23/9/22

2.522. LÊ ĐỨC THỊNH: TỪ KHÔNG GIAN HỌC ĐƯỜNG ĐẾN VĂN HỌC DỊCH

 Bảo Anh thực hiện

Đây là cuộc trò chuyện của phóng viên văn nghệ Báo Quảng Nam với tôi. Chỉ là một cuộc chuyện và những trao đổi hoàn toàn mang tính cá nhân, vài nội dung dưới góc nhìn của người nói là chủ quan; vậy nên nó có thể gây tranh luận trong bạn đọc. Do khuôn khổ trang báo (chỉ 1.800 chữ) nên ban biên tập đã thực hiện gọn hơn.

Xin cảm ơn Báo Quảng Nam cuối tuần và phóng viên văn nghệ Bảo Anh đã đăng bài này trên trang “Nhân vật cuối tuần” trong số 6380 ra ngày Thứ Sáu, 23/9/2022.


***

Từ một thầy giáo dạy văn, Lê Đức Thịnh (L.Đ.T) đã rón rén đến với văn chương, rồi trở thành một người viết chuyên nghiệp và đặc biệt là trở thành dịch giả duy nhất của Hội VHNT tỉnh Quảng Nam cho đến lúc này.

DUYÊN CHỮ

* Nhiều nhà văn cho biết họ trở thành nhà văn là do văn chương chọn họ. Còn anh thì sao?

- L.Đ.T: Tôi là người học văn, dạy văn và yêu nghề của mình. Vì thế, việc tôi làm thơ, viết văn cũng là... tự nhiên, như một đam mê tự thân. Tất nhiên, nếu chỉ với ngần ấy và với cái kiểu viết rồi cất giữ cho riêng mình, có lẽ mãi mãi tôi sẽ chỉ lặng lẽ trong vai một ông giáo nếu tôi không may mắn gặp được “duyên chữ”.

* So với bạn bè văn nghệ cùng trang lứa, có vẻ như anh đến với văn chương hơi muộn, hay nói cách khác là “duyên chữ” đến với anh hơi muộn...

- L.Đ.T: Thực ra, tôi đến với văn chương không quá sớm như các bạn văn khác, nhưng với riêng tôi thì có lẽ cũng không phải muộn. Trước khi chính thức đưa tác phẩm của mình ra công chúng, tôi đã viết lai rai dưới dạng nhật ký, cho riêng mình hoặc tặng ai đó... Cho đến năm 2000, tôi có viết một bài thơ tạm gọi là “nghiêm túc”, có ý thức về kỹ thuật, hình thức câu chữ, rồi nhờ nhà thơ Huỳnh Minh Tâm đọc. Nhà thơ Huỳnh Minh Tâm... khen; tôi cũng tự... khen rằng không ngờ mình viết được như thế; và người được tôi tặng bài thơ cũng khen và... khóc. Từ đó tôi chăm viết hơn, nhất là thơ.

* Ngoài “cái duyên” với bạn văn ấy, anh có nhận được “duyên chữ” nào từ nghề dạy học hay không?

- L.Đ.T: Thật sự thì việc viết lách của tôi khởi đi từ/ trong môi trường giáo dục. Thời gian đầu tôi làm thơ và viết nhiều bài nghị luận mang tính nhà trường. Nó giúp tôi tích lũy kinh nghiệm và có hứng thú để sau này “biết” viết kiểu nghị luận/ tiểu luận hơn. Cũng từ môi trường học đường, tôi đã có được một “sự kiện” rất đáng nhớ, có giá trị như một cú hích, đó là khi cuốn “Tài liệu ôn tập - luyện thi vào lớp 10 môn Ngữ văn” của tôi được NXB Đà Nẵng ấn hành (2009). Đồng hành với cuốn sách là một “Chứng nhận quyền tác giả” do Cục bản quyền – Bộ VHTT&DL cấp năm 2010. Cuốn sách đó phát hành rộng rãi trên địa bàn QN-ĐN với số lượng chục ngàn bản/ tái bản nhiều lần khiến tôi, một giáo viên bình thường, được biết đến khá nhiều trong giáo giới Quảng Nam và Đà Nẵng; được lãnh đạo ngành giáo dục biết đến, ghi nhận và còn lọt vào “mắt xanh” của Hội đồng chuyên môn Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Nam.

Từ những mối “duyên chữ” mình may mắn có được kia, tôi đã gặp nhiều thuận lợi nghề nghiệp, quan hệ, và cảm hứng viết của tôi cũng nảy nở hơn.

CHỮ NGHĨA “THƯƠNG NHAU”

Khởi đi từ thơ và nghị luận học đường, nhưng khi chính thức bước vào sân chơi văn chương rộng lớn bên ngoài, Lê Đức Thịnh đã bày ra không chỉ có ngần ấy mà còn có cả tản văn, tiểu luận phê bình và dịch thuật nữa. Anh tự nhận  mình là người khao khát và đam mê văn chương, biết mình có gì và luôn muốn thử sức mình.

* Vừa sáng tác, vừa dịch, vừa viết phê bình, anh có cảm thấy hững việc này “chỏi” nhau không?

- L.Đ.T: Tôi là người viết nhiều thể loại, và tôi tự thấy đó là một ưu thế. Thoạt trông thì thấy có vẻ “chỏi”, nhưng thực ra chúng giúp ích cho tôi khá nhiều trong quá trình nuôi dưỡng sự viết của mình. Với tôi, chữ nghĩa luôn biết “thương nhau”, dù ở những thể loại khác nhau nhưng luôn hỗ trợ cho nhau để cùng thăng hoa, miễn là mình biết say mê, trân trọng và gắn bó với chữ.

* Anh thử cho một ví dụ?...

- L.Đ.T: Chẳng hạn nếu tắc tứ thơ, tôi duy trì thú viết bằng dịch thuật hay viết văn xuôi; hoặc muốn thay đổi cảm hứng tôi cũng làm thế. Nhờ đó mà mạch viết không bị đứt quãng. Tôi quan niệm: hãy viết để duy trì mạch chữ, chưa vội cho rằng hay/ dở mà đắc ý hay nản lòng.

VÀ CÁNH CỬA MỞ

Ngoài một bản thảo chờ in, đến lúc này Lê Đức Thịnh đã có 8 đầu sách được xuất bản (không kể tập sách hướng dẫn ôn thi văn lớp 10); trong đó có 5 tác phẩm dịch hoặc biên soạn từ tư liệu nước ngoài. Bởi vậy, nhiều khi bạn bè gọi Lê Đức Thịnh là dịch giả. Anh thường không tỏ ra phấn khích trước danh xưng ấy, mà chỉ cảm khái: “Tôi không ngờ là mình lại đam mê dịch thuật đến vậy”.

* Có thể anh “không ngờ”, nhưng hẳn là việc dịch thuật đem lại những thú vị nào đó khiến anh đam mê chứ?

- L.Đ.T: Hẳn nhiên là có, khá nhiều. Ví như khi dịch thơ nước ngoài, tôi học được nguồn tứ thơ mới lạ cùng cách diễn đạt hiện đại hơn, giúp tôi có thể tự “làm mới” thơ mình. Việc đọc, dịch văn học nước ngoài còn giúp và buộc tôi tìm hiểu xem chúng nói về điều gì, đưa ra thông điệp thế nào... Nhờ đó, tôi tích lũy và học được nhiều điều. Nghĩa là, thông qua tiếp cận, dịch văn học nước ngoài, tôi tìm thấy một cánh cửa mở...

Ngoài ra, trong quá trình nghiên cứu và dịch, càng lúc tôi càng có ý thức hơn về tính chuyên nghiệp, và tôi cũng tự hiểu rằng không thể xem dịch văn chương như thứ “làm màu”. Từ việc dịch sách, tôi cũng có được những kỷ niệm thú vị. Ví như nhờ cuốn “Yesterday-60 năm The Beatles”, tôi được cộng đồng những người mê nhạc The Beatles toàn quốc và nhiều dịch giả ở Việt Nam biết đến; cuốn sách cũng được “rao” trên fanpage The Beatles toàn cầu và Việt Nam, nhờ đó được bán hết ngay. Hay như cuốn “Aubade”, vừa được giới nghiên cứu phản hồi tốt vừa thành công trong phát hành; thậm chí chẳng rõ từ nguồn nào mà một người nào đó đã đưa “Aubade” lên trang thương mại trực tuyến Tiki để rao bán...

* Nhìn vào thành quả dịch thuật của anh, nhiều người không khỏi nể phục, và họ tò mò muốn biết anh đến với dịch thuật từ bao giờ và như thế nào?

- L.Đ.T: Khởi nguồn của việc này là sáu năm tôi dạy học ở huyện miền núi Nam Giang. Thời gian rỗi khá nhiều và tôi tự tìm thú vui cho mình, đó là nghe nhạc nước ngoài qua radio, chơi đàn và học tiếng Anh. Quanh khu vực thị trấn hoang sơ lúc ấy, ai có quyển sách, tài liệu gì liên quan đến tiếng Anh tôi đều đến mượn hay xin về đọc và học. Sau này chuyển công tác về đồng bằng, tôi vẫn duy trì những cái thú ấy, nhờ vậy mà cảm hứng và đam mê của tôi không mất. Với âm nhạc, tôi trở thành nhạc công thực thụ có thể tự tin trình diễn trên sân khấu. Còn tiếng Anh thì tôi nỗ lực tự học nhiều hơn. Hiện nay, các phương tiện, thiết bị, công cụ hỗ trợ cho việc học khá phong phú; những người bạn, đồng nghiệp chuyên môn Anh ngữ cũng là nguồn để tôi học tập.

* Học tiếng Anh để đọc hiểu một văn bản có thể không quá khó. Nhưng để đọc, thẩm thấu và chuyển ngữ được một tác phẩm văn chương là rất khó, nhất là với những người không được đào tạo chuyên ngành?

- L.Đ.T: Đúng là không phải ai giỏi ngoại ngữ đều có thể trở thành dịch giả, nhất là việc chuyển ngữ tác phẩm văn chương còn phải có khả năng diễn đạt theo ngôn ngữ văn chương nữa.

Vốn tiếng Anh của tôi cơ bản là do tự học, mà chủ yếu là luyện kỹ năng đọc hiểu và dịch Anh - Việt. Tôi vừa học vừa dịch và vừa dịch vừa học. Với tôi, đó là một loại “lộc” nảy nở từ quá trình làm thơ, viết văn của mình. Chẳng hạn đứng trước một từ nguyên tác, tôi có khả năng lựa chọn từ tương đương nhiều hơn sao cho hợp âm vận, tiết điệu, thậm chí là hiểu phép chơi chữ trong nguyên tác để chuyển tải hay có một chú thích về cái hay của chỗ đó.

* Dịch thuật, nhất là dịch văn chương, là một công việc không đơn giản. Hẳn là nó lấy của anh không ít thời gian?

- L.Đ.T: Dịch, ở một góc độ nhất định, cũng là một hoạt động sáng tạo. Vậy nên tôi dành thời gian nhiều cho việc dịch và không nghĩ nó lấy mất hay giảm đi cảm hứng, thời gian sáng tác của mình. Thậm chí việc dịch và sáng tác hỗ trợ cho nhau rất tốt. Chẳng hạn nhờ dịch mà tôi thực hiện được nhiều tiểu luận văn học nước ngoài, hiểu thêm về các tác giả tác phẩm nổi tiếng và tích lũy vốn văn chương cho mình.

* Qua việc dịch văn học nước ngoài, anh có thể đưa ra một cái nhìn so sánh về văn học Việt Nam với thế giới?

- L.Đ.T: Đây là một câu hỏi quá khó, quá tầm của tôi. Tuy nhiên, từ công việc của mình, trong một phạm vi hẹp và trong khả năng đọc hiểu chừng mực của mình, tôi hết sức dè dặt và chủ quan nghĩ rằng, văn học/ thơ Việt hiện nay dù đã đổi mới rất nhiều nhưng vẫn còn một khoảng cách khá xa với văn học thế giới.

Văn học Việt Nam hiện nay đã rộng mở hơn về đề tài, đa dạng về giọng điệu và thi pháp; cởi mở hơn trong cách tiếp cận và lý giải hiện thực… Điều này đã đem đến một sắc thái mới cho nền văn học đương đại nhờ sự hòa nhập với các nền văn hóa, văn học thế giới. Tuy nhiên phải thừa nhận là VHVN vẫn còn một khoảng cách khá xa với văn học thế giới – nhất là trong lĩnh vực thơ ca. Cụ thể như sau:

Thơ Việt vẫn khu trú trong văn hóa Phương Đông với các đề tài quen thuộc (thơ gia đình, quê hương, hoài cổ, tức cảnh…); về thể tài (các kiểu thơ, giọng thơ cũ vẫn âm vọng trong câu chữ, kết cấu, thể loại…).

Về mặt giá trị, tất nhiên thơ văn luôn có trị thẩm mỹ - nhân văn nhưng thơ Việt chưa (hoặc rất ít) vươn tới những giá trị ở tầm nhân loại. Các nhà thơ nổi tiếng/ bài thơ hay trên thế giới đều có điều này dù họ viết về bất cứ đề tài gì. Nhất là các tác giả đạt được các thành tựu lớn.

Thơ Việt nặng về tìm tòi chữ nghĩa, tứ lạ… vậy nên khi đọc thơ chúng ta thường bị chi phối trong đánh giá bởi câu chữ và chú trọng khen hay/ mới/ chưa hay ở chỗ/ chữ này nọ (điều ấy cũng là một phần không thể thiếu khi viết thơ) nhưng chúng ta ít chú ý đến sự giản dị. Tôi đọc nhiều thơ nước ngoài qua bản gốc lẫn bản dịch và nhận ra sự giản dị làm nên giá trị bài thơ. Ngoại trừ thơ trừu tượng (abstract), thơ lập thể (cubist), thơ hậu hiện đại (postmodernism) là những loại thơ đặc thù thuộc trào lưu, xu hướng góp phần thay đổi diện mạo văn học thì những tác giả trên thế giới được ghi nhận thành tựu thơ ca phổ quát đều có 1 trong các đặc điểm: đổi mới, giản dị và tầm nhân loại trong tác phẩm. Hai tác giả lớn mà tôi đọc và dịch nhiều nhất, đoạt Nobel Văn chương gần đây là Bob Dylan và Louise Gluck là một ví dụ. Bob Dylan đoạt giải Nobel Văn học 2016 vì được ghi nhận “đã tạo ra những cách diễn đạt thơ mới trong truyền thống ca khúc vĩ đại của Mỹ” (for having created new poetic expressions within the great American song tradition). Louise Glück đoạt Nobel Văn học 2020 vì “một phong cách thi ca đặc biệt, với vẻ đẹp khiêm nhường, đã làm cho sự tồn tại của mỗi cá nhân mang một giá trị phổ quát” (for her unmistakable poetic voice that with austere beauty makes individual existence universal). Abdulrazak Gurnah đoạt Nobel Văn học 2021 bởi tác phẩm “thể hiện sự thâm nhập quyết liệt và lòng trắc ẩn của ông đối với ảnh hưởng của chủ nghĩa thực dân và số phận của những người tị nạn trong hố sâu ngăn cách giữa các nền văn hóa và lục địa. (for his uncompromising and compassionate penetration of the effects of colonialism and the fate of the refugee in the gulf between cultures and continents)…

Tính triết học, thần học trong thơ Việt nhạt nhòa hơn so với thơ nước ngoài. Điều này do môi trường văn hóa, tư tưởng của xã hội chi phối nên việc tiếp cận với thơ ca thế giới là một chặng đường dài đòi hỏi những nỗ lực, học tập, tiếp cận của các tác giả.

Ngoài ra phải kể đến một điều quan trọng là muốn thơ Việt đi ra với thế giới thì việc quan trọng là chúng ta phải sáng tác bằng tiếng Anh hoặc dịch thơ Việt sang tiếng Anh và phát hành bên ngoài lãnh thổ Việt Nam. Chúng ta chưa làm được điều đó một cách bài bản hoặc có làm nhưng chưa để lại dấu ấn đặc biệt nào. Tôi nghĩ người giỏi ở ta không thiếu nhưng có lẽ họ chưa khao khát làm điều đó. Vậy nên thơ Việt như cách nói vui của nhiều người là “sân nhà”.

Hiện chúng ta đang khao khát một Nobel Văn học hoặc một giải danh giá tầm khu vực, châu lục nhưng nếu nhìn lại các yêu cầu trên, tôi và các bạn đều nhận thấy điều ấy còn khá xa.

* Vậy anh có sẵn lòng góp phần thu hẹp khoảng cách ấy không, chẳng hạn bằng cách tham gia dịch văn học Việt Nam ra tiếng nước ngoài?

- L.Đ.T: Tôi nghĩ mình đang làm khá tốt việc dịch tác phẩm văn chương ở chiều Anh - Việt, đúng với năng lực của tôi. Dịch Việt - Anh là một chuyện khác, đòi hỏi những nỗ lực mới không chỉ là chuyện học tập mà còn liên quan đến các hiểu biết khác nữa. Tôi đang học tập để làm điều này và hy vọng sẽ đạt được từng bước.

* Anh có thể đưa ra một vài cái nhìn về văn thơ Quảng Nam?

- L.Đ.T: Đây cũng là một câu hỏi khó, tôi chưa đủ tầm trả lời cho chính xác. Tuy nhiên tôi vẫn có thể quan sát và có những cảm nhận chủ quan – để học tập, tự biết vị trí của mình so với anh em văn nghệ. Vậy nên ý kiến của tôi có thể gây tranh cãi…

Văn thơ Quảng Nam đương đại là một bộ phận của văn thơ Việt nên những gì thơ Việt có thì thơ/ tác giả Quảng Nam cũng có tương tự. Tuy nhiên, nhìn một cách mạnh dạn thì thơ văn Quảng Nam có nhiều cây bút có bề dày về viết/ đăng/ giải thưởng/ có tiếng vang trên các diễn đàn văn nghệ mà tôi ngưỡng mộ, tôi hay đọc tác phẩm của họ và học tập như: Đỗ Thượng Thế, Huỳnh Minh Tâm, Nguyễn Giúp, Lê Trâm, Phạm Tấn Dũng, Nguyễn Chiến… gần đây có cây bút truyện ngắn mới nổi là Hồ Loan cũng làm nên một dấu ấn cho văn học QN. Và tôi nghĩ cái list này có thể kéo dài.

Trong sinh hoạt văn nghệ, chúng ta vẫn hay nói với nhau về câu chuyện nhiều tập mang tên đổi mới. Chính nó là động lực để anh em điều chỉnh, cân nhắc cho ngòi bút sáng tạo của mình.

Tất nhiên chuyện thơ ca, văn chương là hoàn toàn tùy thuộc vào sở tri, năng lực cá nhân nên không thể đòi hỏi mặt bằng chung. Chúng ta chỉ đòi hỏi nỗ lực trên hành trình viết – sáng tạo và đổi mới.

Tôi cũng hiểu rằng tác giả/ tác phẩm đang thể hiện mình ở một trong 3 dạng: dạng phục vụ (viết nhẹ nhàng dễ hiểu để chia sẻ); dạng chinh phục (tìm tòi đổi mới, nhiều tầng ẩn dụ và có thể hơi khó đọc) và dạng thách thức (cầu kỳ chữ nghĩa, ý tưởng và diễn đạt – là kiểu thơ đòi hỏi năng lực giải mã, cảm thụ nhất định mà chúng ta quen gọi là thơ khó). Nếu tác giả ý thức được tác phẩm của mình như thế nào tức là chúng ta đang đổi mới cùng với những nỗ lực sáng tạo.

* Xin cho biết vài dự định sắp đến?

- L.Đ.TNgoài những dự định đã nói trên, hiện tôi đang chăm sóc 2 bản thảo: Một cuốn tạp văn đã xong bản thảo và đăng ký xuất bản tại Nxb ĐN nhưng chưa in có tựa “Kiếp nào xưa xa”, dự kiến sẽ ra mắt vào cuối năm 2022. Một tập tiểu luận phê bình về văn học Quảng Nam, kiểu chân dung văn nghệ các tác giả và tác phẩm Quảng Nam; dự kiến sẽ ra mắt vào quý 4 năm 2023.

* Xin cám ơn anh. Chúc anh có thêm nhiều thành công mới trong sự nghiệp văn chương của mình.

- L.Đ.T: Xin cảm ơn bạn đã dành thời gian trao đổi. Tôi rất vui nếu cuộc chuyện này trở thành một bài phỏng vấn trên báo. 

❤ ❤ ❤ ❤ ❤

Ghi chú của phóng viên: Nhà thơ, dịch giả Lê Đức Thịnh, bút danh Mộc Nhân, sinh năm 1963 tại Đại Lộc, Quảng Nam, hội viên Hội VHNT Quảng Nam từ năm 2015. Anh đã xuất bản 8 tập sách, gồm 2 tập thơ (Những vũ điệu và khúc ca - NXB Hội Nhà văn 2015; Ngẫu khúc chữ - NXB Đà Nẵng 2021); 1 tập tản văn (Chúng ta trong cõi lao đao - NXB Hội Nhà văn 2020) và 5 tác phẩm dịch thuật, biên soạn từ nguồn tư liệu nước ngoài (Bụi trong gió - NXB Đà Nẵng 2016; Bob Dylan-những hòn đá lăn - NXB Hội Nhà văn 2017; Bob Dylan-mai sau biết đến bao giờ - NXB Hội Nhà văn 2018; Yesterday-60 năm The Beatles - NXB Hội Nhà văn 2020 Aubade - NXB Hội Nhà văn 2021).

Không có nhận xét nào: