BA MƯƠI NHÀ VĂN VĨ ĐẠI NHẤT MỌI THỜI ĐẠI (Tiếp theo phần trước)
Herman Melville là một nhà viết tiểu thuyết, truyện ngắn và nhà thơ người Mỹ. Ông được biết đến nhiều nhất với cuốn tiểu thuyết Moby-Dick (Cá voi trắng) và một câu chuyện lãng mạn về những trải nghiệm của anh ấy trong cuộc sống của người Polynesia, Typee. Cuốn tiểu thuyết về săn cá voi của ông, Moby-Dick thường được coi là cuốn “tiểu thuyết vĩ đại của Mỹ”, ngang hàng với The Great Gatsby (Gatsby vĩ đại) của Scott Fitgerald và Huckleberry Finn của Mark Twain. (Xem tóm tắt)
Melville là bậc thầy về văn xuôi với lối viết giàu hình ảnh thần bí, ẩn dụ, phức tạp và chứa đầy những ám chỉ đến triết học, thần thoại, kinh thánh, nghệ thuật tạo hình và liên quan đến các tác phẩm văn học khác. Các chủ đề tác phẩm của ông đi sâu vào thân phận con người. Ông khám phá những điều không thể tìm thấy điểm chung cho giao tiếp của con người. Các nhân vật, cốt truyện, chủ đề, ý tưởng của ông đều quan tâm đến việc tìm kiếm điều đó.
Mối bận tâm của ông về
những giới hạn của kiến thức đã dẫn ông đến câu hỏi về sự tồn tại của Chúa
trong bài viết của mình, đến sự thờ ơ của tự nhiên và vấn đề của cái ác. Chính ở
Moby-Dick, tất cả những ám ảnh theo chủ đề của anh ấy đều gặp nhau, dẫn đến một
cuốn sách tuyệt vời đi thẳng vào trọng tâm của tất cả những mối bận tâm đó. Một
lĩnh vực mới nổi của học thuật pháp lý Hoa Kỳ được gọi là luật và văn học sử dụng tiểu thuyết Billy Budd của Melville làm một
trong những văn bản trung tâm của nó. Trong cuốn tiểu thuyết, chàng thủy thủ trẻ
nổi tiếng Billy, bị buộc tội vì những giả tạo, bao gồm cả cuộc nổi loạn, đã vô
tình giết chết chỉ huy trưởng của con tàu và Thuyền trưởng Edward Vere triệu tập
một phiên tòa quân sự. Anh ta kêu gọi tòa án kết án tử hình Billy. Tòa án quân
sự hư cấu đó đã trở thành tâm điểm của cuộc tranh cãi học thuật. Thuyền trưởng
Vere là người như thế nào? Anh ta là một người tốt bị cuốn vào luật xấu hay anh
ta cố tình bóp méo và xuyên tạc luật để dẫn đến cái chết của Billy? Không có
câu trả lời nào cho điều đó và vì vậy cuốn tiểu thuyết đã trở thành một ví dụ
rõ ràng về hành trình tìm kiếm điều không thể của Melville, điều mà chúng ta thấy
trong tất cả các tác phẩm của ông.
Melville đã dành gấp đôi
thời gian để viết thơ so với viết văn xuôi và mặc dù ông không được đánh giá
cao về thơ ca. Một số nhà phê bình hiện coi ông là nhà thơ hiện đại đầu tiên của
Mỹ. Robert Penn Warren đã ca ngợi Melville như một “nhà thơ vĩ đại của Mỹ”.
Vào năm 2010, một loài
cá nhà táng khổng lồ đã tuyệt chủng được các nhà cổ sinh vật học phát hiện ra hóa thạch của nó và họ đã ấy tên
Melvillei để đặt tên cho loài cá này.
18. Gustave Flaubert (1821-1880):
Gustave Flaubert là một
tiểu thuyết gia người Pháp, đáng chú ý nhất vì là người dẫn đầu chủ nghĩa hiện
thực văn học trong văn học Pháp. Ông được biết đến đặc biệt với tác phẩm "Bà Bovary" (Madam Bovary) (1857). (Xem tóm tắt)
Ảnh hưởng của Flaubert đối với các tiểu thuyết tiếp theo là rất lớn. Nhà phê bình, James Wood, nhận xét rằng thực sự có một thời kỳ trước Flaubert và một thời kỳ sau ông. Flaubert đã đổi mới văn học, cùng với một số nhà văn như Jane Austen và Honore de Balzac là những người tiên phong cho đổi mới tiểu thuyết hiện thực.
Tiểu thuyết thế kỷ 20 là
sự phát triển từ tiểu thuyết hiện thực của Flaubert. Người ta không thể kể hết
vô số nhà văn đã sử dụng phong cách viết cô đọng và trung thực của ông ở mức độ
nào đó - từ Hemingway đến Faulkner, Kafka và J.M. Coetzee… đều kế tục sự phát
triển này.
Flaubert luôn là tâm điểm
chú ý của giới văn chương trong hơn một thế kỷ qua bao gồm cả các nhà phê bình
văn học và các triết gia như Michel Foucalt, Jean-Paul Satre, Pierre Bourdieu
và Roland Barthes. Trong một bài giảng năm 1966 tại Phòng trưng bày nghệ thuật
Kaufmann ở New York, nhà triết học nổi tiếng về lý thuyết giao tiếp, Marshall
McLuhan, đã tuyên bố: “Tôi đã lấy tất cả kiến thức của mình về truyền thông từ
những người như Flaubert, Rimbaud và Baudelaire”.
Bà Bovary thường được coi là một trong những tiểu thuyết vĩ đại nhất
từng được viết. Trong lời tựa cho cuốn tiểu thuyết The Joke của mình, Milan Kundera đã viết: “Kể từ Madame Bovary, nghệ
thuật tiểu thuyết đã được coi là bằng nghệ thuật thơ”.
19. Fyodor Mikhailovich Dostoyevsky (1821-1881):
Fyodor Mikhailovich Dostoyevsky là một tiểu thuyết gia, nhà báo, nhà viết truyện ngắn, triết gia và
nhà tiểu luận người Nga. Các tác phẩm văn học của ông khám phá tâm lý học trong
tình trạng hỗn loạn chính trị, xã hội và tinh thần của nước Nga thế kỷ 19. Các
tác phẩm của ông bộc lộ nhiều chủ đề triết học và tôn giáo.
Dostoyevsky nổi tiếng với
các tiểu thuyết Anh em nhà Karamasov, Thằng
ngốc, và trên hết là Tội ác và Trừng
phạt. Ông đã để lại dấu ấn mạnh mẽ sau một thế kỷ rưỡi khi ông qua đời cho
giới văn học Nga và thế giới với vô số học giả nghiên cứu các tác phẩm của ông.
Các trang web của Nga bị chi phối bởi các cuộc thảo luận về Dostoyevsky. Du
khách đến St Petersburg tìm thấy một địa điểm Dostoyevsky liên quan đến cuộc đời
của ông hoặc bối cảnh trong tiểu thuyết của ông ở khắp mọi ngóc ngách.
Một trong những lý do giải
thích cho tầm quan trọng văn hóa lâu dài của Dostoyevsy là ông đề cập đến các
khía cạnh của đời sống Nga vào thời của ông, những khía cạnh liên quan đến nước
Nga Xô - viết trong tương lai và nước Nga thế kỷ XXI. Ông đã tiên tri về chủ nghĩa
toàn trị của thời kỳ Xô Viết. Nhiều vấn đề xã hội khiến ông bận tâm và thể hiện
mạnh mẽ qua các tác phẩm triết học, tiểu luận và tiểu thuyết của ông vẫn đang
được quan tâm ở nước Nga hiện đại - các vấn đề về nghèo đói, tội phạm, cờ bạc,
nghiện rượu, gia đình tan vỡ, lạm dụng trẻ em. Đó là những chủ đề thường xuyên
trong tác phẩm của ông.
Ngày nay khi đọc
Dostoyevsky, người đọc bị ấn tượng bởi những hiểu biết sâu rộng của ông, mối bận
tâm của ông với những mối quan tâm rất lớn đối với chúng ta ngày nay – khủng bố,
xung đột giữa thế giới Cơ đốc giáo và Hồi giáo và câu hỏi lớn về việc nước Nga
sẽ đi về đâu, sẽ kết thúc như thế nào. Các tác phẩm sân khấu và các cuộc triển
lãm khác nhau dựa trên cuộc đời và các tác phẩm của Dostoyevsky thường xuyên được
trưng bày tại các viện bảo tàng và các tổ chức văn hóa khác của Nga. Bảo tàng
Tưởng niệm Dostoyevsky ở St Petersburg được cho là bảo tàng văn học nổi tiếng
nhất ở Nga. Các tour đi bộ Dostoyevsky đến St Petersburg là một trong những
tour phổ biến nhất của thành phố. Đã có rất nhiều bộ phim và truyền hình chuyển
thể từ tiểu thuyết của ông, thường xuyên được ghép vào thời gian và địa điểm.
Ví dụ như tác phẩm Tội ác và trừng phạt ở
vùng ngoại ô (2000) của Rob Schmidt, đã làm lại tiểu thuyết của Dostoevsky
trong bối cảnh đương đại của Mỹ.
Ở phạm vi rộng lớn, tác
phẩm của Dostoyevsky luôn có những cơ hội diễn giải mới để từ đó mọi người có
thể tiếp cận ông mà không bị lỗi thời. Thật vậy, hai thập kỷ qua đã chứng kiến
những nghiên cứu về Dostoevsky phát triển mạnh mẽ chưa từng có trước đây.
20. Jules Verne (1828-1905):
Jules Verne là một nhà
thơ, nhà viết kịch và tiểu thuyết gia người Pháp nhưng ông có được vị trí của
mình trong danh sách những nhà văn vĩ đại nhờ những tiểu thuyết phiêu lưu viễn
tưởng. Ông được gọi là cha đẻ của khoa học viễn tưởng và có ảnh hưởng đến sự
phát triển của thể loại văn học khoa học viễn tưởng. Thú vị hơn, có lẽ, là vị
trí của ông với tư cách là một nhà tiên tri hoặc người dự đoán công nghệ không
được phát minh cho đến khi ông qua đời rất lâu. Ông đã đưa một người lên mặt
trăng, bao gồm cả việc phóng nó từ bệ phóng ở Florida cho đến khi nó lao xuống
Thái Bình Dương; vào năm 1863, ông dự đoán về internet: Paris trong thế kỷ 20 (1863) mô tả các chi tiết của cuộc sống hiện
đại: tòa nhà chọc trời, truyền hình, tàu Maglev, máy tính và một nền văn hóa gắn
với Internet. Nhiều tiểu thuyết khác nhau của Verne dự đoán các cuộc chiến
tranh thế giới, vũ khí hủy diệt hàng loạt, chiến tranh hóa học và sự trỗi dậy của
một kẻ điên người Đức có sức lôi cuốn với ý định thống trị thế giới.
Verne là một trong những
tác giả được dịch nhiều nhất trên thế giới: các tác phẩm của ông đã được dịch
ra hơn 140 ngôn ngữ. Một số bộ phim đã được làm từ tiểu thuyết của ông, bắt đầu
từ năm 1916 với Hai vạn dặm dưới biển
và Hòn đảo bí ẩn, Từ Trái đất đến Mặt
trăng, Hành trình vào tâm Trái đất, và nổi tiếng nhất là Vòng quanh thế giới trong 80 Ngày.
Ảnh hưởng của Jules
Verne mở rộng đến thế giới khoa học và công nghệ, nơi ông truyền cảm hứng cho
nhiều thế hệ nhà khoa học, nhà phát minh và nhà thám hiểm. Năm 1954, Hải quân
Hoa Kỳ hạ thủy chiếc tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân đầu tiên trên thế
giới, tên là Nautilus, chiếc tàu ngầm trong cuốn Hai vạn dặm dưới biển. Trong thế kỷ 20 và 21, những nhà thám hiểm
như Nellie Bly, Wiley Post, Richard Branson và Steve Fossett đã được người anh
hùng hư cấu của Verne là Phileas Fogg truyền cảm hứng bằng cách cố gắng đi vòng
quanh thế giới trong thời gian kỷ lục.
Tiểu thuyết của Verne có
ảnh hưởng rộng rãi đến các tác phẩm khoa học và triết học cũng như các nhà văn
viết tiểu thuyết. Các nhà văn được biết là chịu ảnh hưởng của Verne bao gồm
Michel Butor, Blaise Cendrars, Roland Barthes, Marcel Ayme, Rene Barjavel, Jean
Cocteau, Antoine Saint-Exupery, Jean-Paul Satre và Wernher von Braun. Tác giả
khoa học viễn tưởng, Ray Bradbury, phát biểu cho văn học và khoa học trên khắp
thế giới, đã viết: ‘Tất cả chúng ta, bằng cách này hay cách khác, đều là con của
Jules Verne”.
Mộc Nhân dịch từ nguồn đã dẫn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét