16/11/22

2.581. SỰ HƯ HỎNG CỦA CÁC THẦY

    Mộc Nhân

   Trong xã hội, chữ “thầy” là một danh xưng khá rộng được dùng để chỉ người tài, giỏi hơn mình với sắc thái trang trọng.


Không có ngôn ngữ nào trên thế giới mà danh từ “thầy” lại đi kèm với một từ khác để chỉ người - nghề nghiệp với thái độ tôn kính như trong Tiếng Việt: thầy giáo, thầy thuốc, thầy bói, thầy cúng, thầy cãi…

Thầy bói nhận được sự kính nể của mọi người nhờ sự phán đoán quá khứ, tiên đoán hậu vận - dù không phải lúc nào cũng đúng cả. Bởi thế danh từ thầy bói còn mang hàm nghĩa xấu “nói hay như thầy bói”! Thầy cúng thì được trọng vọng vì họ là cầu nối giữa người trần mắt thịt với thần linh, ma quỉ. Họ thay mặt gia chủ để cầu xin tài lộc, may mắn, vượt qua vận hạn… dù chuyện ấy có thật không thì chẳng có ai kiểm chứng. Cả hai vị thầy bói và thầy cúng đều sống dựa vào lòng tin của con người đến mức mê tín mà thành dị đoan. Cho nên thật dễ hiểu khi các thầy này rơi vào con đường hư hỏng như lợi dụng khổ chủ để đạt được các mục đích về tiền bạc, xác thịt, hoặc lôi kéo dụ dỗ họ theo những con đường xấu. Những kẻ đi với ma quỉ thì hư hỏng cũng là tất yếu. Sự hư hỏng của hai loại người này dù có gây hại về vật chất và tinh thần cho nạn nhân nhưng chỉ trong một vài cá nhân, ít để lại di chứng cho xã hội bởi đa số bọn họ là kẻ ít học, không có ảnh hưởng nhiều đến toàn xã hội.  

Đáng sợ nhất là sự hư hỏng của kẻ có học, những thầy thuộc tầng lớp trí thức trong xã hội: thầy giáo và thầy thuốc. Ngày nhỏ đi học, được thầy giáo kêu lên bục xóa bảng, hoặc sai đi giặt khăn lau bảng hoặc sai vặt gì đó là sung sướng, vinh hạnh vì thầy nhớ tên mình, gọi tên mình...

Trong con mắt trẻ thơ, thầy giáo thiêng liêng lắm. Người xưa nói: “Cái cao cả được gọi là cái thiêng liêng”. Thầy giáo ngày ấy là những người cao cả, vì cao cả nên thầy thật thiêng liêng với học trò. Bởi vậy có khi học trò bị roi đòn của thầy mà chúng cũng không hề oán giận, ca thán hay về mét lại với cha mẹ vì hiểu rằng nó xứng đáng bị như thế.

Khi dắt con đến cửa nhà thầy, người xưa nói một cách khiêm cung: đến ăn mày thầy dăm chữ để làm người!

Ôi sao mà cao cả, thiêng liêng quá!

Hồi ấy còn ngây thơ và quá thần tượng ông thầy nên đôi khi bọn trẻ còn bàn tán với nhau: không biết thầy có ăn cơm, tắm rửa, ngủ nghê như mọi người hay không; còn chuyện “ấy” của thầy ra sao, có như người thường không nhỉ? Thế mà bây giờ nói đến thầy cô giáo thì bọn trẻ tỏ thái độ khác hẳn: “bà ấy, ông ấy… thu tiền, cho điểm ép vì không học thêm… thế nọ, thế kia …” thật đau lòng không muốn kể thêm ra.

Thầy cô giáo đã hết cao cả thì làm sao còn thiêng liêng được? Một thế hệ con trẻ đi học không có cảm nhận về cái thiêng liêng, lại thấy thầy cô giáo của mình là những kẻ thấp hèn vì đồng tiền mà lệch lạc trong ứng xử, vì đồng lương ốm đói mà bị xã hội thị trường tỏ ra thương hại thì làm sao mà cao cả được.

Tôi biết một giáo viên tên An – học trò quen gọi An Nhể, đã làm thợ dạy hơn 25 năm nhưng nhân cách vẫn không lớn thêm chút nào. Vào đầu năm học, cậu ta bắt đầu chiến dịch hò hét, hù dọa, cho điểm thấp học sinh – nói chung là gây áp lực để học sinh sợ hãi. Sau đó rỉ tai, vỗ vai bảo học sinh đến nhà “thầy kèm cho, em yếu lắm”. Tất nhiên trẻ con và cha mẹ chúng sợ con có kết quả thấp nên bóp bụng… Những con em “lập trường kiên định” thì cậu thầy này tạo không khí áp lực cả năm học và hiển nhiên em đó bị khống chế trong mức học của mình (đáng giỏi nhưng không chế nên xếp khá; đáng loại khá nhưng khống chế nên xếp trung bình…). Cậu An Nhể từng phải đến nhà phụ huynh học sinh cúi đầu xin lỗi vì đã ép con họ về tiền bạc và phụ huynh đâm đơn kiện lên các cấp để được tha thứ. Cậu từng đến nhà phụ huynh học sinh khóc kể  nêu hoàn cảnh khỏ khăn: em góa vợ, nuôi con vô đại học, nhà xây mới có 2 mê, còn góp tiền với mấy anh em nuôi mẹ già… kinh tế chưa bằng ai nên có chi sai anh chị thương cảm bỏ qua… kẻo ảnh hưởng gia đình,  bản thân em cùng với tổ chức đảng của em… Thế đấy, cậu thầy An Nhể là hình mẫu tiêu biểu của sự hư hỏng trong ngành giáo mà vì nhiều lý do, cơ quan không muốn làm tới cùng… Và trên 25 năm đi làm thợ dạy, câu vẫn chưa thoát khỏi cái biệt danh An Nhể học trò gán cho kể từ năm khởi nghiệp thứ nhất.

***

Ở một góc nhìn hác, ngày cuối năm Tết đến, trong khi tiền thưởng của đối tượng làm công ăn lương trong xã hội là tiền triệu, tiền tỉ thì thầy giáo vùng quê được xã hội quan tâm với năm chục ngàn đồng và ít hạt dưa để cắn cho đỡ buồn. Và họ tự an ủi rằng“của ít lòng nhiều”!

Ông bạn Huỳnh Minh Tâm của tôi là nhà thơ, nhà giáo đã cảm nhận điều này một cách thẳng thắn và tinh tế rằng: "Sự quan tâm theo kiểu thương hại hoặc cho có đối với nhà giáo là một sự xúc phạm! Có điều chúng ta đã quen với sự xúc phạm như thế nên không thấy tổn thương".

Thật là đúng, ai cũng cảm thấy như thế nhưng không ai nói trúng được đến cái sâu thẳm của sự việc như Huỳnh Minh Tâm.

Chuyện về sự hư hỏng của thầy giáo thì đau lòng, còn chuyện về sự hư hỏng của thầy thuốc thì tàn nhẫn. Ngày nào trên báo chí cũng có thông tin về việc bệnh nhân chết ở bệnh viện do sự tắc trách của các thầy thuốc. Có trường hợp người dân bức xúc, phẫn nộ kéo tới bệnh viện la ó thì các vị “thầy thuốc như mẹ hiền” này đã hốt hoảng “bỏ áo trắng chạy lấy người”. Rồi chuyện phong bì cho thầy thuốc, chuyện bác sĩ phẫu thuật, băng bột nhầm chỗ gây hai cho sức khỏe và tính mạng người bệnh… nghe não lòng.

Nếu bác sĩ cầm tiền từ tay bệnh nhân thì về tâm lý, hình ảnh của thầy thuốc “cứu nhân độ thế” hết thiêng mất rồi. Khi người bệnh đến với thầy thuốc, thì tâm trạng của họ là đến với một vị cứu nhân, họ tin tưởng giao cả sinh mệnh của mình cho thầy thuốc để được cứu. Nhiều vị lương y cho rằng không được để đồng tiền xuất hiện làm chất xúc tác giữa thầy thuốc và bệnh nhân. Dù rằng thầy thuốc cũng như mọi người trong xã hội vẫn làm việc để kiếm tiền là chuyện bình thường nhưng đó phải là đồng tiền công xứng đáng và chính đáng.

Bây giờ thầy giáo thì trục lợi từ tâm hồn, tri thức học sinh trong cuộc mưu sinh; thầy thuốc thì lấy sinh mạng con người để làm tiền thì cái cao cả và thiêng liêng không còn nữa, thật đáng buồn và đáng trách nhưng chẳng biết nói cùng ai.

Dù có nhiều thầy giáo, là tấm gương sáng vẫn giữ được sự kính trọng của bao thế hệ học trò; còn nhiều thầy thuốc như mẹ hiền vẫn giữ được sự kính trọng của người bệnh nhưng “sự hư hỏng của các thầy” không khỏi làm cho đời sống tinh thần và những giá trị đạo đức, nhân văn trong xã hội bị đảo lộn.

Biết bao giờ thì những điều thiêng liêng cao cả mới trở lại trong xã hội chúng ta!

------------------

(Bài đã xuất bản trong sách “Chúng ta từ cõi lao đao” – Mộc Nhân, Nxb Hội nhà văn, 2020 -  đăng lại và có chỉnh sửa)

Không có nhận xét nào: