Mộc Nhân
Đọc "Bàn tay mưa" – tập thơ, Nguyễn Chiến, Nxb Văn Học, 2024.
Nguyễn Chiến sinh năm 1956, quê quán: Vĩnh Điện, Thị xã Điện Bàn, Quảng Nam. Nghề nghiệp: giáo viên ngữ văn Trung học. Hội viên Hội VHNT Quảng Nam. Đã xuất bản: Hạt sương khi nắng lên (thơ, Nxb Văn học, 2012), Như cỏ dại như lá úa như cây xanh (thơ in chung, Nxb Văn học, 2015), Bàn tay mưa (thơ, Nxb Văn học, 2024).
***
Tôi nhớ đã đọc
câu thơ của nhà thơ Mỹ, Roger Miller: “Người này đi trong mưa, người kia bị ướt”
(Some people walk in the rain, others get
wet). Tất nhiên, đây không phải là câu thơ theo nghĩa đen mà nó có thể mở
ra nhiều khả năng ám dụ.
Ở góc độ thi ca,
nó là cảm thấu trong giao tiếp của ngôn ngữ giữa tác giả và bạn đọc. Nhà thơ âm
thầm sống, độc hành, khám phá, nắm bắt, chiêm nghiệm để rồi từ trong những hình
ảnh, thi liệu của mình; còn người đọc cảm hiểu, lắng nghe, rung động - dẫu đôi
khi chúng ta chỉ lướt qua nhau, nơi khoảng trống độc thoại.
***
Với ba tập thơ
đã trình làng: Hạt sương khi nắng lên
(2012), Như cỏ dại như lá úa như cây xanh
(in chung, 2015) và Bàn tay mưa
(2023), tôi nghĩ Nguyễn Chiến đã tạo nên một tính cách thơ – nơi có Những vết cắt, Khúc tình mưa, Ngày trái tim
lên ngôi… Và chắc chắn không phải người viết nào cũng có thể kết nối cùng bạn
những xúc cảm nằm ngoài biên độ của chữ.
Thường thì khi
có được tập thơ tặng hay mượn, mua tôi đọc luôn một hơi vì các bài thơ trong tập
là mạch suy nghĩ, là hơi thở, là sự liên tục không cho phép dừng lại - dẫu mỗi
bài là một văn bản độc lập. Tôi đọc Bàn
tay mưa – tập thơ mới nhất của Nguyễn Chiến cũng như thế.
Lướt qua những
câu thơ trong Trích đoạn giấc mơ, Phía
sau giấc mơ, Bàn tay mưa, Bay qua cơn mưa, Mùa hương, Phúc âm mưa, Góc mưa, Kí
ức mưa, Đêm mưa… tôi như được nghe những giãi bày, tâm tình, ký ức của nhân
vật trữ tình. Nơi không gian thơ bừng lên hình ảnh óng ánh, nồng thơm, hồn cốt
quê nhà: “rừng dừa dầm thân, tay xanh níu gió/ cánh diều liệng ngang trời/ sông
ngó hoài mây trắng/ đoạn cuối Thu Bồn và tôi sao cứ sóng” (Trôi về đây); có khi lặng thầm trong nỗi lòng đau đáu “ta vũng đầm
không đường ra biển/ một xác nắng trong mịt mùng mưa đêm” (Phía sau giấc mơ); hay bồi hồi một ký ức xưa xa “buổi mưa về/
trôi lại phía tôi con đường nhàu nhĩ dấu chân” (Ngựa Trắng); cùng với trạng thái ngây ngất “từ đỉnh tình rớt hạt/
mưa tình yêu thình lình/ mọc ngôi nhà hạnh phúc” (Ngôi nhà xây từ nóc) hay trong âm vang trằn trọc “những đêm mưa/
ngược chiều gió thốc/ khuya khoắt phận người/ tiếng mớ mê gầm cầu” (Kí ức mưa)…
Những câu thơ
như thế dẫu chưa phải tiêu biểu nhất nhưng nó giúp bạn đọc nhận ra các miền ký ức
cùng các trạng thái hoài cảm hiện tồn trong thơ anh.
***
Bất chợt, tôi nhận
ra hình ảnh mưa xuất hiện khá dày
trong Bàn tay mưa. Có thể đó là cảm hứng,
là ám ảnh, là ký ức, là món quà, là sự so sánh… mà anh lưu lại trong thi ca. Chẳng
hạn mưa xuất hiện trong một so sánh:
“Em là con sáo nhỏ/ Một ngày chưa sang sông/ Anh vờ quên chiếc áo/ Trên giậu
xưa tơ hồng/ Em thì thương đứt ruột/ Còn giả đò ngó lơ/ Gần nhau lòng đã nhớ/
Huống hồ xa lắc lơ/ Bây giờ em xinh thế/ Con mắt nhìn rất mưa/ Cuối con đường
mây tím/ Em thành cơn gió lùa” (Khúc tình
mưa).
Còn đây là mưa trong không gian đối thoại: “Sao
không có ngày tình cũ/ Cho người yêu xưa hẹn về/ Thắp lên trong lòng chút lửa/
Neo tình cuối nẻo sông mưa/ Thưở đó tình thơm mực tím/ Rưng rưng phượng nở bông
đầu/ Bước chân ríu niềm mơ nhớ/ Bây giờ lấm bụi về đâu” (Ngày tình cũ).
Tôi nghĩ mưa trong thơ Nguyễn Chiến không chỉ là
hình tượng, thi liệu mà còn là mã ký hiệu/ siêu ký hiệu (metasign) tồn tại trong không gian giao tiếp văn học – nói theo
nhà nghiên cứu văn học Lotman, nó là “phương thức lưu trữ, chuyển tải thông tin
được nén chặt và tiết kiệm nhất” để bắc một cây cầu nối liền mình với ký ức và
mở ra với bạn đọc.
Chẳng hạn với
câu thơ “tình yêu như chiếc lá rơi/ như luống hoa gặp tơi bời gió mưa” (Tết người yêu cũ) là một metasign do những kí hiệu nhỏ hơn như chiếc lá/ luống hoa/ mưa kết dệt tạo
thành để tác giả hình thành một diễn ngôn trong thơ mình.
***
Đôi khi chữ/ ý/
tình của Nguyễn Chiến lặng lẽ neo lại giữa “bước chân ríu niềm mơ nhớ” mà đối
thoại với chính mình trong những dẫn dụ hay dẫn dắt từ tình này sang ý kia: “tôi
đạo thơ từ núi đồi trên ngực em và cỏ xanh thung lũng/ bàn tay thon em
gieo xuống một chia lìa/ gió lưng chừng trời/ ly cà phê khóc/ tôi còn
lại đam mê ai hớt ngọn/ tôi đạo tôi ngơ ngác/ không biết đi đâu để trốn
nỗi buồn” (Đạo thơ). Chúng nằm ở những
tầng bậc khác nhau nhưng gắn bó với nhau tạo thành một thực thể có khả năng biểu
hiện thế giới cảm xúc một cách toàn vẹn.
Những câu thơ
như thế có thể khiến bạn và tôi bắt gặp thế giới tình tứ mà chúng ta chưa biết
hay nó trôi trượt qua trong khoảnh khắc vừa quen thuộc vừa lạ lẫm.
Khi đọc những
bài thơ anh đã viết trong hay ngoài bản thảo, tôi nhận ra cái không gian mà những
bài thơ ra đời. Trong đó vừa có dòng mưa mơ màng: “anh ước là hạt mưa/ rơi
nhầm vào vườn hồng nhà em/ xin trú lại đây một bận/ hóng em vào ra
em nói em cười” vừa có dòng mưa khắc khoải: “vui/ buồn/ mưa rơi/ cỏ mọc/ mà
sóng mỗi đợt mỗi khác/ dễ gì dỗ giấc bình yên/ muộn phiền cứ ngồi
đâu đó” (Trích đoạn giấc mơ); và
cả những gió mưa ngày quê cũ: “dòng kênh xanh đọng bóng chim/ bờ tre ngớp
gió mưa chìm cơn mưa/ máy cày lật lề thói xưa/ tình như cơm mới mẹ
vừa đơm cho/ những khi mưa tối câu hò/ con cò lửa thắp ước mơ cho làng”
(Làng tôi).
Tôi thích sự
lắng sâu của ký hiệu mưa trong thơ
Nguyễn Chiến. Nó phảng phất một nỗi buồn, một niềm day dứt, nỗi nhớ, tựa như
người bạn với những câu chuyện trải dài từ tuổi thơ đến hiện tại: “chỉ là chút
rêu chưa xanh trên nóc nhà phố cổ/ là con thuyền không mã lực rã rục tay chèo/ là
gả tình nhân già ngồi nhìn người yêu đi mất/ là con cắc ké say tàn mỏi mòn bóng
trẻ/ là kẻ lỡ tàu chiều cuối năm” (Thơ
viết cho mình).
***
Giọng thơ của
anh cũng khá độc đáo. Ngoại trừ những câu thơ hiển ngôn chỉ dấu tuổi đời, bạn đọc
khó mà nhận ra đây là giọng thơ của người thơ nằm ở mùa thu đời người – như
cách ẩn dụ của Hữu Thỉnh trong bài thơ Sang
thu là “hàng cây đứng tuổi”. Những câu thơ của anh vẫn trẻ như thuở anh viết
Hạt sương khi nắng lên (2012) hay trước
đó nữa và cả hiện nay trên mạng xã hội.
Dù thời gian có
làm thay đổi diện mạo nhân hình nhưng giọng thơ anh vẫn đẹp và đầy tình – tình yêu
cũng như mọi cái tình từ cõi lòng trải đến các góc đời.
Nhà thơ Phùng Tấn
Đông, trong một buổi sinh hoạt văn nghệ cho rằng, các tác giả lớn tuổi thường
có xu hướng làm trẻ, làm mới câu thơ của họ nhưng tôi nghĩ thơ anh vốn thế,
luôn thế - tươi trẻ và mới mẻ trong cái tình nguyên bản, tiềm ẩn. Nó như nguồn
năng lượng được tích trữ để tạo nên sức mạnh đến mức anh có thể đi bao xa tùy ý,
đổi mới tùy cảm hứng mà không cần phải tìm thêm nguồn cảm xúc khác. Nó là tính
cách, thể hiện cách nhìn trong sự phản chiếu của lăng kính đời sống để nhà thơ
viết nên những bài thơ đẹp như Những
người đẹp bước ra từ trang sách, Những vết cắt, Mùa hương, Vòng ôm…
Ít nhiều nó sẽ làm giàu cho chúng ta, bằng những mường tượng mới từ chuỗi khoảnh
khắc, có thể đi qua nó như tác giả đã từng: “Tôi đợi mãi ngày mưa trong nắng/ Bắc
chiếc cầu vồng/ Gặp em/ Sông ơi về đâu/ Tiếng gọi đò khản giọng/ Tôi đi dọc triền
sông/ Nhặt câu hò/ Ai bỏ quên” (Dòng sông
ngày xa).
Vậy nên, thơ nói
chung và thơ Nguyễn Chiến nói riêng không chỉ là độc thoại mà còn góp phần tạo
ra một đời sống thi ca mới ở bạn đọc. Nó hồi phục mối quan hệ giữa xúc cảm và
trải nghiệm dù đôi khi tác giả có sự mất cân bằng nội tâm nhưng vẫn luôn hàm
ngôn một cách điềm tĩnh, chan chứa nỗi
lòng, tự do chia sẻ và tiếp cận: “ngọn gió kể sầu/ cơn mưa kể khổ/ trăng già
rưng rức/…ta có cả bầu trời/mặt đất/ còn tìm mãi bóng chim ngày cổ sơ mây trắng/
và mắt em xanh khi vụn vỡ mặt trời” (Thơ
viết cho mình).
***
Câu thơ Nguyễn
Chiến giàu chất trữ tình với những ẩn dụ nhiều tầng bậc, những khoảng lặng,
trong dòng chảy liên tục của mạch nhịp. Nếu được xếp đặt bên nhau, chúng có thể
tạo thành chuỗi hình ảnh tiếp nối nhau như những giọt mưa trôi qua lòng bàn tay
mà vẫn đủ sức thuyết phục: “bàn tay mưa dịu dàng/ chai sần nốt giông nốt gió/ đứa
con khát tình già trong nôi/ em ru bằng vạt nắng/ bằng cánh gió lay bụi chuối
sau hè/ bằng hương bưởi/ hương ca dao thơm lạ thơm lùng” (Bàn tay mưa).
Yêu người tình,
yêu quê hương, yêu người thân không phải là cái gì riêng biệt chỉ có ở Nguyễn
Chiến nhưng nó thú vị ở mức độ đằm thắm, trong trẻo, những câu thơ không cần tạo
ra vấn đề để giải quyết hay giải thích. Nó bềnh bồng trên những ngọn triều cảm
hứng và liên tưởng dạt dào: “Ngày trái tim lên ngôi/ Tình yêu cứu rỗi/ Thưa với
em rằng/ Ngày ấy có xa không?” (Ngày trái
tim lên ngôi).
***
Thơ Nguyễn Chiến
không quá nặng về tân hình thức, nhưng - như trên đã nói, câu chữ và sự diễn đạt
vẫn luôn mới đủ sức “thách thức cái đọc nhân với niềm vui kiến tạo lớp người đọc
mới” (dẫn theo Hoàng Đăng Khoa). Nó tạo ra nhu cầu tiếp cận ở bạn đọc một
cách tự nhiên như giao tiếp với một tính cách - ở đó vừa cách tân vừa bình dị
như đời sống; vừa cồn cào vừa im lặng; vừa tự sự vừa trữ tình; vừa là ký ức cá
nhân vừa là tâm hồn cộng đồng trong những câu chữ thi vị, nguyên vẹn, tỉnh táo
và lặng lẽ: “em và sông/ đắp bồi, băng lở/ chảy bồi hồi nức nở/ chảy cồn cào dữ
dội/ em như dòng lửa/ reo đến tận cùng trong ta/ cháy âm ỉ đến tàn tro/ đi vào
em lạc mất lối về” (Em & dòng sông).
Tôi nghĩ mỗi nhà
thơ đều có bạn đọc của mình. Và nếu bạn thực sự là độc giả của Nguyễn Chiến thì
hãy đọc - dò tìm – trích xuất những câu chữ của anh và truy nguyên cội rễ đã tạo
ra nó để nhận ra cái tôi trữ tình của người viết trong “cánh dơi bay qua mười
thế kỉ/ nụ cười Chiêm nương/ thời gian chìm vào đá/ trôi về đây” (Đoạn cuối Thu Bồn).
Chính vì lẽ đó,
người viết trình bày theo sở đọc của mình nhưng không can thiệp vào trường cảm
xúc của bạn; bởi văn thơ luôn là diễn ngôn từ chủ quan của tác giả đến tâm lý
tiếp cận của bạn đọc.
Nhà văn Mỹ,
Ralph Waldo Emerson nói: “Mỗi người là một trích dẫn từ bản nguyên của mình” (Every man is a quotation from his
ancestors) phải chăng là muốn chúng ta truy cập vào ngay chính văn bản thơ
mà không qua lăng kính nào khác.
***
Với một tác giả
trải qua một đời với nghiệp chữ - dạy học, làm thơ, viết văn như Nguyễn Chiến –
thì tôi nghĩ “Không gì khó bằng viết dễ”.
Hay nói cách
khác, sự nghiêm cẩn với cái đẹp chữ nghĩa, không cho phép mình dễ dãi, là nỗi
nhọc nhằn của những tác giả có bề dày văn nghệ - mà anh cùng với thi ca của mình là một minh
chứng, một phẩm chất xác tín.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét