Để tưởng nhớ nhà thơ Du Tử Lê
Du Tử Lê tên thật là Lê Cự Phách, sinh năm 1942 tại huyện Kim Bảng,
tỉnh Hà Nam. Năm 1954, ông di cư vào Nam cùng với gia đình, học Đại học
Văn Khoa Sài Gòn.
Ông làm thơ từ rất sớm, lúc 10 tuổi đang học tại tiểu học.Sau khi di cư
vào Sài Gòn, Du Tử Lê bắt đầu sáng tác nhiều hơn. Bút hiệu Du Tử Lê được dùng
chính thức lần đầu tiên vào năm 1958.
Du Tử Lê từng là sĩ quan thuộc Quân lực Việt Nam Cộng Hòa,
cựu phóng viên chiến trường, thư ký tòa soạn của nguyệt san Tiền
phong (tạp chí Quân lực VNCH), và là giáo sư dạy giờ cho một số trường trung
học Sài Gòn.
Năm 1973, ông được trao Giải thưởng Văn chương Toàn quốc về Thơ
với tác phẩm Thơ tình Du Tử Lê 1967-1972. Năm 1975, Du Tử Lê
cùng với Mai Thảo và Phạm Duy bị kết án tử hình vắng
mặt trên đài phát thanh của Mặt trận giải phóng Miền Nam vì có thái độ
chống cộng. Sau 1975, ông sang tỵ nạn bên Hoa Kỳ; sống
ở miền Nam California, tiếp tục nghề viết…
Ngày 7 tháng 10 năm 2019, Du Tử Lê qua đời tại nhà riêng ở Quận Cam,
California.
Nhắc đến Du Tử Lê, giới văn học nghệ thuật nhớ đến một thi sĩ có sáng tác
trải dài hơn 60 năm. Nhiều bài thơ của ông được bạn đọc biết đến trong đó có
bài “Khúc Thụy Du” được nhạc sĩ Anh Bằng phổ nhạc.
Khi nghe bài hát và ca từ của “Khúc thụy du” chúng ta ngộ nhận đó là một
bài thơ tình nhưng thực ra đó mà một bài thơ dài gắn liền với sự kiện Mậu Thân
đẫm máu mà tác giả tận mắt chứng kiến. Cái nhan đề “Khúc thụy
du” được tác giả lấy một chữ lót trong tên gọi của người yêu (thụy) kết hợp với
chữ đầu trong bút hiệu (du) làm thành nhan đề bài thơ.
Mậu Thân 1968, nhiều con đường ở thành phố Saigòn vắng tanh, đầy xác chết
- những xác chết không toàn thây, bị cháy nám, khó nhận biết những xác chết là
dân chúng, binh sĩ hay bộ đội CS. Nhiều mảnh thịt người vương vãi, nhà cửa trúng
bom, đạn đổ nát, tất cả tạo nên hình ảnh ghê rợn… và tác giả đã viết bài thơ
ghi lại những gì mục kích trên đường đi.
Bài thơ dài trên 100 câu nhưng khi kiểm duyệt đã bị đục bỏ gần 1/3 chỉ
còn mấy chục câu nhưng nội dung bài thơ vẫn thể hiện được thảm cảnh chiến
tranh. Bài thơ về sau in trong tuyển tập “Thơ Du Tử Lê (1967-1972) và tập thơ
được trao giải thưởng Văn Chương Toàn Quốc, bộ môn thi ca, 1973.
Tình yêu trong bài thơ chỉ là phần phụ thế nhưng khi nhạc sĩ Anh Bằng phổ
nhạc ông lại chọn những câu thơ tình làm ca từ bài hát; những câu thơ về chiến
tranh, chết chóc chỉ còn là background mờ nhạt.
Tôi đăng lại nguyên văn bài thơ này để tưởng nhớ tác giả “KHÚC THỤY DU”
KHÚC THỤY DU – Du Tử Lê
1.
như con chim bói cá
trên cọc nhọn trăm năm
tôi tìm đời đánh mất
trong vũng nước cuộc đời
như con chim bói cá
tôi thường ngừng cánh bay
ngước nhìn lên huyệt lộ
bầy quạ rỉa xác người
(của tươi đời nhượng lại)
bữa ăn nào ngon hơn
làm sao tôi nói được
như con chim bói cá
tôi lặn sâu trong bùn
hoài công tìm ý nghĩa
cho cảnh tình hôm nay
trên xác người chưa rữa
trên thịt người chưa tan
trên cánh tay chó gặm
trên chiếc đầu lợn tha
tôi sống như người mù
tôi sống như người điên
tôi làm chim bói cá
lặn tìm vuông đời mình
trên mặt đất nhiên lặng
không tăm nào sủi lên
đời sống như thân nấm
mỗi ngày một lùn đi
tâm hồn ta cọc lại
ai làm người như tôi ?
2.
mịn màng như nỗi chết
hoang đường như tuổi thơ
chưa một lần hé nở
trên ngọn cờ không bay
đôi mắt nàng không khép
bàn tay nàng không thưa
lọn tóc nàng đêm tối
khư khư ôm tình dài
ngực tôi đầy nắng lửa
hãy nói về cuộc đời
tôi còn gì để sống
hãy nói về cuộc đời
khi tôi không còn nữa
sẽ mang được những gì
về bên kia thế giới
thụy ơi và thụy ơi
tôi làm ma không đầu
tôi làm ma không bụng
tôi chỉ còn đôi chân
hay chỉ còn đôi tay
sờ soạng tìm thi thể
quờ quạng tìm trái tim
lẫn tan cùng vỏ đạn
dính văng cùng mảnh bom
thụy ơi và thụy ơi
đừng bao giờ em hỏi
vì sao mình yêu nhau
vì sao môi anh nóng
vì sao tay anh lạnh
vì sao thân anh rung
vì sao chân không vững
vì sao anh van em
hãy cho anh được thở
bằng ngực em rũ buồn
hãy cho anh được ôm
em, ngang bằng sự chết
tình yêu như ngọn dao
anh đâm mình, lút cán
thụy ơi và thụy ơi
không còn gì có nghĩa
ngoài tình anh tình em
đã ướt đầm thân thể
anh ru anh ngủ mùi
đợi một giờ linh hiển
Nguồn: BBC và Internet
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét