LTS: Tôi đọc ở mục Văn chương/ trang Nosweatshakespeare bài viết: “Famous Authors: The 30 Greatest Writers OfAll Time” (Những tác gia nổi tiếng: Ba mươi nhà văn vĩ đại nhất mọi thời đại).
Nhận thấy đây là một bài nghiên cứu hay, có ích cho những ai quan tâm đến văn học thế giới
và mở rộng hiểu biết về các tác giả lớn nên tôi dịch và chia sẻ trên trang Blog
này.
Do dung lượng bài khá
dài, nếu đăng cùng lúc “Ba mươi nhà văn vĩ đại nhất mọi thời đại” sẽ làm bạn mất
nhiều thì giờ để đọc và nhớ thông tin. Vậy tôi xin trích dịch và đăng nhiều kỳ,
mỗi kỳ chỉ một số tác giả.
Bắt đầu từ phần văn bản
dưới đây là phần dịch từ nguồn nói trên (có tích hợp Links trong các tựa hay từ
khóa chủ đề) - trong một số trường hợp, tôi chèn thêm nhiều tư liệu liên quan từ các nguồn khác nhau hoặc phần dịch tác phẩm của Mộc Nhân để nội dung bài viết thêm phong phú.
***
Ai là những tác giả nổi
tiếng nhất mà thế giới từng biết đến? Có lẽ đó là câu hỏi khó trả lời nhất bởi
nó không có đáp án chung cho tất cả. Thay vào đó chúng ta nên hỏi “Làm thế nào
chúng ta có thể đánh giá họ?”. Với suy nghĩ đó, chúng ta có thể bắt đầu với các
tiêu chí để hiểu những nhà văn nổi tiếng có ảnh hưởng lớn nhất đến thế giới dựa
trên những gì họ đã viết, hoặc những tác phẩm của họ đã thay đổi thế giới như
thế nào.
Chúng ta không nhất thiết
phải nói về phong cách văn chương của họ vì trong mọi trường hợp đều là chủ
quan. Sự vĩ đại của họ có thể chỉ đơn giản là về ý tưởng - những ý tưởng thu
hút sự chú ý và thay đổi nhận thức của thế giới mãi mãi. Trong trường hợp đó,
bài viết sẽ chỉ là phương tiện để truyền đạt ý tưởng mà họ muốn truyền đạt. Những
ý tưởng hoặc lý thuyết họ nêu ra hoặc những nghiên cứu, khám phá, diễn đạt… là
lý do để họ viết ra cuốn sách cho nhân loại. Phần ngôn ngữ văn chương, sáng tạo
hiển nhiên tác phẩm phải đạt trình độ nghệ thuật cao. Cả hai điều này giúp
chúng ta đi đến danh sách “The 30 Greatest Writers Of All Time”.
Chẳng hạn, chúng ta coi
Shakespeare là một trong những nhà văn có ảnh hưởng, chúng ta cần xem xét điều ấy
ở thể loại nào trong tương quan với các nhà văn khác có tác phẩm ảnh hưởng như
của William Shakespeare. Do đó, danh sách “Ba mươi nhà văn vĩ đại nhất mọi thời
đại” sau đây, trong một chừng mực nào đó có thể tạo sự đồng cảm của bạn – danh
sách sau đây không theo thứ tự xếp hạng mà chỉ là sự liệt kê theo thời gian/ thời
đại của họ.
1. Homer (Khoảng 850 năm BCE):
Có thể chúng ta không xác quyết Homer là ai, nhưng người Hy Lạp cổ đại gọi ông như vậy. Các học giả đã tranh luận
liệu đã từng có một tác giả thực sự duy nhất tên Homer không? Hay là người ta
gán tên ông là tác giả cho hai tác phẩm sử thi truyền khẩu nổi tiếng “The Iliad" và "The
Odyssey”. Nhưng hiện nay người ta kết luận một tác giả như vậy đã tồn tại và viết
(sáng tạo) nên hai tác phẩm vĩ đại: “The Iliad” và “The Odyssey” - được coi là
trụ cột của văn học phương Tây cổ đại.
Đó là những bản trường
ca của binh lửa và giáo gươm. Thế nhưng, Homer không cổ súy cho chiến tranh mà
dùng chiến tranh để thử thách con người. “Iliad” gồm hai mươi bốn khúc ca, kể một
giai đoạn ngắn năm mươi ngày trong năm thứ mười của cuộc chiến tranh thành
Troie, với câu chuyện xoay quanh về mối bất hòa giữa vị tướng kiệt xuất
Achilles của Hy Lạp và thống soái Agamemnon xuyên qua hàng loạt câu chuyện hấp
dẫn như: cuộc bao vây thành Troy, vụ bắt cóc Helen của thành Troy, các vị anh
hùng Achilles và Ajax, và cuộc hành trình sử thi trở về quê hương của Odysseus…
Đời sống xã hội Hy Lạp cổ
đại cũng được phản ánh một cách chân thực trong tác phẩm, trong đó có thể thấy
quá trình diễn biến từ chế độ thị tộc đến sự hình thành thành bang của chế độ
nô lệ, đồng thời ca ngợi các nhân vật anh hùng kiệt xuất của phía Hy Lạp như
Achille, của phía Troie như Hektor. Tác phẩm là biểu tượng miêu tả số phận nhân
loại hoàn toàn do định mệnh đưa đẩy. Đây là những thiên anh hùng ca, nó giúp định
hình suy nghĩ của chúng ta về người Hy Lạp cổ đại cùng cấu trúc tôn giáo và xã
hội của họ.
Hai tác phẩm quan trọng
này đã ảnh hưởng sâu sắc đến các nhà văn sau này. Họ đã sử dụng các nhân vật,
các tình tiết, câu chuyện trong “The Iliad và The Odyssey” theo nhiều cách khác
nhau, từ Chaucer đến Shakespeare, James Joyce đến Star Trek, Louise Gluck… đều
có cảm hứng từ tác phẩm; một số nhà thơ đã vận dụng sáng tạo các thể thơ của
ông. Đó là chưa kể chúng ta tin rằng ông đã viết lại những sự thật trong lịch sử Hy Lạp cổ đại mà những nghiên cứu
đối chiếu về sau có nhiều phần xác tín. Cho đến ngày nay, các nhà văn vẫn trích
dẫn từ Homer như thể đang diễn lại lịch sử, tạo nên những hiệu ứng văn hóa nhất
định.
Nghiên cứu về Homer đã
xuất hiện trong giáo trình trường học của đế chế La Mã trong nhiều thế kỷ, nơi
học sinh sao chép và bắt chước các đoạn văn. Tất cả các môn học - đọc, viết, lịch
sử, luật, âm nhạc - đều được tiếp cận với Homer trong những trích đoạn quan trọng.
Tất cả các nhà văn thời
đó, bao gồm cả các tác giả của Tân Ước, đều ít nhiều chịu ảnh hưởng với các chi
tiết và phong cách văn chương trong Homer. Hai sử thi này đã trở thành hình mẫu
trung tâm trong thần thoại thế giới. Chúng cho chúng ta một cái nhìn quan trọng
về xã hội loài người sơ khai.
2. Sophocles (496-406 BCE):
Sophocles là nhà viết kịch
Hy Lạp cổ đại. Ông đã viết những vở kịch trở thành hình mẫu cho thể loại bi kịch,
mà sau này các nhà viết kịch, nhà văn Hy Lạp, La Mã cổ đại, trung đại và cả thời
hiện đại học tập cũng như chịu ảnh hưởng. Rõ nhất là các nhà viết kịch vào thời
kỳ hoàng kim của kịch ở Anh Quốc chịu nhiều ảnh hưởng từ ông. Sophocles là nhà
viết kịch đầu tiên trình bày đầy đủ tâm lý nhân vật vốn là đặc điểm trung tâm của
bi kịch lãng mạn và hiện đại.
Chúng ta biết gần như tất
cả những gì cần biết về cuộc đời của Sophocles – nhiều hơn những gì chúng ta biết
về các nhà viết kịch thời Elizabeth hiện đại. Đó là bởi vì ông không phải là một
nhà văn ẩn danh mà còn là một nhân vật của công chúng, từng phục vụ trong Hội đồng
tướng lĩnh, một ủy ban kiểm soát các vấn đề dân sự và quân sự của Athens, đồng
thời ông cũng có thời điểm là giám đốc Ngân khố. Tuy nhiên, sự bất tử của ông
là từ những gì ông viết ra. Ông từng đắm
chìm trong đam mê nhà hát và đã biến những vở kịch thành một thể loại ổn định
như nó tồn tại hôm nay.
Sophocles nổi tiếng ở
Athens khi còn tuổi thiếu niên vì vẻ đẹp và trí thông minh tuyệt vời của mình.
Xuất thân trong gia đình giàu có nên ông được hưởng những đặc quyền dành cho
quý tộc Hy Lạp nhưng ông lại đam mê sân khấu và viết văn. Vở kịch đầu tiên của
ông đã giành chiến thắng trong cuộc thi viết kịch tại liên hoan sân khấu
Dionysia, đánh bại kịch tác gia nổi tiếng đương thời Aeschylus. Ông đã viết hơn
120 vở kịch, làm đạo diễn và tham gia đóng vai như một diễn viên chuyên nghiệp.
Thật tiếc là chỉ có bảy vở kịch của Sophocles còn lưu lại bằng văn bản cho hậu
thế. Bảy vở đó đã được công nhận là vượt trội so với bộ sưu tập hàng trăm vở kịch
Hy Lạp từ cổ đại đến trung đại và hiện đại.
Vở kịch “Oedipus the
King” (Vua Oedipus) không chỉ nổi tiếng nhất mà còn được cho là vở kịch Hy Lạp
vĩ đại nhất.
Tóm tắt:
Tại thành Thebes, vua Laius cùng hoàng hậu Jocaste kết hôn đã lâu xong
chưa có con. Họ bèn đến đền thờ thần Apolllo để cầu tự. Thần phán rằng họ sẽ có
con trai nhưng đứa con ấy khi lớn lên sẽ giết cha lấy mẹ. Để tránh tai hoạ ấy,
khi đứa bé vừa chào đời được đặt tên là Oedipus, Laius sai người giết đi. Xót
thương đứa trẻ vô tội, người nô lệ trao nó cho một người chăn cừu xứ Corynth. Vì
không có con nên vua xứ này này nhận đứa trẻ làm con nuôi. Một ngày kia tin đồn
Oedipus không phải là con ruột của nhà vua tới tai chàng. Chàng đến đền thờ thần
Apollo tìm lời giải đáp. Thế nhưng thay vì giải đáp thần lại phán như trước:
sau này chàng sẽ giết cha và lấy mẹ. Sợ hãi tột độ, Oedipus rời Corynth đi về
phía Thebes. Tại một ngã ba đường, chàng xích mích với một đoàn người rồi nổi
cơn thịnh nộ giết chết tất cả, chỉ có một người chạy thoát.
Lại nói, ở Thebes lúc này đang mắc phải một tai hoạ. Một con quái vật
đưa ra một câu đố nếu không giải được câu đố của nó thì mỗi ngày nó sẽ ăn một
người. Oedipus giải được câu đố, quái vật chết, chàng lên làm vua và lấy hoàng
hậu làm vợ. Ít lâu sau, thành Thebes xảy ra dịch bệnh. Trong quá trình đi tìm
nguồn gốc của dịch bệnh, Oedipus khám phá ra thân phận thật sự của mình. Chàng
hiểu rằng chính chàng là nguyên nhân dẫn tới dịch bệnh (vì chàng đã phạm tội giết
cha lấy mẹ). Người anh hùng xưa nay bỗng trở thành tên giết người tàn bạo.
Oedipus tự chọc mù hai mắt và rời bỏ ngai vàng.
Bi kịch “Oedipus làm vua” của Sophocle mang một giá trị
nhân văn sâu sắc, phản ánh được những đặc điểm xã hội của Hi Lạp lúc bấy giờ.
Con người dưới sự chi phối của thần linh trở nên bất lực trước số phận của
mình. “Oedipus làm vua” bắt đầu bằng một lời sấm truyền và kết thúc bởi
một bi kịch dữ dội chính vì thế cả vở kịch là sự thống nhất giữa tư tưởng nội
dung và nghệ thuật đặc sắc. Sophocle dưới cái nhìn khách quan đã xây dựng hình
tượng nhân vật Oedipus như một con rối trước định mệnh của cuộc đời dù cho có
trốn chạy thì số mệnh đã được định đoạt. Trong vở kịch chân dung con người Hi lạp
cổ được tái hiện dưới cái nhìn bi kịch và một vấn đề được đặt ra: con người có
thể chiến thắng số phận khi chiến thắng được thế lực thần thánh tức là chiến thắng
được cái tư duy sai lệch về sự chi phối của thế lực siêu nhiên trong cuộc đời.
Bi kịch “Oedipus làm vua” đã kết thúc nhưng dư âm của nó vẫn tồn tại
trong suy nghĩ của bao thế hệ con người, nhưng dù ở nhận định nào thì cũng
không thể phủ định các giá trị tư tưởng, nghệ thuật trường tồn của nó.
Ngoài vở kịch trên, các
vở Electra, Antigone và The Women of
Trachis nổi tiếng không kém vì có các nhân vật nữ toàn diện theo cách thu
hút thị hiếu hiện đại, nơi mà chính kịch tâm lý đứng đầu trong các sân khấu đại
chúng.
Nếu đặt trong bối cảnh
xã hội bấy giờ, có thể nói kịch của Sophocles không chỉ tiến bộ về tư tưởng,
tính nhân văn mà còn tiêu biểu cho nghệ thuật xây dựng tâm lý, tình huống trong
kịch.
3. Virgil (Publius Vergilius Maro) (70 – 19 BCE):
Virgil là một nhà thơ La
Mã được nhớ đến nhiều nhất với sử thi Aeneid.
Ông đến Rome như Homer đã đến Hy Lạp. Tác phẩm Aeneid được xem là cuốn sử
thi về La Mã cổ đại kể về vận may của người tị nạn thành Troia, Aeneas. Đó
là câu chuyện thần thoại về sự thành lập quốc gia La Mã cổ đại. Nó đã và vẫn được
các nhà văn sử dụng làm cơ sở của lịch sử và giá trị phương Tây khi hoàng đế La
Mã đầu tiên, Augustus, thành lập chế độ của mình sau thất bại của Antony trong
Trận Actium vào năm 31 TCN. Virgil kể câu chuyện về người anh hùng thành Troia
Aeneas, tổ tiên huyền thoại của người La Mã và đặc biệt hơn là của gia đình
Julius Caesar, trong đó Augustus là một thành viên.
Tóm tắt: Aeneas chạy trốn
khỏi thành phố Troia quê hương của mình, khi người Hy Lạp tấn công cướp phá vào
cuối cuộc chiến thành Troia. Ông đến miền đất mới là nước Ý ngày nay, thành lập
một thành phố mới, theo thời gian là thành Rome. Aeneid là một sử thi về nguồn
gốc và cội nguồn, một huyền thoại hiến chương cho cả thành phố Rome và nền tảng
của triều đại Augustan, Đế chế La Mã sẽ tồn tại cho đến khi thành Rome bị cướp
phá vào năm 410 sau Công nguyên, rồi được hồi sinh vào thế kỷ X. Chế độ
Augustan cũng là hình mẫu cho các đế chế khác trong tương lai. Aeneid cũng
trình bày một mô hình cho các sử thi sau này, bằng các ngôn ngữ châu Âu hiện đại,
ca ngợi các vị vua và hoàng đế, hoặc truy tìm các nền tảng lịch sử và huyền thoại.
Tác phẩm Tennyson's Idylls of the King,
dựa trên truyền thuyết về vua Arthur của Anh, là một bài thơ của Virgil, vừa
tôn vinh đế chế Anh vừa thu hút sự chú ý đến những sai sót của nó.
Nhà thơ, nhà phê bình
người Mỹ T.S.Eliot gọi quyển Aeneid
là “tác phẩm kinh điển của toàn châu Âu”
và gợi ý rằng “Virgil có được vị trí trung tâm của tác phẩm kinh điển độc nhất
vô nhị; ông là trung tâm của nền văn minh châu Âu, ở một vị trí mà không nhà
thơ nào khác có thể chia sẻ hoặc soán ngôi”. Nhà thơ người Ireland, Seamus
Heaney, Nobel Văn học 1995, chịu ảnh hưởng sâu sắc từ thơ của Virgil trong các
tập thơ nổi tiếng của ông như Human
Chain, Route 110 qua sự phóng chiếu hành trình của Aeneas qua Địa ngục,
thành hành trình của chính Heaney.
Mộc Nhân dịch từ nguồn đã dẫn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét