Mộc Nhân
Những cơn mưa cuối mùa mang theo rét lạnh làm co cụm cái hối hả của những ngày cuối năm. Đông vẫn còn bóng dáng đâu đây trong cái se sắt lạnh của miền Trung.
Cánh cửa của một năm cũ
đang từ từ đóng lại theo nhịp đếm ngược thời gian. Không chỉ là năm cũ đang qua
mà cả là những tháng ngày của chúng ta đã trôi đi nhanh như bóng ngựa vụt
qua cửa sổ để rồi mỗi người tự nhận ra những trải nghiệm của mình về con người
và cuộc đời.
Nguyễn Công Trứ thì ngạo
nghễ trước cái phù du của đời người: “Ba vạn sáu ngàn ngày là mấy/ Cảnh phù du
trông thấy cũng nực cười.”
Trịnh Công Sơn thì lại ngậm
ngùi: “Ngày tháng nào đã ra đi khi ta còn ngồi lại… Nhìn lại mình giờ đã xanh
rêu”…
Dầu sao thì bóng xuân
cũng đang hiển hiện khắp nơi trong cái màu xanh non của những luống cải bên bãi
bồi đang nở những cánh hoa vàng bé nhỏ.
Cánh cửa của lòng người
cũng đang mở ra rộng hơn bao giờ hết để đón hương xuân đang tràn về trong cả đất
trời. Hãy mở mọi cánh cửa của tâm hồn mình để đến với nhau. Và cũng hãy đóng những
cánh cửa của miên man tương lai để chiêm ngẫm những gì đã đi qua trong đời người.
Tôi đã đi qua một vòng “hoa
giáp” – đó là dấu mốc thời gian quan trọng trên chuỗi hành trình “ba vạn sáu”.
Cổ nhân nói “Lục thập nhi nhĩ thuận” nghĩa là qua sáu mươi tuổi là đã thấu hiểu
mọi sự, không còn nhìn đời theo kiểu chướng
tai gai mắt (thuận nhĩ) do nhận ra căn nguyên của mọi việc diễn ra xung
quanh và thấu tỏ nhân tình thế thái, nên dễ thông cảm và có thái độ khoan dung
hơn… và “thuận theo mệnh trời”.
Hôm nay, đứng từ cái mốc
này, tôi và bạn đều cảm nhận cho riêng mình lẽ phù sinh của cuộc đời. Với cha mẹ,
chúng ta vẫn mãi nghĩ về ân nghĩa sinh thành mà chưa báo đáp chữ hiếu trọn vẹn:
“Thưa ba mãi đến mai sau/ khói nhang nương bóng giữa màu phù sinh/ chúng
con phong vận điêu linh/ vô thường cũng trọn/ niềm vinh cõi người” (nguồn).
Với những người đạo cao đức trọng mà chúng ta tôn kính, họ đã thực hiện một phần của nghiệp đời “thiện mỹ” cho hậu thế. Với những người thân đã mất, chúng ta cảm thương cõi người ngắn ngủi, xót xa nhưng lại hiểu rõ lẽ tử sinh: “Qua Sông Thu sóng ngậm ngùi/ Những điều mộng mị buồn vui vô thường/ Nhịp chèo khua khoắng nhiễu nhương/ Có duyên không nợ bên đường trăm năm” (nguồn).
Và chúng ta, những người đang trong niềm vui cuộc sống, phía trước là mốc mới: “Thất thập nhi tùng tâm sở dục, bất du củ” (70 tuổi sẽ hoàn hảo về cách đối nhân xử thế, điều gì cũng thể hiện đúng với chủ tâm và không ra khỏi khuôn khổ (bất du củ: không phá vỡ khuôn khổ) thì nhịp gõ của chiếc đồng hồ đếm ngược vẫn đang còn ở phía trước, vốn thời gian của chúng ta đang cạn dần, dẫu vậy chúng ta vẫn đang theo đuổi một đam mê, một thú chơi, một công việc… thậm chí đôi khi lại mở ra nhiều quan hệ, nhiều trải nghiệm mới… Điều đó cũng tùy người.
Ngày hôm qua, cách đây 60
năm hay ít hơn, chúng ta đã gặp biết bao phiền muộn, khó khăn và cả thất vọng,
nhưng chúng ta vẫn có nhiều niềm vui, hạnh phúc và những nụ cười của niềm tin,
lòng kiêu hãnh. Trong ngần ấy thời gian, chúng ta đã luôn luôn lên tiếng, nỗ lực
để học tập, tu dưỡng, thực hiện đạo nghĩa trong khi vẫn mưu sinh và theo đuổi
những gì mình yêu thích.
Nhìn lại, có lẽ mỗi người
có niềm tự hào của mình. Những gì chúng ta đã làm được là minh chứng cho những
giá trị chân thực đó.
60 năm là một khoảng thời
gian khá dài đủ cho những phai nhạt, đủ để thay đổi những giá trị hay tạo ra
các giá trị mới nhưng tôi tự thấy mình đã không đánh tráo trong các giá trị
trong 2 công việc quan trọng, chiếm nhiều tâm trí công sức nhất là giáo dục và
văn nghệ. Tôi tự tin và khẳng định mình về điều đó dù đã đi qua cõi đời trên những
buồn vui.
Từ bùn lầy, lũ lụt, cằn
khô, nắng cháy... tôi vẫn giữ niềm tin một ngày thức dậy thấy tất cả đều đẹp đẽ
trên quê mình. Từ những nghịch ngợm học trò vô tư, hồn nhiên và thời trai trẻ
hoang du, phóng túng… tôi nhận ra ký ức mình khá dày, sống động và nhiều chất
liệu bản thể. Từ những yêu thương giữa người và người… tôi nhận ra trái tim
mình vẫn còn mới nguyên và đầy căn tính thiện. Từ căn cốt âm nhạc và văn chương
tôi nhận ra tậm hồn mình có đôi cánh thiên sứ bay đi trong tiếng đàn dương cầm
nhà thờ chiều chủ nhật. Từ những gì tôi căm ghét, xung đột… tôi nhận ra sự quyết
đoán, thái độ cương quyết có phần tàn nhẫn của người không đứng về phía mưu mô,
thủ đoạn – nói như Albert Camus: “Việc của người có suy nghĩ là không đứng cùng
phía với đao phủ” (It is the job of thinking people not to be on the side of
the executioners).
Những điều ấy là nhựa cây
để làm nên mùa màng, hoa trái cho cuộc sống, dù cây trái nào cũng có lúc bị sâu
bọ, cuộc sống nào cũng có bất toàn.
Tôi cũng đã từng bị thách
thức bởi nhiều bất đồng, những tổn thương nhưng không hề bị thách thức bởi những
khó khăn vật chất và khoảng cách thời gian, không gian, nghề nghiệp, tư tưởng,
chính kiến, tính cách… bởi tôi tôn trọng mọi người, nhất là tôn trọng sự khác
biệt ở họ.
Tôi không hoài phí những
gì đã làm cho não bộ và trái tim của mình trong suốt những năm tháng đã qua; những
điều ấy giờ đây đều lưu dấu và trở thành tri thức, kỹ năng, ký ức, tình yêu mà
tôi đang lưu giữ - với tôi, nó có ý nghĩa, có thể với bạn, nó chẳng là gì – sự
thật là vậy, bởi tôi đang viết để lưu giữ cho mình.
Tuy nhiên, sắp đến, tôi phải
vượt qua thách thức quan trọng nhất của chính mình là: sức khỏe. Đã tới mốc 60,
không ai nói trước được điều gì… trong một ngày bất chợt… Điều đó là hiển
nhiên, không có gì phải trốn chạy.
Người Anh có câu “Yesterday
is history, tomorrow is a mystery, and today is a gift ” (ngày hôm qua là lịch
sử, ngày mai là điều bí mật, và hôm nay là một món quà).
Sự hiện diện của tôi
trong cõi đời này là món quà Thượng Đế trao cho cha mẹ tôi nuôi giữ; là món quà
của những người thân của tôi… và biết đâu, tôi là món quà của em trong thời
gian và không gian nào đó…
Đứng từ mốc lục thập này,
ai có thể nói được điều gì xảy đến trong cái mốc thất thập tiếp theo.
Và tôi muốn mượn câu
trích của một nhà thơ người Mỹ, Robert Frost để nói một các ngắn gọn rằng: “Trong
ba từ, tôi có thể tóm tắt mọi thứ mà tôi học được về cuộc sống: nó vẫn hiện tồn”
(In three words I can sum up everything I've learned about life: it goes on).
-----------------
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét