Mộc Nhân
Entry đầu tiên của năm Quý Mão – 2023
Bài đã đăng trên Tạp chí Đất Quảng Xuân Quý Mão – 2023 |
Năm con hổ đã qua, năm con mèo lại đến. Trong cái guồng quay vô tận của thời gian, dành cho mình một chút rảnh rỗi để nhàn đàm về chuyện con mèo cũng là một cách thư giãn sau mấy ngày tất bật cuối năm.
Mèo nhà từ một loài thú hoang dã đã trở thành thú cưng,
không chỉ đi vào cuộc sống vật chất của con người mà còn gắn với nhiều ý nghĩa
tinh thần, mang ẩn dụ sâu xa.
Ít có con vật nào mà lại “đa diện” như loài
mèo. Ở một con mèo, ta thấy vừa có những mặt tốt vừa có nhiều mặt xấu dường như
là đối nghịch nhau. Nó vừa giản dị, gần gũi lại vừa bí ẩn, ma quái. Nó vừa tượng
trưng cho sự từ tốn, hiền lành, đáng yêu nhưng lại là hình ảnh xấu về sự nhếch
nhác, lông bông, tinh ranh.
Dáng vẻ của một con mèo mềm mại, uyển chuyển nên được
gọi là tiểu hổ với bước đi, bước nhảy
nhẹ nhàng mà thoăn thoắt, êm ái mà dứt khoát. Giác quan của mèo thính nhạy, định
hướng tốt. Với dân gian, lợi ích trước tiên của mèo là bắt chuột, chính vì vậy,
mèo được nhìn nhận với thái độ yêu mến, bao dung vì nó có ích cho cuộc sống.
Từ đó, hình tượng mèo đi vào ngôn ngữ dân gian với những
ý nghĩa so sánh, ẩn dụ hết sức nhân văn, phong phú.
“Chó giữ nhà, mèo bắt chuột” như là điều hiển nhiên, ai
cũng có nghề nghiệp, công việc của mình. Vì vậy khi làm việc trong tập thể, đừng
có tị nạnh nhau hoặc tự đề cao mình theo kiểu “Mèo khen mèo dài
đuôi” bởi mỗi người đều có sở trường riêng của mình, chưa biết ai sẽ hơn
ai “Mèo nào cắn mỉu nào”. Mỗi người hãy biết liệu sức mình mà đảm đương
công việc: “Mèo nhỏ bắt chuột con”. Tài hèn sức mọn mà ham đảm trách việc lớn
thì chỉ chuốc lấy thất bại chẳng khác nào “Mèo vật đụn rơm”. Tuy nhiên “Mèo
con bắt chuột cống” cũng là việc làm đáng khen bởi người trẻ tuổi tài cao,
làm được việc mà nhiều người lớn làm không nổi. Nếu mỗi cá nhân làm tốt chức
trách của mình thì không ai nỡ xử tệ: “Mèo lành ai nỡ cắt tai” và khi mắc lỗi
có thể được bênh vực: “Mèo nào chẳng ăn vụng mỡ” hoặc cho qua bằng một lời nhắc
từ kinh nghiệm: “Chó treo, mèo đậy”.
Tuy nhiên, thật đáng ngạc nhiên khi nhận ra rằng, dù
là con vật cưng nhưng những ẩn dụ tiêu cực từ con mèo lại khá nhiều. Những ẩn dụ
ấy thể hiện thái độ của dân gian khi dùng mèo để nói về những khía cạnh khác
nhau của con người và cuộc sống.
Khi chỉ về vận may bất ngờ đến với kẻ nghèo hèn đang
túng quẫn nhân dân lấy hình ảnh “Mèo mù vớ phải cá rán”. Làm ơn cho kẻ có
thể hại mình chẳng khác nào “Chuột cắn dây buộc mèo”. Đặt trước mặt người
ta một thứ gì mà người ta đang mong muốn, thèm khát thì chẳng khác nào “Mỡ để
miệng mèo”.
Dân gian cũng mượn hình tượng mèo để nói về thái độ ứng
xử trong cuộc sống: “Mèo tha miếng thịt xôn xao/ Hùm tha con lợn thì nào
thấy chi” - để nói đến kẻ có quyền hành làm việc sai trái thì không sao,
trong khi kẻ dưới dù phạm lỗi nhỏ thì bị trừng phạt nặng. Thế nhưng khi quyền lợi
của các vị ấy bị xâm phạm thì chẳng khác nào “Hùm mất hươu hơn cả mèo mất
thịt”.
Mèo là con vật cưng nhưng khi trở thành “mèo
mù” trong câu “Chó gio mèo mù” thì nó tượng trưng cho những vật
vô giá trị, đần độn, ngu ngốc. Đôi khi những thứ ấy là thứ bỏ đi, lăn lóc,
không ai muốn nhận đến mức “Chó tha đi, mèo tha lại”. Cưng như vậy nhưng
khi nổi giận thì con người cũng “Chửi chó mắng mèo” hoặc “Đá
mèo, quèo chó” - trút bực tức qua những thứ khác. Vậy nên ai ở trong hoàn
cảnh khó khăn mới biết thông cảm “Có ăn nhạt mới thương tới mèo”.
Mèo còn được sử dụng trong những ví von về cách ứng xử
trong gia đình. Có câu ca dao: “Vợ quá chiều ngoen ngoẻn như chó con liếm
mặt/ Vợ phải rẫy tiu nghỉu như mèo lành mất tai” - khuyên các ông chồng
không nên nuông chiều vợ mà sinh hư nhưng cũng chớ hiếp đáp vợ quá mà gây bất
hòa trong gia đình.
Hình tượng con mèo còn tượng trưng cho những nét tính
cách con người. Khi nói về hạng người lang thang vô giáo dục thì dùng hình ảnh “Mèo
mả gà đồng” hoặc “Mèo đàng chó điếm ”. Thậm chí có khi bao hàm cả một
sự đánh giá “Mèo lành chẳng ở mả, ả lành chẳng ở hàng cơm”. Thật đúng là: “Mèo
hoang lại gặp chó hoang; anh đi ăn trộm gặp nàng bứt khoai”. Nói về
kẻ khôn ngoan, tinh ranh ma mảnh thì “ Mèo già hóa cáo”. Nói về kẻ hà tiện,
bủn xỉn quá đáng: “Buộc cổ mèo, treo cổ chó”; nói về hạng người vô giáo dục, đầu
đường xó chợ, chuyên làm việc xấu xa: “Chó khô, mèo lạc”; kẻ thấy lợi dễ bị cám
dỗ được so sánh: “Như mèo thấy mỡ”; trạng thái riêng tư được giấu kỹ thì ví
von: “Giấu như mèo giấu cứt” hoặc “Im ỉm như mèo ăn vụng”; hạng
người khi có lợi thì tận hưởng, khi lợi ích bị xâm hại thì “Lèo nhèo như
mèo vật đống rơm” để nài nỉ, xin xỏ; nài xin không được thì buồn rầu “Tiu
nghỉu như mèo cắt tai” hoặc thẫn thờ, ngơ ngác, tiếc rẻ đến mức “Lôi thôi
như mèo sổ chuột”; kẻ không thấy lỗi mình, mà chỉ thấy lỗi người: “Chó chê
mèo lắm lông”.
Trong công việc khi phải dùng một người trong một việc
không đúng với sở trường, khả năng của người đó thật chẳng khác nào “Không
có chó bắt mèo ăn cứt”. Vì vậy người nhận việc cũng phải liệu sức “Mèo cào
không xẻ vách vôi ” - trước khi làm việc gì phải tự lượng sức mình, cố gắng
cho lắm cũng vô ích. Phải biết chọn việc vừa với sức mình “Mèo nhỏ bắt chuột
con”. Còn làm việc không đến nơi đến chốn, chỉ giỏi ăn và khoe mẻ thì có
câu “Ăn như rồng cuốn, uốn như rồng leo, làm như mèo mửa”.
***
Có điều khác biệt trong văn hóa phương Tây khi người
ta quan sát và ứng xử với con mèo dưới góc nhìn là con vật cưng (pet) với nhiều
ý nghĩa tinh thần hơn là con vật có ích trong đời sống vật chất. Leonardo da
Vinci từng có một bức tranh mèo với chú thích: “Mèo là một kiệt tác”. Hình ảnh
chú mèo dụi mặt, nằm trong lòng chủ, được vuốt ve nâng niu luôn xuất hiện trong
các trạng thái biểu hiện tình yêu giữa người với vật. Ở những đất nước tôn trọng
phụ nữ và động vật, người ta nói với nhau: “Phụ nữ và mèo sẽ làm những gì họ muốn,
còn đàn ông nên quen với điều này”.
Mèo luôn mang lại các cảm hứng cho cuộc sống về sự
đáng yêu, thoải mái và kiệm lời; nhà văn Mark Twain viết trong một truyện ngắn,
rằng “Mèo sẽ có ân sủng hiếm có là không bao giờ nói quá nhiều”. Albert
Einstein được cho là đã viết “Có hai phương tiện để thoát khỏi sự khốn khổ của
cuộc đời - âm nhạc và mèo”. Nhà phân tâm học Sigmund Freud viết: “Thời gian
dành cho mèo không bao giờ là lãng phí” và thậm chí nâng lên: “Cách bạn cư xử với
những con mèo quyết định địa vị của bạn trên Thiên đường”.
Chuyện mèo dù ở phương Đông hay phương Tây, cổ hay kim
đều có đủ cả yêu - ghét, khen - chê, buồn - vui. Suy cho cùng, đó là sự phóng
chiếu đời sống qua đó mà có thể thấy được các khía cạnh của con người một cách
sâu sắc.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét