16/12/22

2.613. TỰ KHÚC (8) - Song of Myself – by Whitman

   Mộc Nhân dịch từ nguyên tác "Song of Myself" - Trong tập thơ Leaves of Grass, của Walt Whitman. Bài này gồm nhiều khúc (Section) được đánh số thứ tự từ 1 đến 52. Bản dịch dưới đây thuộc section 8.


Trong section 8 này, Whitman mô tả trải nghiệm của mình với đủ loại người, mọi tình huống, như thể để biện minh cho tuyên bố: ông là bạn của tất cả mọi người, ông đã nhìn thấy mọi câu chuyện, mọi số phận, mọi tầng lớp, mọi độ tuổi… trong một thế giới đầy hỗn loạn, có những điều tốt và cả điều xấu. Nhưng Whitman chỉ tái hiện, không phán xét bất cứ ai, việc gì…

Giọng điệu của bài thơ khá trầm lắng dù sự kiện được mô tả rất đáng lo ngại. Cái “tôi” của Whitman chỉ đơn giản là đứng sang một bên và quan sát. Ông quan sát một đứa trẻ, một cặp đôi chuẩn bị làm tình trong bụi rậm, một vụ tự sát trong phòng ngủ... Mọi thứ dường như đơn lẻ và liệu có liên quan với nhau không? Phải chăng có một kiểu trần thuật ngụ ý rằng, những niềm vui và nỗi kinh hoàng đang diễn ra ở đâu đó xung quanh chúng ta mỗi phút giây, hàng ngày?

Nhịp độ của bài thơ tăng dần khi Whitman đưa đến cho chúng hàng loạt hình ảnh ở đô thị với âm thanh và chuyển động đang trôi qua. Những phát biểu không ngừng nghỉ, nói những điều không xác định. Ông ghi lại âm thanh của mọi sự vật tạo ra một bản tạp âm phố xá trong các trạng thái “sống động và bị chôn vùi” nhưng “luôn rung động”. Đây là phiên bản của Whitman về cái mà James Joyce gọi là “sự hiển linh” hoặc niềm tin của William Carlos Williams rằng “thơ tồn tại trong chính ngôn ngữ mà chúng ta đã nghe suốt đời” (poetry exists in the very language to which we have been listening all our lives). Với Whitman chỉ cần lắng nghe  âm thanh đường phố, bạn sẽ nhận thấy đủ cung bậc cảm xúc của con người, từ tiếng “rên rỉ” của những người đã ăn quá nhiều đến tiếng rên rỉ của những người “chết dở”. Thành phố nén tất cả trải nghiệm của con người vào một không gian chật hẹp, ồn ào và âm thanh của nó luôn rung động mang theo nhiều ý nghĩa. Còn tác giả, dường như nhận ra “cái tôi” nơi đây không khác gì những “viên đá trơ trọi đón nhận và phản hồi bao tiếng vang” (The impassive stones that receive and return so many echoes).

  

TỰ KHÚC – (8)

SONG OF MYSELF (Section 8)

 

Đứa trẻ ngủ trong nôi,

Tôi nhấc tấm đắp lên nhìn khá lâu, rồi lặng lẽ lấy tay xua đám ruồi.

 

Chàng thanh niên và cô gái có khuôn mặt đỏ rẽ lên ngọn đồi đầy cây bụi,

Tôi dõi theo họ từ phía trên.

 

Người tự tử nằm dài trên sàn nhà đẫm máu của phòng ngủ,

Tôi chứng kiến cái xác với mái tóc đốm bạc, Tôi để ý nơi mà khẩu súng lục đã rơi ra.

 

Tiếng lạo xạo của mặt đường, tiếng lốp xe, tiếng đế giày bị tuột, tiếng nói của những người đi dạo

Chiếc xe buýt hai tầng nặng nề, người lái xe với ngón tay cái cong như dấu hỏi, tiếng móng ngựa lộp cộp trên sàn đá hoa cương,

Những chiếc xe trượt tuyết, tiếng leng keng, những tiếng gào đùa giỡn, những quả bóng tuyết,

Những tiếng hoan hô, sự giận dữ của đám đông cuồng nhiệt,

Sau tấm màn, một người đàn ông ốm yếu được đưa đến bệnh viện,

Cuộc gặp gỡ của những kẻ thù, lời tuyên thệ bất ngờ, những cú đánh và ngã gục,

Đám đông phấn khích, viên cảnh sát với phù hiệu ngôi sao nhanh chóng di chuyển đến giữa đám đông,

Những viên đá trơ trọi đón nhận và phản hồi bao tiếng vang,

Những tiếng rên của kẻ được cho ăn quá nhiều hoặc chết dở, những người bị say nắng hoặc lên cơn,

Những lời than van của người đàn bà đột nhiên vội về nhà sinh con,

Lời phát biểu sinh động và vớ vẩn luôn vang lên nơi đây, tiếng hú bị kiềm chế bởi phép lịch sự,

Những tội phạm bị bắt giữ, sự khinh thường, những quan hệ ngoại tình, những chấp nhận, từ chối với đôi môi vẩu,

Tôi quan tâm đến chúng hoặc xem hoặc nghe tiếng vang của chúng—

Tôi đến và tôi đi.

 ---------

* Loạt bài này gắn thẻ Walt Whitman

 --------

 Nguồn toàn tập: Poetryfoundation 

 Nguồn Section (8): Uiowa.edu

 --------

* Dịch và chú thích bởi Mộc Nhân

 


Không có nhận xét nào: