1/7/24

3.192. NHÀ VĂN VÀ CHUYỆN ĐI BỘ

          Mộc Nhân 

Bài đã đăng trên Tc Đất Quảng số 235, tháng 7/2024

Dường như càng ngày càng có nhiều người chọn/ xem việc đi bộ, chạy bộ là một cách để thư giãn và cải thiện sức khỏe. Vậy, riêng với các nhà văn, liệu việc đi bộ có ảnh hưởng, tác động gì đến hoạt động sáng tác nói chung và chất lượng sáng tạo tác phẩm nói riêng hay không? Đây có vẻ là một câu hỏi hơi kỳ khôi nhưng lại khá thú vị. 

Mà, nói như Friedrich Nietzsche: “Tất cả những suy nghĩ thực sự tuyệt vời đều được hình thành khi đi bộ.” Bây giờ, hãy thử điểm qua hành trình đi bộ trong mối quan hệ với việc viết lách của các nhà văn nổi tiếng.

1. Trong cuốn “Triết lý đi bộ” (A Philosophy of Walking) của Frederic Gros (1), ông đã khám phá chân dung, tính cách và cuộc sống của những con người nổi tiếng được hình thành và gắn với  yêu thích đi bộ. Có thể kể ra vài tên tuổi:

Henry David Thoreau (2) viết tác phẩm nổi tiếng “Walden” (Một mình sống trong rừng), trong đó ông đề cập đến việc bản thân đã từng sống một cuộc sống đơn giản và gần gũi với thiên nhiên. Trong thời gian này, ông dành nhiều thời gian cho việc đi bộ ở những nơi hoang dã, ít người qua lại để viết nên nhiều tác phẩm về lịch sử, tự nhiên, xã hội học, lý luận về sinh thái học, văn học… Phong cách văn chương của ông là sự kết hợp của đi bộ quan sát thiên nhiên với việc tích lũy những kinh nghiệm cá nhân, sử dụng thành thạo ngôn từ mang tính hình tượng cùng với vốn hiểu biết của bản thân… Thoreau viết: “Tôi nghĩ rằng khoảnh khắc chân tôi bắt đầu cử động, thì suy nghĩ của tôi bắt đầu tuôn chảy”.

Frederic Gros cũng giải mã tính cách của Rimbaud (3), nhà thơ pháp, thường đi bộ khi xung đột, thịnh nộ với bạn. Đó là cách để ông giải tỏa trạng thái tâm lý và lấy cảm hứng để duy trì việc viết. Hành động này đã trở thành thói quen đi bộ để thư thái và sáng tác. Mặc dù sống một cuộc đời ngắn chỉ 37 năm, thời gian sáng tác ngắn nhưng Arthur Rimbaud đã đánh dấu một cột mới trong sự phát triển của thơ ca Pháp, trở thành một hiện tượng văn hóa đại chúng tại Pháp.

Nerval (4) - nhà văn, nhà thơ, dịch giả - là một nhân vật quan trọng trong thời kỳ chủ nghĩa lãng mạn Pháp. Thế giới tâm hồn của ông có thời kỳ rơi vào tình trạng hỗn loạn khi ông bị suy nhược thần kinh. Ông tự nhận thức bệnh trạng của mình và bắt đầu thực hiện việc đi bộ để chữa lành. Giai đoạn này ông viết cuốn “Les Filles du feu” (Những cô con gái của lửa), một tiểu thuyết về chủ đề bất ổn tinh thần và cuốn “The man who walked lobsters” (Người đi bộ ngớ ngẩn); đó là hai cuốn sách quan trọng gắn với câu chuyện đi bộ - sáng tác của ông.

***

2. Việc đi bộ mà chúng ta đang nói ở đây không hẳn là một môn thể thao. Thể thao là vấn đề của kỹ thuật và quy tắc, điểm số và sự cạnh tranh, đòi hỏi phải luyện tập  tư thế, động tác phù hợp. Rồi rất lâu sau, sự ngẫu hứng và tài năng xuất hiện. Thể thao gắn với tính điểm: thứ hạng, thời gian hoàn thành, vị trí trong bảng xếp hạng… và luôn có kẻ thắng người thua. Thể thao rõ ràng cũng có nghĩa là rèn luyện sức bền, tinh thần nỗ lực và kỷ luật nhưng chắc chắn nó không phải là trải nghiệm cho sáng tác. Khi những người đi bộ gặp nhau, họ cười và chào, chia sẻ những con đường để ngắm cảnh, những gì có thể nhìn thấy từ mỏm đất này hay mỏm đất kia.

Đi bộ là tự do. Đây là sự tự do tâm lý, thậm chí là một cuộc tản bộ ngắn đơn giản: trút bỏ gánh nặng đang đeo bám, quên đi công việc trong phút chốc để ra ngoài, dạo quanh, suy nghĩ về những việc khác. Với một chuyến đi bộ thành nếp tâm lý, tính cách, quá trình tự giải phóng được nhấn mạnh và những ý tưởng, cảm xúc mới được hình thành.

Bằng việc bước đi, bạn sẽ không gặp được chính mình, bạn thoát khỏi sự cám dỗ trở thành một ai đó, có một cái tên và một lịch sử.

Trong thế giới tràn ngập thông tin, nơi các giác quan bị kích thích gần 18 giờ mỗi ngày cùng nhiều áp lực sống và công việc thì tự tại, tạm thời tách mình ra khỏi không gian sống cũng là một cách để chữa lành, thanh thản tâm trí. Trong bối cảnh ấy, mỗi người có cách chọn lựa để giải tỏa, tìm cảm hứng cho riêng mình. Với các nhà văn, điều này rất quan trọng vì nó ảnh hưởng đến chất lượng sáng tạo trong các tác phẩm. Đi bộ cho phép chúng ta có thời gian để khám phá các ý tưởng, khám phá các khái niệm và nhận ra những sai lầm trong suy nghĩ mà không phải lo lắng về việc người khác nhận ra.

Nietzsche (5) là một người đi bộ thực sự. Trong cuốn “The Wanderer and His Shadow” (Kẻ lang thang và cái bóng), ông viết: “Ngồi càng ít càng tốt; đừng tin bất kỳ ý tưởng nào không được sinh ra trong không khí cởi mở và chuyển động tự do, say mê. Ngồi yên - thật sự chống lại Đức Thánh Linh.”

Khi viết cuốn sách trên, ông đã đi bộ một mình tám giờ một ngày. Nietzsche thường dừng lại để viết nguệch ngoạc vào những cuốn sổ nhỏ bằng bút chì. Toàn bộ cuốn sách đã được nghĩ ra và sáng tác trên đường đi.

Tất nhiên, đi bộ tạo ra những điều khác nhau đối với những người khác nhau.

Đối với Nietzsche, đi bộ không chỉ là thư giãn mà đó là nơi ông làm việc hiệu quả nhất. Còn Kant (6) thì đi bộ để trốn thoát khỏi công việc, để suy nghĩ về viết. Nietzsche và Kant đều quan tâm đến đi bộ, đọc và viết nhưng phong cách của họ hoàn toàn khác nhau. Nietzsche là một người đi bộ cừ khôi, không biết mệt mỏi, những chuyến đi bộ rất dài và nhọc. Ông thường ăn uống tiết kiệm, giống như một ẩn sĩ, luôn thử những chế độ ăn kiêng, tìm kiếm thứ ít gây khó chịu cho cái dạ dày mỏng manh của mình. Ngược lại, Kant ăn ngon miệng, thích uống rượu và ngồi nhiều giờ bên bàn ăn. Dù nắng hay mưa Kant vẫn đi bộ và luôn đi theo cùng một lộ trình, nhất quán đến mức hành trình xuyên công viên của ông sau này được gọi là “Con đường đi bộ của triết gia”.

Về tốc độ, nhiều người nghĩ rằng đi bộ nhanh là chìa khóa. Chúng ta được thúc đẩy để đến đích càng nhanh càng tốt. Ảo tưởng về tốc độ là niềm tin rằng nó giúp tiết kiệm thời gian. Tuy nhiên, đó là một phép tính được thực hiện như thể mỗi giờ trong ngày giống như một giờ trên đồng hồ, hoàn toàn bằng nhau. Nhưng sự vội vàng và tốc độ làm cho thời gian trôi qua nhanh hơn, và hai giờ vội vàng sẽ rút ngắn một ngày. Từng phút bị xé nát bởi sự chia cắt, nhồi nhét đến mức vỡ tung.

Nói đến triết gia đi bộ phải nhắc đến J.J. Rousseau (7). Ông nổi tiếng với hai tác phẩm "Bàn về khế ước xã hội" và "Emile hay về giáo dục". Nếu như “Bàn về khế ước xã hội” đã trở thành thánh kinh chính trị trong cuộc Cách mạng Pháp thì cuốn “Emile hay về giáo dục” chính là "tuyên ngôn giải phóng tuổi trẻ". Trong cuốn này, Rousseau đề xướng tạo ra mẫu người công dân tự do cho một xã hội dân chủ lý tưởng. Phương pháp giáo dục mà Rousseau đưa ra là đặt trẻ em trong mối quan hệ với xã hội và tự nhiên theo từng giai đoạn, giúp trẻ quen tự do, luôn tự chủ và hành động theo ý nó. Đặc biệt, trong một chương của cuốn sách, ông nhấn mạnh vai trò của đi bộ trong việc giáo dục thể chất và hình thành trí tuệ, nhân cách con người.

Nietzsche, Thoreau và Rousseau cho rằng chúng ta nên đi bộ một mình bởi khi đi bộ, điều cần thiết là tìm ra nhịp điệu cơ bản của riêng bạn và duy trì nó. Nhịp điệu cơ bản phù hợp là nhịp điệu phù hợp với bạn, tốt đến mức bạn không mệt mỏi và có thể duy trì nó trong nhiều giờ. Nhưng nó rất cụ thể và chính xác. Vì vậy, khi bạn buộc phải điều chỉnh theo tốc độ của người khác, đi nhanh hơn hoặc chậm hơn bình thường, cơ thể sẽ không theo kịp.

Murakami (8), nhà văn nổi tiếng người Nhật là người đam mê sáng tác nhưng ít ai biết rằng ông là người thích đi bộ và là một vận đông viên Marathon trong thời gian ông sống tại Mỹ. Ông từng tham cuộc thi Marathon Thành phố New York năm 2005. Tác phẩm ghi dấu lại điều này là cuốn “What I Talk About When I Talk About Running” (Tôi nói gì khi bàn về chạy bộ) là một cuốn sách mang tính khám phá vể những trải nghiệm chạy bộ và đi bộ dành cho cả những người hâm mộ cũng như cho các vận động viên tìm thấy sự hài lòng tương tự.

Murakami đã chia sẻ trong quyển sách rằng qua mỗi lần chạy hoặc đi bộ đường dài là mỗi lần ông có thể quay lại và ngắm nhìn con người bên trong tâm hồn của mình, để từ đó hiểu thêm về cuộc đời và mục đích sống thật sự của mình. Hành trình này song hành với viết lách và cả hai đều đòi hỏi sự kiên trì, sức bền và duy trì nhịp độ của người chạy - người cầm bút. Tất cả những quan sát trên hành trình đó đã trở thành những chất liệu văn học vô cùng quý giá trong các tác phẩm của ông bởi ông chạy hay đi vì muốn cảm nhận từng bước chân, từng cơn gió, khoảnh khắc tâm trí mở ra đón nhận mọi thứ từ bên trong lẫn bên ngoài. “Bạn đi bộ/ chạy bộ không phải để ai đó công nhận, mà cho chính mình, với tôi, cho cả việc viết lách nữa.”

Trong cuốn “The Art of Wandering” (Nghệ thuật lang thang), Merlin Coverly (9) nhìn vào lịch sử lâu dài của những nhà văn cũng là những người đam mê đi bộ, với ý tưởng rằng cả hai là một và giống nhau - một chuyến đi bộ vào nội tâm. Họ bỏ lại thế giới bên ngoài ở phía sau, để điều hướng trí tưởng tượng tốt hơn và từ từ dỗ dành tiềm thức tiết lộ một số bí mật của nó.

Tiểu thuyết gia Orson Scott Card (10) đã gợi ý rằng “nên dành thời gian đi bộ một giờ trước khi viết. Bạn có thể viết ít hơn một chút trong thời gian đã bỏ ra, nhưng bạn có thể thấy rằng mình viết tốt hơn.”

Nhiều nghiên cứu đều cho thấy sức mạnh não bộ thực sự tăng lên khi đi bộ - sáng tác, bản thân hoạt động này là một cách để tăng cường khả năng suy nghĩ của bạn về một vấn đề trong cốt truyện hoặc khám phá những bí mật sâu kín của nhân vật.

Đây vẫn là một trong số ít cách chúng ta thực sự có thể rời bỏ thế giới thực và tất cả những mối quan tâm của nó ở phía sau. Có điều gì đó về chuyển động thiền định của một chân trước chân kia cho phép tâm trí và cơ thể thư giãn và trôi dạt đến nơi nó muốn. Đi bộ còn được biết là có tác dụng làm giảm trầm cảm và căng thẳng, giải phóng tâm trí để khám phá thế giới tưởng tượng, tiếp cận những ý tưởng mới được chôn giấu trong tiềm thức.

Hemingway (11) thích đi bộ như một cách giải quyết các vấn đề trong bài viết của mình. Ông viết trong cuốn “A Moveable Feast” (Hội hè miên man): “Tôi thường đi bộ dọc theo bến cảng khi làm việc xong hoặc khi tôi đang cố gắng nghĩ ra điều gì đó. Sẽ dễ dàng hơn để suy nghĩ nếu tôi đang đi bộ và làm điều gì đó hoặc nhìn thấy mọi người làm điều gì đó mà họ hiểu.” Ông cũng xác nhận rằng hầu hết việc viết lách hoặc ý tưởng viết được thực hiện ở xa máy đánh chữ, khỏi bàn làm việc. “Tôi cho rằng nó xảy ra trong những khoảnh khắc yên tĩnh, tĩnh lặng, khi bạn đang đi bộ, cạo râu hay chơi game hay bất cứ điều gì, kể cả việc dắt chó đi dạo… mọi thứ đều tốt.”

Cadogan (12), trong bài tiểu luận “Walking While Black” viết; “Khi đi bộ, chúng ta thu hút thế giới và bản thân mình lại với nhau. Bằng cách này hay cách khác, tất cả các nhà văn đang đi bộ đều cố gắng đạt được sự hòa nhập giữa bản thân, kinh nghiệm và thế giới… Họ bước đi giữa ký ức và sự lãng quên, giữa ký ức và sự tha thứ trong những căng thẳng và giải tỏa khi viết lách cũng như khi sống.”

Vì vậy, sức khỏe thể chất của bạn không phải là điều duy nhất mà việc đi bộ mang lại. Bộ não của bạn cũng được tăng cường để giải quyết các vấn đề khó khăn hay khơi gợi các ý tưởng mới.

Nói một cách khôi hài theo kiểu Mark Twain (13): “Đi bộ cũng có thể làm cho con chó của bạn hạnh phúc.”

---------------

Chú thích: (Những chú thích dưới đây được tra cứu từ nguồn: wikipedia - en/vi.)

(1). Frédéric Gros (1965) là một triết gia đương đại người Pháp. Ông chuyên nghiên cứu về Michel Foucault. Cuốn sách nổi tiếng của ông có tựa đề “A Philosophy of Walking” (Triết lý đi bộ) - 2014.

(2). Henry David Thoreau (1817 - 1862), là nhà văn, nhà thơ, nhà tự nhiên học, nhà sử học người Mỹ. Ông là một trong những người đi tiên phong theo thuyết “Tiên nghiệm”  (transcendental). Tác phẩm của ông gồm hơn 20 tập sách về nhiều đề tài lịch sử, tự nhiên, xã hội học, lý luận về sinh thái học, văn chương.

(3). Arthur Rimbaud (1854 - 1891) là nhà thơ Pháp, một trong những người sáng lập trường phái phái thơ tượng trưng (Symbolisme), là nhà thơ có ảnh hưởng lớn tới văn học và nghệ thuật hiện đại.

(4). Gérard de Nerval (1808 - 1855), nhà văn, nhà thơ, dịch giả người Pháp, là một nhân vật quan trọng trong thời kỳ chủ nghĩa lãng mạn Pháp.

(5). Friedrich Wilhelm Nietzsche (1844 - 1900) là triết gia Đức. Ông bắt đầu sự nghiệp là một nhà văn nhưng về sau đi sâu vào phê bình, tôn giáo, đạo đức, văn hóa đương thời và triết học.  Nietzsche được xem là một nhân vật quan trọng có ảnh hưởng lớn trong triết học hiện đại với các thuyết hiện sinh (existentialism), chủ nghĩa hậu hiện đại (postmodernism), phân tâm học (psychoanalysis) và nhiều tư tưởng khác.

(6). Immanuel Kant (1724 - 1804) là triết gia Đức có ảnh hưởng lớn đến Kỷ nguyên Khai sáng. Ông được cho là một trong những nhà triết học có ảnh hưởng nhất từ trước đến nay. Quan điểm của Kant ảnh hưởng lớn đến triết học hiện đại, đặc biệt là đối với các lĩnh vực như nhận thức luận, đạo đức, lý luận chính trị và mỹ học hậu hiện đại.

(7). Jean-Jacques Rousseau (1712 - 1778), triết gia thuộc trào lưu Khai sáng có ảnh hưởng lớn tới Cách mạng Pháp 1789, sự phát triển của lý thuyết xã hội, và sự phát triển của chủ nghĩa dân tộc.

(8). Murakami Haruki (1949) là một trong những tiểu thuyết gia, dịch giả văn học người Nhật Bản được biết đến nhiều nhất hiện nay cả trong lẫn ngoài nước Nhật. Tác phẩm của ông đã được dịch ra khoảng 50 thứ tiếng trên thế giới. Murakami đã trở thành hiện tượng trong văn học Nhật Bản đương đại.

(9). Merlin Coverly (1967) là nhà văn, nhà nghiên cứu người Anh, là tác giả của bảy cuốn sách nghiên cứu về văn hóa, văn học, nghiên cứu tác giả. Hiện đang sống tại London.

(10). Orson Scott Card (1951) là nhà văn người Mỹ nổi tiếng với các tác phẩm khoa học viễn tưởng như “Ender's Game” (Trò chơi của Ender), “Speaker for the Dead” (Người nói cho người chết). Tiểu thuyết của Card thường kể về những nhân vật có năng khiếu đặc biệt, những người đưa ra những lựa chọn khó khăn. Card đã xuất bản hơn 50 tiểu thuyết và 45 truyện ngắn.

(11). Ernest Hemingway (1899 - 1961) là một tiểu thuyết gia người Mỹ, nhà văn viết truyện ngắn và là một nhà báo. Ông từng tham gia Chiến tranh thế giới I, sau đó được biết đến qua cụm từ "Thế hệ đã mất". Ông đoạt giải Nobel Văn học năm 1954.

(12). Cadogan (1965) nhà văn đương đại người Mỹ gốc Jamaica.

(13). Mark Twain (1835 - 1910) là tiểu thuyết gia và là nhà diễn thuyết nổi tiếng, sống và viết vào thời kỳ Nội chiến Hoa Kỳ. Ông được mệnh danh là “nhà văn khôi hài” bởi bút pháp trào phúng nổi tiếng. Tác phẩm của ông có tính chất châm biếm sâu sắc, miêu tả tâm lý khéo léo.

* References:

- Writinggandwellss

- fs blog

Dịch, tham khảo tư liệu và chú thích bởi Mộc Nhân 



 

Không có nhận xét nào: