Quote: “Khi mọi thứ có vẻ ngoài tầm kiểm soát thì đó là lúc chúng nằm trong tầm kiểm soát tốt nhất.” (When things look out of control, at that time they are the most in control) - Hiral Nagda
THÀNH PHỐ THIÊNG LIÊNG
Mộc Nhân dịch từ nguyên tác “Blessed City”, by Kahlil Gibran
Khi còn trẻ, tôi được kể rằng ở một thành phố nọ, mọi người đều sống theo Kinh thánh. Tôi nói: “Tôi sẽ đi tìm thành phố đó và phước lành của nó.”
Nó ở rất xa. Tôi đã chuẩn bị
kỹ càng cho cuộc hành trình của mình. Sau bốn mươi ngày tôi đã nhìn thấy thành
phố đó và vào ngày thứ bốn mươi mốt tôi đi vào thành.
Ô kìa! Toàn bộ cư dân chỉ toàn là người một mắt và một tay. Tôi rất ngạc nhiên và tự nhủ: “Thành phố
linh thiêng này chỉ có người một mắt và một tay thôi sao?”
Tôi thấy họ cũng rất
ngạc nhiên vì tôi có hai tay và hai mắt. Và khi họ đang bàn tán, tôi hỏi: “Đây thực sự có phải là Thành phố linh thiêng, nơi con người
sống theo Kinh thánh không?” Họ trả lời: “Đúng, đây chính là thành phố đó.”
Tôi nói: “Điều gì đã xảy
ra với bạn, vậy đâu là mắt phải và tay phải của bạn?
Họ nói: “Hãy xem sẽ rõ.”
Rồi tất cả mọi người đều di chuyển. Họ đưa tôi đến ngôi đền ở giữa thành phố. Trong ngôi đền tôi nhìn thấy một đống tay và mắt - đều đã khô. Tôi nói, “Chúa ơi! Kẻ chinh phục nào đã gây ra sự tàn ác này với bạn?
Có tiếng xì xào giữa họ. Một bô lão đứng lên và nói: “Việc này chúng tôi tự làm. Chúa đã khiến chúng ta chiến thắng sự ác ngự trị trong chúng ta.”
Ông ấy dẫn tôi đến một
bàn thờ cao, mọi người đi theo. Ông ấy chỉ cho tôi phía trên bàn thờ một
dòng chữ được chạm khắc, tôi đọc: “Nếu mắt phải của ngươi gây ra tội lỗi,
thì hãy móc mà ném nó đi; vì thà mất đi một phần thân thể lại có lợi hơn là
toàn thân bị ném vào địa ngục. Và nếu tay phải của ngươi làm điều xấu, hãy chặt
bỏ đi; vì thà mất một chi còn hơn là toàn thân ngươi bị ném vào địa ngục.”
Tôi đã hiểu ra. Và tôi
quay lại phía mọi người và kêu lên: “Trong các ngươi không có đàn ông hay đàn
bà nào có đủ hai mắt hoặc hai tay sao?”
Họ trả lời tôi rằng:
“Không, không một ai cả. Không có người nào hoàn hảo ngoại trừ những đứa trẻ
chưa biết đọc Kinh thánh nên chưa hiểu được điều răn trong đó.
Và khi chúng tôi rời khỏi
ngôi đền, tôi lập tức ra khỏi Thành phố linh thiêng; vì tôi không phải đứa
trẻ và tôi có thể đọc hiểu Thánh thư.
----------------------
Lời bàn của Mộc Nhân:
Câu chuyện đơn giản này của Khalil Gibran khiến chúng ta thích thú. Có lẽ ông muốn nói đến sự thống trị của giáo điều tôn giáo. Một cách tinh tế, ông cho chúng ta biết ý nghĩa của bất cứ Thánh thư nào cũng đều vượt ra khỏi sự giải thích của con người, nhất là những người cuồng tín, đức tin tuyệt đối...
Ở một góc nhìn khác, chúng ta tìm thấy trong câu chuyện này tinh thần bất diệt của uy quyền: chính trị hay tôn giáo, uy quyền hay quyền lực, chúng được thiết kế, tuyên truyền hay áp đặt để cố gắng tồn tại và phát triển, cai trị và mỵ dân… bằng bất cứ giá nào. Những gì được ông viết vẫn có giá trị cho đến tận ngày nay. Gieo rắc sợ hãi là vũ khí của kẻ thống trị và tìm kiếm sự đầu hàng là cách tối ưu. Còn con người sẵn lòng đầu hàng vì sự an toàn của mình. Tín đồ hàng phục tín ngưỡng, kẻ bị trị đầu hàng kẻ thống trị… để cuộc sống bình yên.
Hành động móc mắt và chặt tay mang ý nghĩa tượng trương, rằng bạn phải tự tước bỏ cái nhìn (quan điểm) và hành động của mình để yên thân… Khi có tâm lý sợ hãi, cam phận và đầu hàng thì sẽ không có lý trí nào xuất hiện cả. Hiểu như vậy, chúng ta sẽ thấy câu chuyện xuất sắc này của Khalil Gibran không chỉ là tín điều tôn giáo mà nó có ý nghĩa về chính trị xã hội.
* Nguyên tác Anh ngữ từ trang poetryfoundation
* Reference: diaryofateacher
Dịch và chú thích bởi Mộc Nhân
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét