Bài thơ "Witchgrass" (1) trong tập thơ Wild Iris của Louise Glück (2) là một tuyên ngôn của loài cỏ dại. Những câu thơ cuối minh chứng cho điều này. "Witchgrass" là một phép ẩn dụ/ nhân hóa nhiều tầng nghĩa. Với tầng nghĩa xã hội học, nó tượng trưng cho bên bị đàn áp/ có thể là hình ảnh người phụ nữ trong xã hội nam quyền Do Thái do Cơ đốc giáo thống trị. Với tầng nghĩa tự nhiên; đó là sự phản kháng của thế giới tự nhiên trước sự xâm lấn, hủy hoại của con người (3).
Cỏ Panicum capillare thường được gọi là cỏ dại/ cỏ phù thủy (witchgrass) |
CỎ DẠI
Bản dịch Mộc Nhân (4)
Có những thứ
bước vào thế giới không được chào đón
gọi là rối loạn, hỗn độn –
Nếu bạn quá đỗi căm ghét tôi
thì đừng bận tâm
đặt cho tôi một cái tên:
bạn có cần
thêm một vết nhơ
vào ngôn ngữ của bạn, có cách khác
là mọi thứ hãy đổ lỗi cho bộ tộc -
như chúng ta biết,
nếu bạn thờ một vị thánh
bạn chỉ cần
một đời sống (5)
Tôi không phải là đời sống
chỉ dùng một mẹo nhỏ để các người không nhận ra
những gì đang diễn ra ngay trong khu vườn này
một điển hình về sự thất bại.
Hầu như mỗi ngày
đều có một đóa hoa quý của bạn chết ở đây
và bạn không thể nghỉ ngơi cho đến khi
bạn truy tìm nguyên nhân, giải mã
những điều còn lại, bất cứ điều gì
xảy đến sẽ trở nên mạnh mẽ
hơn cả niềm đam mê cá nhân của bạn –
Không có nghĩa là
nó tồn tại mãi mãi trong thế giới thực.
Nhưng tại sao phải quản lý điều đó
khi bạn có thể tiếp tục làm những gì vẫn thường làm,
là than vãn và đổ thừa
hai thứ luôn luôn đi đôi với nhau
Tôi không cần bạn khen ngợi
để tồn tại. Tôi đã sống ở đây đầu tiên,
trước khi bạn đến, trước khi
bạn tạo lập một khu vườn.
Và tôi sẽ ở đây khi chỉ còn trời và trăng
khắp mọi ngõ ngách (6), và biển cả, và cánh đồng mênh mông
Tôi sẽ kiến tạo lãnh địa.
-----------------------
Chú thích:
(1). Witchgrass (Witch: phù thủy) có thể dịch sát là cỏ phù thủy. Theo wikipedia, đây là một loại cỏ dại có nguồn gốc từ Bắc Mỹ, tên khoa học là Panicum Capillare. Loại cỏ này dễ sống và phát triển trong mọi môi trường. Còn tên cỏ phù thủy được gọi theo một quan niệm mê tín rằng loại cỏ này được tạo ra bởi các phù thủy. (Reference)
(2). Tập thơ Wild Iris của Louise Glück: xem đầy đủ tại đây
(3). Review: "Witchgrass" là một tuyên ngôn của loài cỏ dại. Những câu thơ cuối minh chứng cho tuyên bố này – cỏ dại sẽ lấn át khu vườn con người và tạo ra khu vườn của nó, tồn tại lâu hơn tất cả. Toàn bộ bài thơ (trừ khổ thơ đầu) là từ điểm nhìn của cỏ dại. Điều này dẫn đến một số kịch bản thú vị: (1) “Một cái gì/ điều gì đó" (something) không được hoan nghênh, đón chào lại chính là con người – khi con người đi ngược lại tự nhiên rồi than vãn, đổ lỗi khiến thế giới rối loạn; (2) “Cái gì/ điều gì đó” là cỏ dại, xâm lấn khu vườn/ đời sống con người nên chúng không được đón chào. Đây là một khổ thơ mạnh mẽ và bất kỳ cách giải thích nào đều hợp với chủ đề tác phẩm.
Từ khổ thứ hai trở đi, người nói trong bài thơ rõ ràng là Witchgrass. Cỏ dại là một phép ẩn dụ/ nhân hóa cho bên bị đàn áp – có thể là người phụ nữ trong một xã hội nam quyền Do Thái/ Cơ đốc giáo thống trị.
Trong mọi trường hợp, thái độ của người nói đều hợp lý. Ban đầu thì có vẻ bức xúc, nhưng đến câu thứ ba và thứ tư thì chuyển sang đối kháng rồi buộc tội. Đến câu thứ năm, dấu tích của một giọng điệu cao siêu, toàn trí xuất hiện. Phần cuối của bài thơ, “bản tuyên ngôn” nói trên, là sự tự hào về tính ưu việt, thông báo về một chiến thắng tất yếu của cỏ dại.
Phần khó hiểu nhất của phép ẩn dụ này là danh tính của người nói. Xét về góc độ lịch sử, cụm từ "đổ lỗi cho một bộ tộc về mọi thứ" phù hợp với nhiều thế kỷ Kitô giáo áp bức đối với người Do Thái thiểu số; cụm từ “Thờ một vị thần” cho thấy rõ ràng ở Cơ đốc giáo. Xét về góc độ xã hội, có thể hiểu đó là sự thống trị của nam giới so với phụ nữ trong suốt thời gian của chuỗi các nền văn hóa phụ hệ đã thống trị nền các văn minh.
Lời tuyên ngôn ở cuối bài thơ cho người đọc biết người nói (cỏ dại) giờ đây đã đứng ở vị thế hàng trên so với kẻ áp bức. Tuyên ngôn này là rõ ràng và giúp người đọc nhận ra ý nghĩa của bài thơ. Bên bị áp bức sẽ vươn lên, tồn tại lâu hơn sự áp bức và tiếp quản cuộc sống, giống như cỏ dại sẽ tạo nên cảnh quan trong một khu vườn bỏ hoang. (Reference)
Đây là một bài thơ hay mang ý nghĩa giải cấu trúc (deconstructed).
(4). Nguyên tác: Nguồn tại đây
(5). Trong nguyên tác từ "enemy" có nghĩa chính, phổ biến là kẻ địch, kẻ thù; tuy nhiên nó còn có nghĩa thông tục khác là thì giờ, thời gian, đời người. Nếu dịch câu trong nguyên tác "if you worship one god/ you only need one enemy" thành "nếu bạn thờ một vị thánh/ bạn chỉ cần một kẻ thù" sẽ tối nghĩa. Vậy nên tôi dịch như trên.
(6). Trong nguyên tác, "left" ngoài nghĩa chính, phổ biến là bên trái, trái (tính từ) còn có nghĩa khác là bốn phương tám hướng, khắp mọi nơi. Tôi chọn nghĩa này vì nó phù hợp với không gian của câu thơ.
* Dịch và chú thích bởi Mộc Nhân
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét