kể một câu chuyện từ nhiều khía cạnh khác nhau thay vì chỉ một quan điểm. Và
đôi khi các quan điểm khác nhau chồng chéo lên nhau. Kỹ thuật này cũng cho phép
người viết có một số câu chuyện phụ khác nhau diễn ra cùng một lúc khi các nhân
vật trở nên tách biệt trong thế giới tưởng tượng, ấn tượng, phi cấu trúc, ngôn
ngữ mang tính ẩn dụ cao. Một số tác phẩm tiêu biểu của văn học lập thể:
"As I Lay Dying" (Khi tôi chết) - William Faulkner viết năm 1930, "The
Sun also Rises" (Mặt trời cũng mọc) - Ernest Hemingway, viết năm 1926... Phong
cách Lập thể cũng được áp dụng cho thơ. Tác phẩm "Thirteen Ways of Looking
at a Blackbird” (Mười ba cách nhìn chim đen) - Wallace Stevens, là một ví dụ
điển hình về thơ lập thể.
Văn học lập thể gắn với
tên tuổi của Gertrude Stein, Jean Cocteau, Max Jacob, André Salmon, Wallace
Stevens, và William Carlos Williams là những lực lượng chính, trong đó có thể xem Gertrude Stein là nhà tiên phong.
***
Gertrude
Stein (1874 - 1946) là một nhà văn nữ người Mỹ nhưng bà sống
chủ yếu ở Pháp từ 1903 cho đến khi bà qua đời ở Neuilly-sur-Seine năm
1946. Bà là một trong những nhân vật tiêu biểu trong sự phát triển của nghệ
thuật hiện đại nói chung và văn học hiện đại tại Pháp nói riêng.
Stein sinh ra ở Pennsylvania,
Hoa Kỳ trong một gia đình người Đức gốc Do Thái. Năm 18 tuổi, bà học tại
Harvard Annex – một phân nhánh của Harvard dành cho nữ giới. Vào lúc này, mối
quan tâm chính của Stein là nghiên cứu tâm lý học dưới sự hướng dẫn của nhà tâm
lý học nổi tiếng William James – người được mệnh danh là cha đẻ của ngành tâm
lý học Mỹ. Với sự khuyến khích của ông, bà đã xuất bản hai bài nghiên cứu trên Tạp chí Tâm lý học Harvard. Sau đó, bà đến
định cư tại Paris và bắt đầu theo đuổi sự nghiệp nghệ sĩ.
Tại Pháp, Gertrude Stein
kết giao với cộng đồng của những người tiên phong, phóng khoáng trong tự do
sáng tạo nghệ thuật theo trường phái lập thể thời kỳ đầu như Picasso, Georges
Braque, Juan Gris, Henri Matisse và trở thành một trong những chủ soái của nghệ
thuật lập thể nói chung - trong đó bà là người tiêu biểu cho văn học lập thể.
***
Là người ủng hộ chủ
nghĩa tiên phong (avant garde), Stein
đã giúp định hình một phong trào nghệ thuật đòi hỏi một hình thức biểu đạt mới
của “những người hiện đại mới” (new
moderns) trong nghệ thuật thị giác (the visual arts) cũng như văn học…
Đặc điểm văn học lập thể
là từ bỏ lối viết tuyến tính (linear),
theo định hướng thời gian (time-oriented)
của thế kỷ 19 cho một nền văn học thế kỷ 20. Kết quả là nhiều tiểu thuyết và tập
thơ theo phong cách mới ra đời. Tiểu thuyết thường không có cốt truyện hoặc lời
thoại; thơ có kết cấu lặp từ, phân mảnh, không nhất thiết phải có giá trị biểu
cảm… Một số cụm từ đáng nhớ, được trích dẫn nhiều trong các tác phẩm của Gertrude
Stein được ghi nhận như: “Rose is a rose is a rose” (Trong bài thơ Sacred Emily) hay câu “There is no there
there” (trong cuốn tự truyện Everybody's
Autobiography)… Tuy nhiên đó không phải là những cuốn sách thành công về mặt
thương mại cũng như tiếp cận bạn đọc vì quá khó hiểu.
Mặc dù các nhà xuất bản
không đánh giá cao các tác phẩm văn học lập thể của bà và các nhà phê bình xem
chúng là không thể hiểu được (incomprehensible)
nhưng các lý thuyết của Stein đã thực sự khiến một số nhà văn tài năng nhất lúc
này đó quan tâm. Trong những năm giữa Thế chiến I và Thế chiến II, nhiều nhà
văn Mỹ và Anh rời bỏ quê hương, những người mà Stein gọi là “Thế hệ thất lạc” (The Lost Generation) đã tìm sự đồng cảm
với những đam mê của bà. Ernest
Hemingway, F. Scott Fitzgerald và Sherwood Anderson là một trong số những người
tiếp xúc với hành trình tìm kiếm văn học mới và đã bắt gặp Gertrude Stein với cái
gọi là “mô tả chính xác về thực tại bên trong và bên ngoài” (exact description of inner and outer
reality).
Việc Stein có ảnh hưởng
đến những người này và các nhà văn hiện đại lớn khác hay không - bao gồm cả tiểu
thuyết gia James Joyce – tác giả cuốn Ulysses
viết theo chủ nghĩa hiện đại, được sáng tác sau khi tiếp xúc với Stein - vẫn
còn là một vấn đề gây tranh cãi. Tuy nhiên, các nhà phê bình cho rằng mọi ảnh
hưởng cùng các tác phẩm và bài viết thử nghiệm của bà, phần lớn đều bị bỏ quên.
Nhà văn, nhà phê bình Edmund Wilson nhận định: “Hầu hết chúng ta đều ngán ngẩm
trước sự khác biệt của bà ấy; hầu hết chúng ta ngày càng ít đọc bà. Tuy nhiên,
khi nhớ lại tác phẩm đầu tay của bà, chúng ta vẫn luôn ý thức được sự hiện diện
của bà trong nền văn học đương đại.”
***
Cuốn sách đầu tiên được
xuất bản – mà nhiều người cho là cuốn sách hay nhất của bà - cuốn Three Lives (1909). Three Lives (Ba cuộc đời) bao gồm ba câu chuyện ngắn: “The Good
Anna”, “Melanctha” và “The Gentle Lena”. Mỗi câu chuyện khám phá bản chất cốt yếu
của nhân vật chính. Dù là các câu chuyện độc lập nhưng tất cả tập trung vào những
phụ nữ thuộc tầng lớp lao động đang đấu tranh để tìm kiếm và thể hiện danh
tính, ước mơ, hy vọng và khát vọng. Three
Lives lấy cảm hứng từ Three Tales
của Gustave Flaubert. "The Good Anna" kể về một người phụ nữ đầy tớ
người Đức có mục tiêu chính trong cuộc sống là giúp đỡ người khác. Cô ta làm quản
gia cho nhà Mathilda. Mặc dù Anna là một người hầu, nhưng nhiệm vụ của cô ấy là
quản lý những người hầu dưới quyền cùng các con vật cưng khác trong nhà. Sau
năm năm, Anna trở thành quản gia và được Mathilda quan tâm, đánh giá cao sự hào phóng của Anna đối với những người
nghèo. “Melanctha” - là chân dung cô gái trẻ có mối tình bất hạnh với một bác
sĩ da đen. “The Gentle Lena” viết về một mối tình đồng tính nữ trong đó các
nhân vật “cố gắng lần theo khúc quanh co của đam mê, sự trỗi dậy, thăng hoa và
rồi sụp đổ, với tất cả những thay đổi và điều chỉnh giữa bất hòa và hòa giải
trên hành trình ấy”.
Đối thoại và các chi tiết
khác của câu chuyện cho thấy ảnh hưởng của quá trình tiếp nhận tâm lý học thực
hành của Stein dưới thời bà chịu ảnh hưởng của nhà tâm lý học James. Oscar
Cargill - nhà phê bình Mỹ - trong tiểu luận Intellectual
America đánh giá “đây là một trong những truyện ngắn nguyên bản hoàn chỉnh
được viết ra trong thế kỷ này”.
Khi phát triển các kỹ
năng của mình, Stein thử nghiệm nhiều hơn trong việc viết lách. Vì các tác phẩm
của bà không được xuất bản theo thứ tự sáng tác, nên rất khó để lập biểu đồ tiến
trình các thử nghiệm đó. Các nhà phê bình đã ghi nhận tác phẩm The Making of Americans: Being a History of
a Family’s Progress (Sự hình thành người Mỹ: tiến trình lịch sử của gia
đình) - được viết từ năm 1906-1908 và được xuất bản năm 1925 - như một cột mốc
quan trọng. Đây là cuốn tiểu thuyết dài 900 trang không có lời thoại hay hành động,
cuốn sách không được xuất bản trong 17 năm. Nó bắt đầu như một biên niên sử của
một gia đình Mỹ tiêu biểu và phát triển thành lịch sử của toàn bộ loài người,
phản ánh sự quan tâm của Stein đối với tâm lý học và nỗi ám ảnh của bà về quá
trình trải nghiệm. Stein đã sử dụng thủ pháp mô tả để đạt được điều mà cô gọi
là “một hiện tại tiếp diễn” (a continuous
present) . Bà so sánh kỹ thuật này với một máy quay phim chuyển động,
nó đóng băng hành động thành các khung hình riêng biệt. Mặc dù không có hai
khung hình nào hoàn toàn giống nhau, nhưng khi được xem theo trình tự, chúng thể
hiện một sự liên tục.
Katherine Anne Porter,
nhà phê bình, đã so sánh trải nghiệm đọc cuốn sách với việc đi vào “một vòng
xoáy lớn, một vòng xoắn ốc chậm rãi, ngày càng mở rộng và không đo lường được tự
cuộn theo chiều ngang. Con người trên thế giới này dường như bất động trong mọi
giai đoạn tiến triển của họ, mỗi người đều đồng thời được sinh ra, đến ở mọi lứa
tuổi và chết đi. Bạn nhận thức rằng đó là một thế giới không có tính di động, mọi
thứ diễn ra, đã diễn ra, sẽ diễn ra; do đó không có gì diễn ra, tất cả cùng một
lúc”. Porter khẳng định rằng việc viết như vậy không dựa trên những đánh giá về
đạo đức hay trí tuệ mà chỉ đơn giản là dựa trên những quan sát của Stein về “những
hành động, lời nói, vẻ ngoài thể hiện quan điểm của cô ấy; hạn chế, cá nhân ở mức
độ cực đoan, thành kiến mà không có trình độ chuyên môn, dựa trên những giả định
được thiết lập trong một khoảng trống của sự phi lý tính thuần túy".
Nhà văn Mark Schorer
cũng lưu ý cách tiếp cận văn học và tham vọng của bà là: “một nền văn học tách
khỏi trình tự tường thuật và thoát khỏi các sáng tạo văn học thông thường. Bà
đang cố gắng chuyển đổi văn học từ thời gian vật chất sang không gian nghệ thuật
thuần túy và chỉ sử dụng ngôn từ cho lợi ích của chúng”.
Stein đã thực hiện kỹ
thuật này nhiều hơn nữa trong tác phẩm Tender
Buttons (1914) gồm ba phần với các tiêu đề: Objects, Food, Rooms (Những đồ
vật, Thực Phẩm, Phòng ốc). Cuốn sách chứa các đoạn văn ngẫu nhiên được hình
thành từ một chuỗi các đoạn văn về các đối tượng với đặc trưng: phi logic, loại
bỏ tường thuật và ngữ pháp thông thường. Nó giống như một bức ảnh ghép bằng lời
nói. Cuốn sách bao gồm nhiều bài thơ đề cập đến những điều trần tục hàng ngày,
cách sử dụng ngôn ngữ thử nghiệm của Stein khiến những bài thơ trở nên không
chính thống và chủ đề của chúng trở nên xa lạ. Tender Buttons đã gây ra chia rẽ giữa các nhà phê bình kể từ khi xuất
bản dù vẫn được ca ngợi là một "kiệt tác của Chủ nghĩa Lập thể bằng ngôn
ngữ". Bài thơ đầu tiên "A Carafe, That Is a Blind Glass", được
cho là nổi tiếng nhất thường được coi là một trong những tác phẩm tinh túy của
văn học lập thể. Tuy nhiên, cuốn sách cũng bị chỉ trích là "một chiến thắng
của chủ nghĩa hiện đại, một thất bại ngoạn mục, một tập hợp những thứ vô nghĩa
khó hiểu và một trò lừa bịp có chủ đích".
Nhà phê bình W.G. Rogers
nhận định: “Cả cuốn sách và những bức tranh xuất hiện trong đó thuộc về nhau,
không thể chuyển dịch khỏi thời đại của chúng ta. Điều đặc biệt đó thường bị chế
giễu, khác biệt, phân tán suy nghĩ và cảm xúc về mọi hướng… Nếu thế kỷ XX có
nhiều giá trị về sáng tạo nghệ thuật thì Stein và Picasso cũng vậy”. Mặc dù cuốn
sách rất khó tiếp cận, Rogers vẫn gọi Tender
Buttons là “cần thiết, thể hiện sự đột phá lớn với thể loại sách mà chúng
ta đã quen thuộc, và một khi bạn không chịu nổi nó, bạn vẫn có thể lưu giữ, và
bạn đã trở thành độc giả của Stein."
Nhưng có điều khá bất ngờ
và ngước đời là đến khi Stein quay lại cách viết truyền thống trong cuốn “The
Autobiography of Alice B. Toklas” (Tự
truyện của Alice B. Toklas), bà đã thành công vang dội. Trên thực tế, cuốn
sách bán chạy duy nhất của bà là cuốn này - một cuốn hồi ký về cuộc đời của
Stein được viết qua cái nhìn của Toklas, người bạn đời của bà, một tác phẩm chuẩn
mực, được sáng tác theo phong cách văn chương tự sự truyền thống.
“The Autobiography of
Alice B. Toklas” kể lại những trải nghiệm của Stein trong thế giới nghệ thuật đầy
màu sắc của Paris giữa các cuộc chiến tranh thế giới – một kỹ thuật viết về
chính mình một cách tế nhị. Dù cuốn sách mang tính chất duy ngã nhưng bạn đọc vẫn
tìm đọc ấn phẩm này khiến nó trở thành bestseller
của Stein. Độc giả bị cuốn hút bởi bức chân dung sống động về một thế giới sáng
tạo thực sự cùng những chân dung đời sống và cá tính của nhân vật chính.
Ngoài việc viết sách,
Stein còn viết lời cho nhiều vở opera của nhà soạn nhạc Virgil Thompson. Nổi bật
nhất là các vở Four Saints in Three Acts (Bốn vị thánh trong ba vai) và The Mother of Us All (Mẹ của tất cả
chúng ta). Một năm sau khi cuốn tự truyện nói trên được xuất bản, Stein trở lại
Hoa Kỳ để kỷ niệm việc dàn dựng thành công vở Opera Four Saints in Three Acts và thực hiện một chuyến tham quan nơi quê
nhà sau thời gian 30 năm sang Pháp. Tại Washington, Stein được phu nhân của Tổng
thống Eleanor Roosevelt tiếp như vị khách quý, Charlie Chaplin cũng đã gặp bà để
trao đổi về đổi mới điện ảnh… Gertrude Stein từng phát biểu trên tờ New York Times Book Review rằng “Nước Mỹ
là tổ quốc của tôi và Paris là quê hương của tôi” (America is my country and Paris is my hometown).
Nhiều tác phẩm sau này của
bà viết về đề tài chiến tranh, đáng chú ý là cuốn Brewsie
và Willie - đã nắm bắt cuộc sống của những người lính Mỹ thông qua các câu
chuyện của họ. Nhà văn Mỹ Dodge so sánh văn chương của Stein với trường phái lập
thể Picasso (Picasso’s cubism). Khối
lượng tác phẩm tuyệt vời của bà ở đủ mọi thể loại dù có thể tiếp cận được hay bạn
đọc không thể hiểu nổi chắc chắn tạo nên sự bù đắp của một cuộc lưu đày và phần
thưởng của một cuộc trở về quê xứ.
Gertrude Stein đã để lại dấu ấn của mình trong văn học hiện đại dù tác phẩm của bà ít người
đọc do khó hiểu, khó tiếp cận. Các công trình của bà có thể bị lãng quên nhưng
những gì còn lại là chúng ta có cảm giác ai đó đã từng xây dựng một nền văn học
hiện đại để các thế hệ sau kế thừa và phát triển.
------------------
References:
1. Wikipedia
Mộc Nhân - dịch và tổng hợp từ các nguồn trên
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét