18/9/22

2.517. BẢO TÀNG QUANG TRUNG

   Bảo tàng Quang Trung là một trong những bảo tàng lịch sử nổi tiếng ở Bình Định được xây dựng ngay tại chính quê hương của người anh hùng dân tộc. Nơi đây gắn liền với khởi nghĩa Tây Sơn do Nguyễn Huệ lãnh đạo - là một trong những cuộc khởi nghĩa nông dân thành công nhất ở nước ta vào những năm thế kỷ XVIII.

Bảo tàng nằm ở thị trấn Phú Phong, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định, đối diện có sông Côn, gần đường ĐT 636, và Quốc lộ 19B - điểm đến khá thuận tiện.


Bảo tàng không chỉ lưu giữ những hiện vật lịch sử liên quan đến cuộc khởi nghĩa Tây Sơn mà còn là nơi lưu lại dấu tích ba anh em họ Nguyễn: Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ. Đây cũng là bảo tàng Danh nhân lớn nhất, thu hút đông đảo khách đến tham quan và tìm hiểu về lịch sử nhiều nhất ở Việt Nam.

Khu vực bảo tàng Tây Sơn Quang Trung Bình Định được thiết kế với cấu trúc 9 phòng trưng bày lưu giữ khoảng trên 11.000 hiện vật quan trọng liên quan đến khởi nghĩa Tây Sơn và 3 anh em họ Nguyễn.



Năm 1958 điện thờ chính thức được khởi công xây dựng và hoàn thành vào năm 1960 ngay trên nền nhà cũ của ba em nhà Tây Sơn, với diện tích lên tới 2.325m2.

Bảo tàng được thiết kế với bố cục cân đối, tỏa tròn ra tứ hướng và tụm lại vào điểm chính giữa – nơi đặt tượng đài Quang trung – Nguyễn Huệ. Từ xa trông vào ta thấy bao quanh bảo tàng Quang Trung Bình Định là “khí chất” cổ xưa với những lớp mái ngói đỏ gạch, chạm khắc điêu nghệ.



Trước sân có cổng tam quan, kế đó là nhà bia ghi công lao của vị anh hùng Quang Trung bằng chữ quốc ngữ. Chính điện được chia thành ba gian, gian giữa thờ Nguyễn Huệ, gian bên trái thờ Nguyễn Nhạc, gian còn lại thờ Nguyễn Lữ. Hai đầu hồi điện đặt ban thờ các văn thần, võ sĩ nhà Tây Sơn: Bùi Thị Xuân, Ngô Thì Nhậm, Trần Quang Diệu, Ngô Văn Sở, Trần Văn Kỷ, Võ Văn Dũng…

Trong khuôn viên vẫn còn lưu giữ 2 di tích cực kỳ quý giá: giếng nước cổ xây bằng đá ong  và cây me cổ thụ tỏa bóng mát một góc vườn, chu vi gốc cây lên tới 3,5m.



Bảo tàng Quang Trung Bình Định không chỉ là nơi lưu giữ những hiện vật lịch sử mà còn là nơi lưu truyền tinh thần võ thuật dân tộc Tây Sơn – môn võ thuật truyền thống của Bình Định. Để làm tăng thêm tính sinh động cho những bài múa võ, người dân nơi đây còn cho tái hiện màn trống trận năm xưa của vua Quang Trung. Mỗi bài trống trận đều gồm có 3 phần: xuất trận, công thành, khải hoàn… Nhưng điểm đặc biệt ở đây là không hề có hồi trống thu quân, bởi người đời truyền tai nhau rằng trong cuộc đời thân chinh của “người anh hùng áo vải đất Tây Sơn” chưa một lần thất trận, chưa một lần phải thu quân, cứ chiến thắng liên tiếp như hồi trống dồn dập không dừng.


Đến thăm bảo tàng Quang Trung Bình Định, du khách sẽ có dịp được ngược dòng lịch sử để sống với tinh thần thượng võ, kiên cường bất khuất và lòng yêu nước thương dân thông qua trang sử oai hùng của khởi nghĩa Tây Sơn, những chiến công hiển hách của Nguyễn Huệ và những vị tướng thân cận kiên trung.

***

Triều đại Tây Sơn bắt đầu từ năm 1778 bởi Nguyễn Nhạc, đóng đô ở thành Đồ Bàn với các sự kiện lớn: lật đổ Chúa Nguyễn (1777), Chúa Trịnh (1787), đánh bại quân Xiêm (1785).  Ngày 25/11 năm Mậu Thân (22/12/1788), trên đất Phú Xuân, Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ làm lễ đăng quang lên ngôi Hoàng đế, đặt niên hiệu Quang Trung, kéo binh ra bắc tiêu diệt quân Thanh, lật đổ vua Lê Chiêu Thống, thống nhất đất nước (1789).

Khi Nguyễn Huệ và Nguyễn Nhạc qua đời năm 1792, 1793, Triều Tây Sơn sụp đổ năm 1802. Triều Nguyễn thành lập và Hoàng đế Gia Long bắt đầu truy tìm, trả thù, giết những người Tây Sơn, quật các lăng mộ, phá hủy Từ đường Tây Sơn, nghiêm cấm việc thờ cúng.

Năm 1823 nhân dân xây đình làng Kiên Mỹ trên nền ngôi từ đường đã bị phá, bề ngoài danh nghĩa là thờ Thành hoàng, nhưng bên trong thờ ba anh em Nguyễn Huệ, Nguyễn Nhạc, Nguyễn Lữ và gọi tên dân gian là Điện Tây Sơn hay Đền thờ Tây Sơn tam kiệt.

Đến năm 1946, Đình làng Kiên Mỹ bị Pháp đốt cháy. Năm 1958, đình được xây lại và lấy tên là Đền thờ Tây Sơn tam kiệt.

Sau khi thống nhất đất nước Bảo tàng Quang Trung được xây dựng trở lại ở quê nhà anh em Tây Sơn bắt đầu từ năm 1977, hoàn thiện năm 1979 và nơi này đổi tên là Thị trấn Phú Phong thuộc huyện Tây Sơn, Bình Định.



Năm 2015, Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Định quyết định tiến hành nâng cấp, mở rộng bảo tàng và đến ngày 22 tháng 11 năm 2019, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Định tổ chức lễ kỷ niệm 40 năm xây dựng Bảo tàng Quang Trung. Đây là Di tích quốc gia đặc biệt một trong 112 di tích đặc biệt của cả nước.

Các nghi lễ tri ân ba anh em Nhà Tây Sơn được tổ chức hàng năm tại đây bao gồm:

- Ngày hiệp kỵ Tây Sơn tam kiệt (15 tháng Mười Một âm lịch)

- Ngày kỷ niệm trận Ngọc Hồi – Đống Đa (mùng Năm tháng Giêng âm lịch)

- Ngày giỗ Hoàng đế Quang Trung (29 tháng Bảy âm lịch)

Những ngày này đều được tổ chức lễ cúng kỵ theo nghi thức truyền thống của dân tộc, tưởng nhớ tổ tiên.

Tôi đã đến thăm nơi này lần đầu vào ngày 14 tháng 9 năm 2022.



-----------

References:

- Bảo tàng Quang Trung

- Quang Trung

 

Không có nhận xét nào: