1/2/22

2.275. NĂM DẦN – CON HỔ

            Bài viết mở đầu năm Nhâm Dần/ 2022 trên trang Mộc Nhân



Dần là chi thứ ba trong “Thập nhị chi”. Đây là con vật có nhiều ấn tượng nhất trong 12 con giáp, người Bắc gọi là hổ, người Nam gọi là cọp; ngoài ra, dân gian còn dùng nhiều từ khác nữa để gọi con vật này như: hùm, ông ba mươi, chúa sơn lâm...  

Hổ (cọp) là loài thú dữ ăn thịt nên nói đến hổ ta liên tưởng đến sự hung dữ, mạnh mẽ - nên con vật nào mà dữ dằn đều gắn yếu tố hổ: rắn hổ, nhện hổ, cá đuôi hổ, người hung dữ gọi là hổ báo... Vẻ đẹp hình thức của hổ được nhà thơ Thế Lữ miêu tả khá cụ thể trong bài thơ Nhớ rừng - thiết nghĩ chỉ cần trích lại và không cần nói gì thêm:

"...Nhớ cảnh sơn lâm, bóng cả, cây già,

Với tiếng gió gào ngàn, với giọng buồn hét núi,

Với khi thét khúc trường ca dữ dội,

Ta bước chân lên, dõng dạc, đường hoàng.

Lượn tấm thân như sóng cuộn nhịp nhàng,

Vờn bóng âm thầm, lá gai, cỏ sắc,

Trong hang tối, mắt thần đã quắc,

Là khiến cho mọi vật đều im hơi.

Ta biết ta là chúa tể muôn loài,

Giữa chốn thảo hoa không tên, không tuổi..."

Trong tâm linh người Việt, hình tượng con hổ mang ý nghĩa như vị thần được nhiều nơi tạc hình tạc tượng để thờ cúng, trấn ma. Cọp có mặt trên các phù điêu bằng gỗ, đá, đồng, ở các đền đài, lăng miếu. Trong tín ngưỡng dân gian Việt Nam, cọp là con vật được tôn thờ từ lâu, tên của nó được thần hóa và được gọi là ngài, ông.

Trong thuật phong thủy người ta thích treo tranh hổ để tạo vẻ đẹp, thêm năng lượng cho không gian phòng ốc nhưng cần chú ý là không sử dụng tranh con hổ đang xuống núi bởi nó có ý nghĩa là đang tạo sự phá hoại và tàn ác.

Trong tử vi người ta ngại phụ nữ sinh vào năm cọp vì quan niệm cho rằng cọp hung dữ, sát phu… vì vậy phụ nữ tuổi dần dễ “ế”.

Thực tế, hổ là con vật quý được ghi vào sách đỏ để bảo vệ khỏi nạn tiệt chủng. Theo đồn thổi thì thịt hổ chữa được bá bịnh, tăng lực; xương hổ có vị thuốc nên dùng nấu cao hoặc dầm rượu; da hổ làm các sản phẩm mỹ nghệ cao cấp; vuốt hổ làm vật lưu niệm, vật phẩm phong thủy để trừ tà ma…

Con hổ đi vào đời sống tinh thần của dân gian qua kho tàng ca dao, tục ngữ. Dân gian thường mượn con Hổ để nói về sức mạnh, sự hung dữ cùng nhiều ý nghĩa ngụ ngôn khác trong đời sống như răn dạy, nhắc nhở, cảnh báo, mỉa mai… “Cáo mượn oai hùm”: dựa hơi người khác để lên mặt; “Chớ thấy Hùm ngủ mà vuốt râu”: không nên đùa giỡn, trêu chọc kẻ hung tợn; “Điệu hổ ly sơn”: tách kẻ mạnh ra khỏi môi trường lợi thế để dễ chinh phục; “Hổ phụ sinh hổ tử”: giống như cha nào, con nấy; “Hổ vằn ngoài da, người vằn trong bụng”: lòng người khó lường; “Miệng hùm gan sứa”: nói thì mạnh miệng, thực chất thì nhút nhát…

Trong nghệ thuật tạo hình, hình ảnh con hổ được thể hiện với những nét tạc oai phong dũng mãnh nhiều mỹ cảm. Tranh Đông Hồ có bức Ngũ Hổ được các nghệ nhân vẽ khá công phu trên bố cục cân đối, năm con năm màu sắc, mỗi con một tư thế nhưng rất đường bệ, oai phong, toát lên sức mạnh của chúa sơn lâm đồng thời gởi gắm ý nghĩa ngũ hành theo triết lý dân gian.

Tuy nhiên, vào năm Nhâm Dần 2022, có một sự kiện tạo hình trang trí xuân nơi công cộng khá thú vị là rất nhiều địa phương tạo hình con hổ cách điệu khôi hài – vừa gây cười, vừa phản cảm – tạo nên dư luận chê bai, giễu nhại trong cộng đồng.

Phải chăng con hổ rất khó tạo hình hay người ta cố tình bóp méo hình tượng nó vì mục đích nào đó…

***

Để kết thúc bài này, tôi bonus chùm “Haiku Cọp” lấy từ tục ngữ, thành ngữ và minh họa bằng những tạo hình con cọp khôi hài trên nước Việt trong những ngày qua.  

  

HAIKU CỌP - Mộc Nhân

 


1.

anh xỉa răng cọp

nó nhe răng

anh cười như mếu

 

2.

cáo mượn oai hùm

hùm đến

cáo đội vía thỏ

 


3.

mãnh hổ nan địch quần hồ

quần hồ nhe nanh

miệng hùm gan sứa

 


4.

thả hổ về rừng

dưỡng hổ di họa

hổ mọc thêm cánh

 


5.

không vào rừng sao bắt được cọp

rừng nào cọp nấy

đành điệu hổ li sơn

 


6.

khỏe như cọp nhưng cọp chết vì da

thông minh như người ta

người ta chết vì tiếng

 


7.

họa hổ họa bì

họa bất thành

hổ đội lốt mèo

 


8.

hổ sống nhờ thịt

ong sống nhờ hoa

người ta sống nhờ trí

 


9.

hổ vằn ngoài da

người ta vằn trong bụng


Bài viết có sử dụng tư liệu từ Internet và hình ảnh trên facebook

Mộc Nhân - Mồng 1 tháng Giêng/ Nhâm Dần.


 

Không có nhận xét nào: