30/10/19

1.591. XIN LỖI MẸ CON CHẾT VÌ KHÔNG THỞ ĐƯỢC

Mộc Nhân

Sự việc chiếc xe container với 39 thi thể di dân trên đường sang Anh Quốc chết vì lạnh cóng và thiếu không khí rúng động thế giới, sôi sục truyền thông và mạng xã hội trong tuần cuối tháng 9 này. Trong số người chết, tới nay dù chưa có công bố chính thức nhưng gần như chắc chắn có nhiều người Việt Nam.

Sự việc quá thương tâm khiến mọi người chú ý đến vấn đề di dân bất hợp pháp của người Việt.
Lịch sử Việt Nam ghi nhận trước 1975 không có di dân bất hợp pháp. Chỉ  sau năm 1975 làn sóng “thuyền nhân” khởi đầu cho cuộc di dân chấn động thế giới; và trong vòng chục năm lại đây, số người Việt di dân sang Úc, phương Tây vẫn liên tục cho dù hoàn cảnh đi và cơ hội ở lại rất khó khăn. Họ ra đi bằng nhiều phương cách: vượt biên trái phép, xuất khẩu lao động rồi không trở về, đi du lịch rồi trốn đoàn để ở lại nước ngoài, du học không trở về, gần đây lại có cụm từ “đi nhờ chuyên cơ quốc hội”…
Dù bằng bất cứ hình thức nào, chi phí bao nhiêu, để lại hậu quả gì… thì mục đích cuối cùng của họ là bỏ đất nước để ra đi – đa số là mưu cầu cuộc sống tự do, tăng nguồn thu nhập, khấm khá vật chất hơn cho bản thân và gia đình.
Đành rằng quốc gia nào cũng có di dân bất hợp pháp vì các lí do khác nhau như tị nạn chiến tranh, tị nạn chính trị, tị nạn kinh tế… nhưng Việt Nam nằm trong danh sách nước có di dân nhiều và số di dân tăng nhanh dù Việt Nam có tài nguyên thiên nhiên dồi dào, đa dạng; con người thân thiện; không còn chiến tranh loạn lạc; mức sống dễ chịu… Nhưng cái mà Việt Nam hiện nay còn thiếu là môi trường chính trị - pháp luật dung túng cho tham những, quyền lực, lợi ích nhóm dẫn đến bất công, chênh lệch gìau nghèo lớn nhất là trong nhóm quan chức nắm quyền lực đa số đều giàu nhanh mà lại không minh bạch… Còn đại đa số người lao động dù không đến nỗi đói nghèo bần cùng nhưng sẽ mãi mãi không thể có cơ hội đổi đời. Vậy nên khi có bất cứ cơ hội nào họ sẵn sàng dấn thân – mà di dân trái phép là một trong những cơ hội đổi đời với nhóm người trẻ tuổi.
Khi sự kiện 39 nạn nhân chết trong container đông lạnh xảy ra thì có nhiều thái độ trái chiều:
Bên cạnh trạng thái bộc lộ đau đớn, thương cảm thì cũng không ít những lời trái chiều cho rằng chẳng có gì đáng thương cả vì họ là những kẻ rời bỏ quê hương để tìm cuộc sống sung sướng, tìm những công việc trái pháp luật ở xứ người, thậm chí là biết trước rủi ro kể cả mất mạng nhưng họ vẫn dấn thân… vậy chẳng có gì phải thương xót.
Mỗi người có những mục tiêu, lý do khác nhau để đi, nhưng đứng trước những cái chết thương tâm như vậy, sao lại nỡ nặng lời, thờ ơ, vô cảm với những số phận như vậy.
Chúng ta hãy gạt bỏ những cái nhìn thị phi để thấy rằng đây là sự việc có tầm xã hội, chính trị quốc gia. Để công dân nước mình lâm vào hoàn cảnh như vậy, trước hết nhà nước có trách nhiệm, có tiếng nói. Đó là trách nhiệm nâng cao dân trí, xây dựng xã hội công bằng, ấm no và môi trường an lành cho dân.
Trong một xã hội mà con người làm giàu bằng mọi giá: quan chức làm giàu bằng tham nhũng chính sách; doanh nghiệp làm giàu bằng gian dối; con người làm giàu bằng lừa đảo; xã hội đen làm giàu bằng ma túy, cờ bạc, trấn lột, vay nặng lãi, đòi nợ thuê… thì những người trẻ không bằng cấp nhưng có sức lao động, có sức chịu đựng, dám đánh cược mạng sống mình đành chọn con đường làm giàu bằng di dân bất hơp pháp để lao động chui xứ người để được hưởng lương cao – dù con đường đó chưa chắc có viễn cảnh tươi đẹp.
Xin đừng đẩy câu chuyện và trách nhiệm này về phía dân mà quên đi trách nhiệm của chính quyền vì một chính quyền an dân, vì dân thì dân sẽ không chui vào container như vậy.
Xin đừng chính trị hóa một sự kiện xã hội bằng kiểu chụp mũ cho rằng “thế lực thù địch” đang lợi dụng chuyện này để làm xấu mặt nhà nước.
Xin đừng vô cảm đến mức làm ngơ, cho rằng không liên quan tới mình.
Đến hôm nay thì những quan chức cao nhất cấp tỉnh nơi có nạn nhân chỉ nói được lời “lấy làm tiếc” mà không có một lời chia buồn nào; còn quan chức cấp nhà nước thì vẫn im lặng, họ đang lo nghị sự nơi nghị trường; lại nghe nói cơ quan an ninh theo dõi những người đến nhà nạn nhân để chia buồn vì họ sợ sợ thế lực thù địch lợi dụng tuyên truyền bất lợi; còn báo chí chính thống thì một số báo đài còn đăng tin “trong số 39 người chết nghi là có người Việt Nam”; còn cộng đồng mạng thì có người lại dè bỉu cho là “đáng kiếp”…
Thật ngạc nhiên và đáng buồn khi chúng ta nhìn lại đám đông người Việt trước đây họ quá nhạy cảm với những sự việc có tính phong trào, hiệu ứng đám đông trên thế giới như: khi Nhà Thờ Đức Bà Paris bị hỏa hoạn, đám đông thao thức khóc lóc, thương tiếc, cầu nguyện; khi chào đón các nghệ sĩ nước ngoài, họ chen lấn, lập pans hâm mộ rồi xúm xít tung hê; thắng một trận bóng đá cả xã hội lên đồng, la hét, đi bão, xuống đường… còn khi 39 người Việt chết cóng trên đường di dân nhiều người hững hờ: công chúng hững hờ, báo chí dè dặt, văn nghệ sĩ không có tác phẩm nào được đăng…
Dù không phải tất cả đều thế cả nhưng biểu hiện như thế không hiếm và khiến chúng ta “nghẹt thở” như em Phạm Thị Trà Mi - một trong 39 nạn nhân - nghẹt thở trong thùng xe đông lạnh.
Đồng bào tôi đã thiệt mạng trong đau đớn và kinh hoàng. Tôi không làm gì được cho họ, không thể an ủi họ, không giúp gì cho họ… chỉ xin thắp ngọn nến, một khắc tưởng niệm, một lời nói cảm thương mà thôi. Những lúc như thế này, hãy khơi gợi lòng trắc ẩn của con người. Hôm nay là họ, biết đâu ngày mai là con cháu, hàng xóm, người quen của bạn lại chọn con đường đó thì sao.
Những người dân Anh Quốc xa xôi đã tổ chức một buổi tưởng niệm và đặt hoa viếng linh hồn nạn nhân; kể cả Thủ tướng của họ cũng đến nơi xảy ra thảm nạn để ghi lời chia buồn vào sổ lưu dù 39 nạn nhân này không phải công dân nước họ. Phải có ý thức mạnh mẽ về tình nhân loại, phải được dạy dỗ trong một nền giáo dục nhân bản, phải thường xuyên thực hành lòng yêu thương hàng ngày thì mới có được cách hành xử văn minh như vậy.
Dù là quốc tịch nào, độ tuổi ra sao, hoàn cảnh thế nào thì đối diện với cái chết trong sợ hãi đều đáng thương như nhau cả!
Người Việt Nam có câu “Nghĩa tử là nghĩa tận”.
Xin một lần nữa được nói lời thương tiếc cùng chia sẻ đến các em.
Mong các em siêu thoát khỏi cõi đời “nghẹt thở” này.
Tôi viết bài thơ này để viếng hương hồn các em.

XIN LỖI MẸ CON CHẾT VÌ KHÔNG THỞ ĐƯỢC
                                   Mộc Nhân Lê Đức Thịnh
khi bình minh lên
ngày hãy còn trẻ
nhưng bàn chân chưa vào được xứ sở thiên đường
đã từ giã thiên đường của quê xứ mình
lăn lộn
lạnh cóng
ngộp thở
giấc mơ đông cứng
như tảng thịt trong ngăn đông
những kẻ hạnh phúc hơn thì được nhìn bầu trời
qua một khe rách mở ra sau tấm bạt phủ kín
đàn con thiên di nhắn mẩu tin cuối cùng
xin lỗi mẹ
con chết vì không thở được
                        ***
bàn tay con tóe máu
trong nỗi tuyệt vọng vỗ vào thùng xe
bóng đêm buông xuống xứ người
chúng con chạy vội theo một giấc mơ
chỉ có trong mơ - chưa từng biết bao giờ
chấp nhận rùng mình trong những nhà kho tối tăm
chấp nhận bị cưỡng hiếp
chấp nhận đánh đập và hà hiếp
những bóng hình lẩn trốn
tiếng khóc nghẹn lại
quê nhà bặt âm
như trang tin bị nhà mạng chặn đường truyền
mọi thứ kêu gào trong lạc âm khẩn khoản
xin lỗi mẹ
con chết vì không thở được
                 ***
hôm nay thêm một ngày thảm
chúng ta như cánh dơi vạch những chữ chi xé nát mảnh đêm
những khấc giờ trôi tuột
những xác người lạnh buốt
những mảnh bình yên nổ tan lem luốc
khi giấc mơ chết trẻ
khi những tờ tiền chưa kịp vuốt
nhưng bàn tay em vẫn kịp nhắn lời trăn trối cuối cùng
xin lỗi mẹ
con chết vì không thở được
                      ***
thế giới vẫn đang diễu nhại bằng những trò cũ
những lời ước lệ ru ngủ
sự tàn độc thản nhiên
như sâu bọ trong hoa trái mùa màng
như tiếng khóc cho thần tượng
như lời reo hò sau trận cầu
như những đàm luận vớ vẩn
như những tờ tiền kiếm được từ nỗi đau
như vệt máu trên thi thể lõa lồ
xin lỗi mẹ
con chết vì không thở được
                  ***
con sẽ tái sinh bằng lòng trắc ẩn của đồng loại
con sẽ tái sinh bằng nỗi đau quê nhà
xin lỗi mẹ
con chết vì không thở được
con đang chết dần
hốc mắt con đầy máu
như một bản sao


            ----------

Đọc thêm: MỖI NGƯỜI MỘT ƯỚC MƠ

Bài của nhạc sĩ Tuấn Khanh - nguồn: Blog Tuấn Khanh

Đi cùng với sự hình thành nền văn minh nhân loại, là những giấc mơ. Những ước mơ riêng của mỗi con người đã tạo nên một thế giới đầy khát vọng và kỳ diệu của loài homo sapiens, so với các loài khác cùng tồn tại trên hành tinh. Lịch sử đã ghi lại rằng, đôi khi chỉ cần một ước mơ của Gandhi hay của Luther King, thế giới phải chuyển mình.
Và cũng có vô số những giấc mơ nhỏ bé và giản đơn, dù thành công hay thất bại, nhưng đã góp phần tạo dựng nên một hình dạng độc đáo khác thường của giống loài duy nhất trên địa cầu – loài động vật có khả năng ngôn ngữ và mơ ước.
Ai biết được những người Việt tử nạn trên chiếc xe thùng đông lạnh, tìm cách vượt biên giới vào Anh đã ôm ấp những ước mơ gì. Mỗi số phận là một câu chuyện. Và những câu chuyện đó phác thảo hình ảnh về nơi chốn mà họ đang sống.
Những đoàn người Kurd hôm qua tất tả chạy dạt khỏi vùng biên giới Thổ Nhĩ Kỳ, phác thảo một số phận dân tộc long đong và cam chịu. Họ không có bạn, chỉ có đồng minh giai đoạn và kẻ thù luân phiên.
Một người tài xế Uber người Armenia kể với tôi về quê hương của anh, và lý do anh lưu lạc đến Úc. Câu chuyện đời và ước mơ ra đi của anh, phác thảo về vùng đất Artsakh tuyệt đẹp cổ xưa, mà nay những người thương buôn quằn mình chịu nạn băng đảng đến từ Nga.
Đi theo dòng người im lặng tràn vào Châu Âu, đặc biệt là vào Anh Quốc, rất nhiều người Việt đã cùng người Trung Quốc, Eritrea, Ethiopia, Sudan, Afghanistan… lẻn vào để làm đủ thứ nghề, từ làm móng tay đến giữ trẻ, quét dọn… và cả trồng cần sa cho các đường dây buôn bán ma túy. Những câu chuyện đó phác thảo một phần của thế giới nghèo đói, bất an, không tương lai đang giẫy giụa, túa ra và chạy về hướng mà họ tin rằng sẽ tìm thấy sự khác biệt.
Những ngày xuất hiện câu chuyện 39 người tử nạn ở Anh Quốc, bất kỳ ai theo dõi cũng nhận ra dư luận người Việt chuyển động dữ dội. Một vài ngày đầu, sự kinh hoàng và thương cảm xuất hiện, rồi sau đó xuất hiện sự chỉ trích và miệt thị đầy chủ đích nhằm định hướng dư luận, kéo theo sự đồng ý của không ít người. Mục đích có thể là xô ngã mọi sự thương tâm, nhằm đánh lạc hướng việc xã hội đang nghĩ đến lý do vì sao nhiều thanh niên ở Hà Tĩnh, Nghệ An phải ra đi, vốn là nơi đời sống khó khăn, và nay lại càng khó khăn hơn kể từ khi Formosa xả độc ra biển, hủy diệt việc mưu sinh của hàng triệu người.
Ai có quyền đánh giá ước mơ hay phẩm giá của những người trẻ đó? Ai có quyền gọi họ là liều lĩnh hay ngu xuẩn vì không chấp nhận hiện tại? Nếu giả sử chẳng may trong lịch sử, chiếc tàu buôn Latouche-Tréville chở anh thanh niên Văn Ba bị đắm ngoài khơi năm 1911, hôm nay, tên gọi về Nguyễn Tất Thành là gì, nhất là khi anh ta không chịu yên phận và chấp nhận cuộc đời một thầy giáo dạy chữ Hán ở trường Dục Thanh của Hội Liên Thành?
Dù là vô danh, nhưng chắc những thanh niên Việt qua đời trên chiếc xe thùng đông lạnh cũng đã ôm ấp những ước mơ thầm kín của họ. Dù có là nhỏ bé hay nghèo hèn, nhưng đó là lựa chọn và sự chấp nhận đánh đổi trong khả năng của họ. Họ không đổ lỗi nơi chốn của họ, không căm ghét hay phỉ báng quê hương mình, cho dù nơi đó, có thể là những ngày tháng họ sống mòn, với những đầy đủ quẩn quanh vô vị… Nếu họ muốn ra đi để thay đổi cuộc đời nghèo khó, điều đó đã đau xót. Nhưng nếu họ đủ sống mà vẫn muốn ra đi, điều đó lại càng đau xót hơn, đáng chất vấn hơn, đặc biệt số lượng người ra đi và muốn ra đi gấp nhiều lần 39 người từ nạn, suốt nhiều năm qua.
“Đừng đổ lỗi cho chế độ” – những luận điệu hoảng hốt, chối bỏ đang vang lên từ nhiều hướng, dù các nạn nhân hay gia đình của họ vẫn còn chưa nói đến điều này. Ngay những dòng tin nhắn cuối cùng, cô gái trẻ nạn nhân chỉ nói xin lỗi mẹ mình. Những bia mộ chưa được dựng, người ta đã nghe thấy tiếng phủi tay. Tương tự như sau năm 1975, hàng triệu người miền Nam Việt Nam ra đi, họ cũng đã bị chối bỏ trước khi họ kịp lên tiếng nói về chế độ. Trong sách Bên Thắng Cuộc của tác giả Huy Đức, có ghi “ngày 20-7-1979, Cao ủy Tị nạn Liên Hiệp Quốc triệu tập một hội nghị về thuyền nhân Việt Nam tại Geneva với sáu mươi quốc gia tham dự. Tại hội nghị, Quốc Vụ khanh Bộ Ngoại giao Việt Nam, ông Nguyễn Cơ Thạch, nói “thuyền nhân” chỉ là “những phần tử bất mãn của chế độ cũ, những kẻ có nợ máu với nhân dân, những thành phần đĩ điếm, trốn tránh lao động”.
Trên đất nước được quảng cáo đầy những chỉ số hạnh phúc, 45 năm sau ngày thống nhất địa lý, con người vẫn cứ ra đi. Mỗi người vẫn bí mật mang một ước mơ của mình. Quan chức thì thực hiện giấc mơ cho con cái của mình định cư, tạo tài sản ở nước ngoài. Những người giàu thì mua quốc tịch, chờ một chuyến ra đi, hoặc đi du lịch rồi trốn ở lại. Người quyền thế thì nhẹ nhàng đi cùng chuyên cơ quốc gia để nhập cư lậu. Còn những con người nghèo khó thì chọn lấy chồng Đài Loan, Hàn Quốc, nộp đơn bán sức lao động hoặc chọn hành trình bí mật để với tới ước mơ.
Giờ đây, đất nước tôi, rộn rịp những ước mơ mang hình giai cấp.
T.K.

Không có nhận xét nào: