BA MƯƠI NHÀ VĂN VĨ ĐẠI NHẤT MỌI THỜI ĐẠI (Tiếp theo phần trước)
13. William Blake (1757-1827):
Mặc dù không được những
người cùng thời đánh giá cao với tư cách là họa sĩ hay nhà thơ, nhưng William
Blake đã có sự khác biệt khi tìm được vị trí của mình trong top 10 của cả nhà
văn Anh và họa sĩ người Anh.
Lý do bị coi thường là
vì ông đi trước thời đại về quan điểm và phong cách thơ ca nên bị
coi là điên, hành vi mà ngày nay được coi là lập dị. Chẳng hạn thói quen tự
nhiên của Blake là khỏa thân đi dạo quanh khu vườn của mình và tắm nắng ở đó.
Ông đã vẽ tranh minh họa những bài thơ của mình và những bài thơ của những người
khác như Chaucer, Dante và Milton nhưng những cuộc triển lãm tranh này đã bị chế
nhạo, một nhà phê bình đã viết rằng chúng là “vô nghĩa, khó hiểu và phù phiếm
quá mức” (nonsense, unintelligibleness
and egregious vanity) và họ gọi Blake là “một kẻ mất trí đáng tiếc” (an unfortunate lunatic).
Về quan điểm, ông kịch
liệt phản đối tổ chức tôn giáo và cách nó hạn chế hoạt động tự nhiên của con
người, chẳng hạn như tình dục. Trong bài thơ Khu vườn tình yêu (The Garden
of Love), ông đã buộc tội nhà thờ về điều đó: “các linh mục mặc áo choàng đen đang đi vòng quanh/ Trói buộc niềm vui
và khao khát của tôi bằng những cành cây gai”.
Điều quan trọng nhất về
Blake với tư cách là một nhà thơ là việc ông bác bỏ những cấu trúc câu thơ phức
tạp của thế kỷ XVIII: ông nhìn lại những bài thơ gần gũi, dễ tiếp cận hơn của
Shakespeare, Jonson và Jacobeans. Ông sử dụng những từ đơn âm tiết và gói ghém
nhiều ý nghĩa và cảm xúc hơn vào chúng qua các ẩn dụ. Hai tuyển thơ nổi tiếng
nhất của Blake: Songs of Innocence và
Songs of Experience gồm các bài thơ
tiếng Anh hay nhất và sâu sắc nhất, tất cả đều được viết bằng ngôn ngữ đơn giản
nhất.
Songs of Innocence tiết lộ một thế giới của tuổi thơ ngây thơ, được
viết bằng nhịp điệu đồng dao nhưng chứa đựng bóng dáng của thế giới trải nghiệm
tiếp sau. Vì vậy chúng được dạy cho trẻ em đọc thuộc lòng như một bài đồng dao.
Hãy xem bài thơ The Sick Rose (Hoa hồng
bị bệnh) - có ba mươi ba từ, năm trong số đó có hai âm tiết mà đi sâu vào thế
giới của các mối quan hệ và thái độ xã hội: “Hoa hồng bị bệnh/ Con sâu ẩn mình/
Mà bay vào đêm/ Trong bão gào thét/ Nó đến bên giường/ Niềm vui đỏ thắm/ Tình
yêu bí mật/ Cuộc sống của bạn/ Có tổn hại không”. Ý tưởng về tình yêu là trung
tâm của bài thơ. Tình yêu buộc phải trong bóng tối và bí mật vì thái độ xã hội,
do Giáo hội quy định, trái ngược với tình yêu xác thịt, những gì thuộc về tình
dục như Chiếc giường, niềm vui đỏ thắm, Con sâu…phải
được giấu đi trong bí mật.
Nhiều thập kỷ trước khi
những cuốn tiểu thuyết vĩ đại của Charles Dickens mô tả nỗi đau khổ của người
nghèo, Blake đã viết những bài thơ về nỗi đau của những người quét ống khói, những
người ăn xin và sự bất công của bất bình đẳng xã hội. Khi lang thang trên đường
phố Luân Đôn, anh ấy nhìn thấy những điều kinh hoàng này: “Người quét ống khói
kêu than/ Chuông nhà thờ vang lên trong đêm kinh hoàng/ Tiếng thở dài của người
lính bất hạnh/ Máu chảy khắp các bức tường của Cung điện”.
Bài thơ nổi tiếng nhất của
William Blake là bài Jerusalem vẫn
thường được phổ nhạc và hát như bài quốc ca tại các cuộc họp của nhiều tổ chức
xã hội…
Hãy đọc một số trích dẫn
của William Blake:
“Hãy nhìn thế giới trong
một hạt cát/ Và một thiên đường trong bông hoa dại/ Hãy giữ cái vô biên trong
lòng bàn tay bạn/ Và giữ sự vĩnh cửu trong một giờ” (To see a World in a Grain of Sand/ And a Heaven in a Wild Flower/ Hold
Infinity in the palm of your hand/ And Eternity in an hour).
“Tha thứ cho kẻ thù thì
dễ hơn tha thứ cho bạn bè” (It is easier
to forgive an enemy than to forgive a friend).
“Một sự thật được nói ra
dù có nội dung xấu/ Đánh bại tất cả những lời nói dối mà bạn có thể bịa đặt” (A truth that’s told with bad intent/ Beats
all the lies you can invent).
“Tình yêu thương, nó là
điều bất tận” (If a thing loves, it is
infinite).
“Nếu cánh cửa nhận thức
được làm sạch, mọi thứ sẽ hiện ra với con người như nó vốn có, bất tận. Vì con
người đã tự khép mình lại, cho đến khi anh ta nhìn thấy mọi thứ qua những khe hẹp
trong hang động của mình” (If the doors
of perception were cleansed every thing would appear to man as it is, Infinite.
For man has closed himself up, till he sees all things thro’ narrow chinks of
his cavern).
Trí tưởng tượng không phải
là một trạng thái: bản thân nó chính là sự tồn tại của con người” (The
imagination is not a state: it is the human existence itself).
“Trong vũ trụ, có những
thứ đã biết, có những thứ chưa biết, và ở giữa, có những cánh cửa” (In the universe, there are things that are
known, and things that are unknown, and in between, there are doors).
14. Jane Austen (1775 – 1817):
Jane Austen là một trong số ít nữ nhà văn Anh vĩ đại - một số người nói là chỉ đứng sau Shakespeare. Bà còn là nữ tiểu
thuyết gia người Anh nổi tiếng với những tác phẩm lớn và nhiều trích dẫn từ tác
phẩm của bà luôn ấn tượng.
Bà là con gái của George
Austen, một linh mục Anh giáo ở giáo xứ Steventon ở Hampshire. Bà có sáu anh
trai và một em gái, Cassandra, người mà bà rất thân thiết. Bà đam mê đọc sách từ
nhỏ, dưới sự hướng dẫn của cha và các anh trai, bà đã thử viết những câu chuyện
nhỏ từ thời thơ ấu và dần dần bà viết những câu chuyện lớn hơn.
Bà viết tiểu thuyết khi
còn rất trẻ, chúng đều rất hoàn hảo và có giá trị văn học. Và kể từ sau bà,
không có tiểu thuyết gia đương đại người Anh nào vượt qua được.
Người ta đặt câu hỏi tại
sao tiểu thuyết của bà tồn tại lâu dài và vẫn được đọc rộng rãi. Điều chắc chắn
là khi đọc tiểu thuyết của Jane Austen, người ta có nhiều giờ vui vẻ và nhiều
tiếng cười thoải mái.
Jane Austen quan sát khá
kỹ sinh hoạt của giới quý tộc người Anh, những người mà bà giao du và quan tâm
đến các chi tiết nhỏ nhặt của quý bà, quý ông để khai thác tiếng cười nhạo,
đôi khi nhẹ nhàng và đôi khi thật mạnh mẽ. Mỗi cuốn tiểu thuyết của bà kể một
câu chuyện hấp dẫn, đầy căng thẳng, với những bí ẩn mà chúng ta chờ đợi lời giải
quyết cuối cùng, khi mọi thứ đâu vào đó – rất giống những tiểu thuyết trinh
thám hay nhất của thời đại chúng ta.
Cũng như Shakespeare,
Chaucer và Dickens, những nhà hài hước hàng đầu khác của Anh, các nhân vật của
bà rất đáng nhớ và trở nên quen thuộc như: Elizabeth Bennett và Mr Darcy, Emma Woodhouse và Mr
Knightly, cô bé Catherine Morland tội nghiệp, Ngài Walter Elliot, ông Collins,
bà Elton và ông Woodhouse… Những nhân vật đó dưới cái nhìn của Jane Austen, trong vai người kể
chuyện, nhưng thật ra người trong cuộc - là hài hước một cách sâu sắc.
Tiểu thuyết của bà luôn
lấy người phụ nữ trẻ làm trung tâm – một phụ nữ trẻ với những giấc mơ lãng mạn
và hy vọng về việc gặp gỡ và kết hôn với người đàn ông hoàn hảo của mình. Nhân
vật nữ chính luôn như vậy, mặc dù chỉ sau một loạt thăng trầm, suýt bỏ lỡ và
nhiều hiểu lầm.
Nhìn bề ngoài, những cuốn
tiểu thuyết của bà cũng giống như tiểu thuyết lãng mạn hiện đại, Jane Austen sử dụng cốt
truyện để khám phá con người, giai cấp và cộng đồng. Vì vậy, nó vượt xa những
cuốn tiểu thuyết lãng mạn khác.
Jane Austen là người phụ
nữ không lấy chồng, sống lặng lẽ với mẹ cùng em gái và viết tiểu thuyết của
mình trong tình trạng bán bí mật, không ai đến gần khi bà đang viết. Những
gì chúng ta biết về bà đều do gia đình cung cấp sau khi bà qua đời ở tuổi 41.
15. Hans Christian Andersen (1806-1875):
Hans Christian Andersen
là một nhà viết kịch, nhà văn du ký, nhà thơ, tiểu thuyết gia và nhà viết truyện
người Đan Mạch. Những câu chuyện cổ tích của ông đưa ông trở thành một trong những
nhà văn vĩ đại nhất thế giới từ trước đến nay. Về cơ bản, đa số truyện được viết
cho trẻ em nhưng chúng vượt qua rào cản tuổi tác vì tính phổ quát: chúng đạt đến
những cấp độ sâu sắc nhất của thân phận con người, mỗi câu chuyện thể hiện một
điều gì đó sâu sắc về ý nghĩa của việc trở thành một con người.
Một trong những câu chuyện
của ông, Bộ quần áo mới của Hoàng đế
(The Emperor’s New Clothes) được cho
là truyện ngắn hay nhất từng được viết vì cách ông sử dụng hình thức để tóm tắt
một chân lý phổ quát vĩ đại chỉ trong một vài từ. Trong câu chuyện đó, ông minh
họa chủ đề được giải thích bởi các nhà hiền triết từ Khổng Tử và Đức Phật đến
Jesus of Nazareth, rằng sự ngây thơ của thời thơ ấu soi sáng những sự thật bị
che khuất bởi kinh nghiệm. (Đọc truyện)
Ông được đánh giá cao ở
tác động đối với văn học thiếu nhi. Truyện cổ tích của ông được dịch ra nhiều
thứ tiếng và những nhân vật nổi tiếng nhất của ông, chẳng hạn như nàng tiên cá
bé nhỏ (little mermaid), cô bé bán diêm (the little match girl) và vịt con xấu
xí (the ugly duckling) được cả thế giới biết đến. Ông nhận được Giải thưởng
danh giá nhất thế giới về văn học thiếu nhi, Huân chương Hans Christian
Andersen (được đặt theo tên ông) và ngày sinh nhật của ông, ngày 2 tháng 4, được
kỷ niệm là Ngày Sách thiếu nhi Quốc tế.
Nhiều nhà văn thiếu nhi
đã thừa nhận họ mắc nợ Andersen. Những câu chuyện của ông đã truyền cảm hứng
cho các nhà văn thiếu nhi sau này. Những tác phẩm kinh điển như The Wind in the Willows (Gió qua rặng liễu)
của Kenneth Grahame và Winnie-the-Pooh
(Chú gấu Pooh xinh xắn) của A.A. Milne đã áp dụng kỹ thuật nhân hóa làm cho những
thứ như đồ vật, động vật trở nên sống động, cư xử giống như con người.
Lewis Carroll và Beatrix Potter là hai nhà văn thiếu nhi nổi tiếng khác cũng chịu
ảnh hưởng bởi truyện của Andersen. Ngoài những nhà văn lớn dù không phải là nhà
văn thiếu nhi như Jane Gardam, Joyce Carol Oates cũng đều chịu ảnh hưởng của
Andersen.
Những câu chuyện cổ tích của Andersen như: Bộ quần áo mới của Hoàng đế (The Emperor’s New Clothes), Thiếu nữ trên băng (The Ice Maiden), Nàng tiên cá bé nhỏ (The Little Mermaid), Cô bé bán diêm (The Little Match Girl), Chim sơn ca (The Nightingale), Công chúa và hạt đậu (The Princess and the Pea), Nữ hoàng tuyết (The Snow Queen), Chú lính chì (The Tin Soldier), Thumbelina (Thumbelina), Vịt con xấu xí (The Ugly Duckling)… đã được dựng thành truyện tranh, kịch, phim, vở opera… Thậm chí cuộc đời của Andersen cũng trở thành đề tài cho sân khấu và điện ảnh. Tên ông Hans Christian Anderson được đặt cho những công viên giải trí lớn ở thành phố Thượng Hải, Trung Quốc và thành phố Funabashi, Nhật Bản.
16. Charles Dickens (1812-1870):
Charles Dickens là một tiểu
thuyết gia tài ba. Tác giả của những tác phẩm kinh điển như Oliver Twist, David
Copperfield, Great Expectations, A Tale of Two Cities, Bleak House và nhiều tác
phẩm khác. Tất cả các tiểu thuyết của ông là tác phẩm kinh điển của Anh.
Dickens có năng lượng viết
gần như không thể tin được. Ngoài việc viết tất cả những cuốn sách đồ sộ đó,
ông còn có thời gian để theo đuổi những việc khác như diễn xuất, biên tập văn học,
vận động xã hội và quản lý từ thiện. Ngoài ra ông cũng là cha của một gia đình
đông con, và bản thân ông cũng vướng vào một mối tình kéo dài nhiều năm.
Ông bắt đầu sự nghiệp với
tư cách nhà báo, viết những mẩu tin nhỏ về cuộc sống hàng ngày và phát triển những
chuyện đó thành một tiểu thuyết, in sách và sách ông được bạn đọc say mê trên
khắp nước Anh cũng như thế giới.
Khi còn nhỏ, Dickens đã
chứng kiến cha mình bị cầm tù vì nợ nần. Điều đó khiến ông quan tâm đến nhà
tù và nhu cầu cải cách chúng. Nhiều tiểu thuyết của ông tiết lộ những sự thật
phũ phàng về hệ thống nhà tù thời Victoria qua đó nó có tác động lớn đến ý thức
của công chúng.
Dickens là một người dường
như có thể hướng nỗ lực của mình theo nhiều hướng và dành toàn bộ sự chú ý cho
mỗi hướng. Thật khó hình dung văn hóa Anh nếu không có những nhân vật sống
trong tiểu thuyết của Dickens. Chỉ cần nhắc đến cái tên Cô Havisham người ta sẽ hình dung ra hình ảnh một người cay đắng và
bị gạt ra ngoài lề xã hội, sống trong một thế giới hư ảo hoặc Mr Gradgrind tạo ra hình ảnh của sự thiếu
linh hoạt và Mr McCawber là kẻ lạc
quan ảo tưởng, luôn dựa vào niềm tin vui vẻ rằng sẽ có thứ gì đó xuất hiện để
giải quyết vấn đề của mình, khiến chúng ta phải lắc đầu ngao ngán xen lẫn buồn
cười. Chúng ta cũng có hình ảnh về viên chức xu nịnh, đạo đức giả qua nhân vật Uriah Heep, về Mr Bumble hào hoa và Mr
Murdstone độc ác, lạnh lùng và người chị gái sắt đá của anh ta…
Các tiểu thuyết của
Dickens, vốn được dùng để viết kịch cho sân khấu, truyền hình và điện ảnh. Tác
phẩm Bleak House (Căn nhà lạnh lẽo) được
các nhà phê bình ca ngợi là một trong những tiểu thuyết hay nhất thế giới, cùng
hạng với các cuốn Huckleberry Finn, Tội ác và Trừng phạt, Chiến tranh và Hòa
bình, Kiêu hãnh và Định kiến và Moby Dick.
Danh sách các nhân vật của Dickens đã gắn bó chặt chẽ với văn hóa Anh là vô tận.
* Sau đây là một số trích dẫn
nổi tiếng nhất của Charles Dickens:
“Tôi không quan tâm đến
người đàn ông nào trên trái đất, và không người đàn ông nào trên trái đất quan
tâm đến tôi” (I care for no man on earth, and no man on earth cares for me) – A
Tale of Two Cities.
“Để làm một điều đúng vĩ
đại, bạn có thể có sai sót nhỏ; và bạn có thể thực hiện bất kỳ phương tiện nào
mà mục đích đạt được hợp lý” (To do a great right, you may do a little wrong;
and you may take any means which the end to be attained will justify) - Oliver
Twist.
“Bướm đêm và đủ loại
sinh vật xấu xí bay lượn xung quanh một ngọn nến thắp sáng. Cây nến có thể giúp
được gì không?” (Moths, and all sorts of ugly creatures,” replied Estella, with
a glance towards him, “hover about a lighted candle. Can the candle help it?) -
Great Expectations.
“Một sự thật tuyệt vời để
suy ngẫm, rằng mỗi con người được tạo ra để trở thành bí mật sâu sắc và bí ẩn đối
với người khác” (A wonderful fact to reflect upon, that every human creature is
constituted to be that profound secret and mystery to every other y) - A Tale
of Two Cities.
“Có những cuốn sách mà
gáy và bìa của chúng là những phần tốt nhất” (There are books of which the
backs and covers are by far the best parts) - Oliver Twist.
“Chúng ta không bao giờ
cần xấu hổ về những giọt nước mắt của mình” (We need never be ashamed of our
tears) - Great Expectations.
“Nỗi đau chia tay không
là gì so với niềm vui gặp lại” (The pain of parting is nothing to the joy of
meeting again) - Nicholas Nickleby.
“Hãy có một trái tim
không bao giờ chai đá, một tính khí không bao giờ mệt mỏi và một sự va chạm
không bao giờ đau đớn” (Have a heart that never hardens, and a temper that
never tires, and a touch that never hurts) - Hard Times.
Mộc
Nhân dịch từ nguồn đã dẫn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét