Mộc Nhân
LTS: Tôi khen người bạn da màu trong hình là "pretty girl" (gái xinh) thì vui; nhưng nếu tôi khen cô ấy là "Miss universe" (Hoa hậu hoàn vũ) thì hỏng tất các anh ạ.
1. Thơ lục bát:
Thơ lục bát là thể
thơ dân gian Việt Nam với đặc điểm hình thức cơ bản là một chỉnh thể tối thiểu
gồm một câu 6 chữ (lục) và một câu tám chữ (bát). Thể thơ này đã có từ xa xưa,
tồn tại dưới dạng ca dao, dân ca truyền khẩu; một số nhà thơ Việt Nam thời Trung
Đại như Nguyễn Du đã vận dụng thể thơ lục bát trong những sáng tác để đời của
mình. Các nhà thơ từ cận đại đến hiện đại và đương đại đều có những thành tựu
để đời với thể thơ lục bát – Bùi Giáng, Phạm Thiên Thư, Đồng Đức Bốn, Nguyễn
Tấn Sỹ, Bảo Sinh…
Thơ lục bát nhịp
nhàng, mềm mại với ba đặc điểm chính: 1. vần 2. âm điệu (nhờ sự phối hợp thanh bằng-
trắc và 3. nhịp điệu trong câu thơ.
Trong ba yếu tố trên
thì gieo vần là cốt lõi trong việc tạo nên một cặp câu lục bát: tiếng số sáu
của của câu lục phải vần với tiếng số sáu của câu bát; tiếp theo đó tiếng số tám của
câu bát phải thành vần với tiếng số sáu của câu lục tiếp sau và cứ thế… Gieo
vần thơ lục bát đảm bảo tính liên kết giữa các câu thơ, các cặp thơ và toàn
bài.
Trong quá trình phát
triển và tiếp biến với thơ hiện đại, thơ lục bát có thể “du di” về quy tắc “bằng
trắc” và nhịp điệu nhưng yếu tố vần phải đảm bảo (trừ trường hợp phá cách về
vần, số tiếng và những ngoại lệ có thể chấp nhận như kết hợp từ, ngẫu nhiên,
bất khả kháng…). Có thể dẫn ra vài trường hợp ngoại lệ tiêu biểu:
“Thân em như chẽn lúa
đòng đòng/ Phất phơ dưới ngọn nắng hồng ban mai” (phá cách về số tiếng) – Ca dao.
“Bây giờ riêng đối
diện tôi/ Còn hai con mắt khóc người một con” (phá cách về vần) – Bùi Giáng.
“Miệng anh còn đủ
lưỡi môi/ Mà răng rụng hết lấy gì nhe ra/ Mím môi ôm mặt khóc òa/ Hôn em một
chút cho đỡ già nua thôi.” (phá cách về vần và tiếng ở câu cuối) – Bùi giáng.
“Cỏ non xanh tận chân trời/ Cành lê trắng điểm một vài bông hoa”… “Trong tay đã sẵn đồng tiền/ Dù lòng đổi trắng thay đen khó gì.” (phá cách về vần) – Nguyễn Du.
* Sự phá cách nói
trên làm thơ lục bát phong phú hơn, mang lại nhiều màu sắc mới cho thể thơ
truyền thống của dân tộc.
2. Lỗi vần trong thơ lục bát:
Những trường hợp trên tuy không hiệp vần chuẩn nhưng không thuộc nhóm lỗi vần. Thơ lục bát lỗi vần
khi đọc lên thấy rối, lấn cấn, tạo cảm giác âm hình tức tối, khó chịu.
Vần là hồn cốt của
lục bát, chữ nghĩa là da thịt và nhịp điệu là xương sống của thể thơ này. Như
trên đã nói, yếu tố chữ nghĩa và nhịp điệu có thể du di tùy trường hợp nhưng yếu tố vần phải đảm bảo.
Bài thơ lục bát rất
dễ tổn thương nếu vần bị phá hỏng tùy tiện – tức là cái hồn cốt của bài thơ bị
lung lay... Tôi tin các "nhà" nhận thấy điều này nhưng họ lại cố qui
về một số cụm từ như: “ngôn ngữ giản dị, gần với đời thường”, “có tính phá
cách”…
Tôi nghĩ yếu tố “phá
cách” chỉ diễn ra khi tác giả có dụng ý nghệ thuật (thậm chí là với dụng ý pha
trò, hài hước). Tuy nhiên sự phá cách chỉ diễn ra với tần suất thể hiện vừa
phải; nếu "phá cách" liên tục và không thể hiện dụng công ngôn ngữ
nào thì từ “phá cách” đến “phá hỏng” chỉ là một lằn ranh ngộ nhận...
(Tôi xin không dẫn chứng các trường hợp lỗi vần bởi dễ dẫn đến đụng chạm)
Quay lại các trường hợp ngoại lệ đã dẫn trên (và rất nhiều câu khác không thể nào nêu ra hết), nó vẫn được chấp nhận, kinh điển và thậm chí là khen ngợi bởi vì các lý do: các tác giả không lạm dụng sự “ngoại lệ” này trong sáng tác của mình, không “lỗi vần” quá nhiều lần trong một đoạn, một bài và sự lỗi vần ấy không gây cảm giác khó chịu cho người đọc… Hơn nữa, những tác giả lớn đã có thành tựu thi ca thì không gì là không có chủ đích. Thậm chí, đó là chỗ “syncope” (đảo phách) trong một gia điệu – làm cho bản nhạc hay hơn, thú vị hơn và thêm tiết điệu sinh động.
***
Lục bát dễ viết, hầu
như ai viết cũng được – từ giới bình dân cho đến thi nhân - nhưng viết cho ra
hồn cốt, mượt mà, dụng công thì thật khó.
Khen thơ lục bát “lỗi
vần” bằng những cụm từ đã dẫn trên và so sánh nó với lục bát của Nguyễn Du, Bùi
Giáng... là kiểu "khen cho nó chết", "thương nhau mà lại bằng
mười hại nhau"...
***
Xin kết bài bằng mấy câu
lục bát của Bùi Giáng:
“Thương nhau quá độ
bình thường
Trở thành quái gỡ
mộng trường tịch liêu”
“Tại người đâu phải
tại ta
Tại người như thế
thành ta điên rồ”
“Đừng đẹp đẽ đến vô
ngần
Chỉ cần chút đỉnh đẹp
tần ngần tu”
-------------------
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét