Bài thơ Alive Together (Sống bên nhau) – của Lisel Mueller (1) cho chúng ta thấy kỹ thuật ngôn ngữ điêu luyện của tác giả đưa chúng ta ra khỏi chính mình và đến "nơi hư không, nơi có sự sống mê hoặc"; mọi thứ được lột bỏ lớp màn che, tỏa sáng như một tín hiệu, nơi ý thức có thể được tiết lộ. Trong bài thơ, Mueller mang đến cảm giác kỳ diệu, kéo dài và không ồn ào để công nhận tất cả những người mà cuộc sống của họ có thể là của riêng chúng ta. Điều kỳ diệu ấy là "Tôi đang sống." Vì vậy, chúng ta cũng — sống cùng nhau — là những điều kỳ diệu, và con cái của chúng ta cũng vậy...
SỐNG BÊN NHAU
Mộc Nhân dịch
Nguyên tác: Alive Together - by Lisel Mueller
Hãy nói về những điều kỳ diệu,
tôi sống với bạn lúc mà
tôi có thể sống với bất kỳ ai dưới mặt trời,
lúc mà tôi có thể là người phụ nữ của Abelard (2)
hoặc con điếm của một trưởng lão thời Phục hưng
hoặc vợ bác nông dân nghèo không đủ ăn
và không đủ tình yêu với các con của tôi
chết vì tai nạn. Tôi có thể ngủ
trong một xó xỉnh bên người đàn ông
với chiếc mũi vàng, ông ta đã chọc mũi
vào việc làm ăn của các ngôi sao,
hoặc may một lá cờ đầy sao
cho một vị tướng có hàm răng gỗ.
Tôi có thể là nàng Pocahontas (3) mẫu mực
hoặc một người phụ nữ vô danh
khóc trên giường của ông chủ
vì chồng tôi, để đổi lấy một con la,
con gái tôi, thua trong một cơn say cá cược
Tôi có thể đã bị kéo căng trên cây trụ tế
để xoa dịu một ác thần
hoặc giả, là một đứa con gái vô dụng,
chết trên một vách đá.
Tôi thích nghĩ mình có thể là Mary Shelley (4)
yêu một thiên thần trái tính, hoặc là bạn của Mary.
Tôi có thể là bạn.
Bài thơ này là bất tận
những cú đánh chống lại chúng ta là bất tận
cơ hội sống bên nhau của chúng ta
xem ra là không tồn tại;
chúng tôi vẫn vun đắp cho nó sống trong một thời gian
khi những người duy lý đội mũ vuông
và Nhân chứng Giê-hô-va không đội mũ
đồng ý rằng nó gần như kết thúc,
sống với những đứa trẻ còn sống của chúng ta
Ai – ngoại trừ cái giả sử là vô tận
có thể đã bỏ lỡ sự sống đang là
cùng với những điều kỳ diệu và những sự điên rồ
và khao khát và dối trá và ước muốn
và lỗi lầm và sự hài hước và lòng thương xót
và hành trình và giọng nói và số phận
và màu sắc và mùa hè và buổi sáng
và kiến thức và nước mắt và cơ hội.
(1). Lisel Mueller là nhà thơ, dịch người Đức sinh năm 1924. Năm lên 15 tuổi, cô và gia đình buộc phải chạy trốn khỏi chế độ Đức Quốc xã, nhập cư vào Mỹ. Mueller theo học Đại học Evansville, và cao học tại Đại học Indiana. Các tuyển tập thơ của cô bao gồm “The Private Life” (Đời tư) -1975, Tuyển tập thơ “Lamont” (1975), “Second Language” (Ngôn ngữ thứ hai) – 1986, The Need to Hold Still (Cần Giữ mãi) – 1980, “Alive Together” (Sống bên nhau) – 1996. Cô đã đoạt Giải thưởng Sách Quốc gia năm 1990 và đoạt giải Pulitzer năm 1996.
Trong bộ sưu tập cho hơn ba mươi lăm năm sáng tác của mình, nhà thơ xuất sắc này khám phá nhiều chủ đề, bao gồm lịch sử văn hóa và gia đình, đồng thời phản ánh niềm đam mê với âm nhạc cùng những khám phá về ngôn ngữ. Trên thực tế, những cuốn sách của cô là một minh chứng cho sức mạnh kỳ diệu của ngôn ngữ trong việc diễn giải và biến đổi thế giới của chúng ta về những trải nghiệm mà tất cả chúng ta đều có: nỗi buồn, sự dịu dàng, ham muốn, những khám phá về nghệ thuật và cái chết - "cái chết khô cứng đập vào tấm kính."
(2). Abelard: Tham khảo nguồn
(3). Pocahontas: Tham khảo nguồn
(4). Mary Shelley: Tham khảo nguồn
(5). Nguyên tác: Text Available here
***
Dịch và chú thích bởi Mộc Nhân
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét