19/2/22

2.299. RƠI MỘT NỐT TRẦM - Lê Trâm



  Tập bút kí – tản văn “Rơi Một Nốt Trầm” (Nxb HNV, 2021) của nhà văn Lê Trâm  đã đưa chúng ta đến các vùng miền Quảng Nam. Nơi đất đai quê xứ được anh khắc họa bằng ngòi bút tài hoa của mình.
   Lê Trâm không chỉ dẫn dắt chúng ta đến những địa điểm quen thuộc - nơi có thể bạn đã đi qua hoặc lướt qua mà chưa có dịp đặt chân đến cho một chuyến thăm thú - mà anh còn giải mã các địa danh, mô tả địa mạo… từ đồng bằng, duyên hải đến trung du, miền núi - nơi gắn với những câu chuyện tạo làng, lập ấp, văn hóa, phong tục, danh nhân, lịch sử… rất gần gũi, giúp chúng ta hiểu thêm về các miền quê xứ Quảng.
  Tôi thích thú với ý nghĩa của cái tên đẹp như Hà Kiều, những cái tên gắn với chuyện tích dân gian như Câu Lâu, những cái tên dân dã như Bà Rén, Mả Lạng, Gò Dê... mà anh đã dày công tìm hiểu và chia sẻ.
   Tôi yêu kính những danh nhân, chí sĩ, danh tướng đã viết nên các trang lịch sử, văn hóa trên quê hương: Hà Đình Nguyễn Thuật, Thủ Thiệm, Trần Cao vân, Trần Quý Cáp...
*** 
  Có thể gọi tập sách là cuốn “địa chí” – nhưng là "địa chí" được viết theo phong cách văn chương của một cây bút lão luyện xứ Quảng. 
  Cách viết nhẩn nha như những chuyến điền dã của anh; tỉ mẩn như cách anh quan sát phát hiện và nhẹ nhàng như cách anh nói chuyện với chúng ta – vui vẻ, thấm thía và ý nhị.
   Lời văn phóng khoáng, tự do kết hợp giữa tả, kể với thuyết minh và biểu cảm... mang đến cho bạn đọc những cung bậc cảm xúc khác nhau từ chất văn trữ tình của anh. Chuyện đất chuyện người tuy đã cũ nhưng anh viết lại khá tự nhiên, tươi mới; chi tiết nhiều nhưng được anh chắt lọc, cân nhắc để khỏi loãng tan sự theo dõi của người đọc.
***  
  Đọc xong tập sách, dường như nó kích hoạt trong tôi cái máu dịch chuyển và tôi tự hẹn với mình sẽ lần hồi đi đến mục sở thị các xứ sở mà mình chưa qua hoặc đến để thăm lại – được khơi gợi từ “Rơi Một Nốt Trầm”: Xứ Tiên, Lộc Yên, Hội An, Mỹ Sơn, Thăng Hoa, Thu Bồn, Bàn Thạch...
  Cảm ơn anh đã tặng sách dù trong một tâm thế dường như là vội – đến vội, trao vội và nhìn dòng chữ viết tắt trên câu đề tặng, tôi biết anh cũng... vội.
  Dịch dã mà, thế là quý rồi.
  Chúc anh sức khỏe cho những thai nghén văn nghệ mới.
  Mộc Nhân

***
  Tôi trích đăng lại một tản văn trong tập sách trên: 

   HỘI AN, RƠI MỘT NỐT TRẦM - Lê Trâm



  Một buổi chiều trước ngày "stay home - ai ở yên đấy", giữa mùa dịch, tranh thủ chạy xe máy rảo một vòng quanh khu phố cũ Hội An. Cảm giác thật lạ như đang rơi vào một Hội An nào khác - lạ và khó hiểu, khó nhận ra sự thay đổi vô cùng đột ngột.
  
  Không còn cảnh xe cộ dập dìu hay cảnh người chen vai thích cánh chụp hình nữa. Tất cả trống trơn như gặp một bước hẫng hụt, bước nhầm vào khoảng không. Những quầy bán vé, những chốt kiểm tra du khách đã được dỡ đi. Những điểm tham quan nổi tiếng đã kín cổng then cài. Các cửa hàng khép kín cửa, thi thoảng mới chợt hiện ra một cửa hiệu cửa còn khép hờ nhưng có vẻ chỉ dành cho chủ tiệm. Vài chiếc xe máy ai đó đang chạy loăng quăng trên đường. Vài bạn trẻ tranh thủ thành phố vắng vẻ để chụp ảnh. Tha hồ chọn các góc chụp mà chẳng sợ vướng người.
  
  Bất ngờ gặp anh bạn trẻ, là nghệ sĩ nhiếp ảnh nổi tiếng đang săn ảnh trên một góc phố đầy nắng. Đường phố Hội An như trở lại mấy chục năm về trước - thời có tên gọi "thành phố dưỡng già". À không phải, như là Hội An của hơn trăm năm trước. Mà cũng không phải, là Hội An của đêm giao thừa xưa xa nào đó. Một Hội An thật khác. Vắng. Buồn. Trống trải. Lạ. Khó hiểu… Rất hy hữu khi bắt gặp cảnh ông già chủ nhân của một bảo tàng nổi tiếng về Hội An đang thong thả ngồi hóng mát trước hiên nhà. Thêm một ông già nữa - chắc là bạn của chủ. Xa một chút, nơi ngã tư trung tâm thành phố, một cặp đôi trẻ đang mải miết chụp ảnh. Có vẻ như họ chẳng thèm vội. Tôi chờ mãi, để tránh bóng người hòng chọn để chụp ảnh một cảnh phố vắng cũng phải chờ rất lâu. Tôi loanh quanh với "các tên tuổi" một thời của Hội An xa xưa. Như chưa có gì thay đổi. Nhà Tấn Ký, hiệu La Thiên Thái, tiệm ảnh Vĩnh Tân, nhà Triều Phát, hiệu sách Bình Minh… Rồi bến đò Bạch Đằng, giếng chợ, chùa Cầu, chùa Phước Kiến, chùa Ông … Vắng đến rợn. Như vừa trải qua một mùa dịch nào đó trong các tác phẩm văn học chứ không phải đang chờ những biến đổi quái dị của một mùa dịch lạ, đến cái tên cũng phải thay đổi nhiều lần mà cơ hồ chưa chắc đã ổn, đang chập chờn đâu đó.
  
  Sông Hoài ngày nào dập dìu du thuyền chen lẫn bao nhiêu ghe chèo, trôi mải miết, bây giờ chỉ còn những mái chiếc ghe nhỏ nhắn nằm gác mũi lên mép bờ trông thật buồn. Trên cây cầu nhỏ bắc ngang sông nối khu phố cũ với khu chợ đêm chỉ có hai cô học trò trung học trong chiếc áo dài trắng muốt đang mải miết chụp ảnh cho nhau, những shot ảnh độc đáo có lẽ chẳng bao giờ lặp lại trong đời hai cô bé. Bỗng nhớ tên một cuốn sách của anh bạn trẻ quê gốc nơi này: "Đừng hôn ở Hội An", truyện ngắn và tạp văn của Đinh Lê Vũ. Nhưng hình như người ta bảo đừng hôn vì… "chuyện khác", không phải vì đang mùa dịch. Bây giờ chắc có người bảo phải đọc sách theo một kiểu khác!

  Đứng bần thần bên con dốc nho nhỏ ngược lên chùa Cầu cứ nghĩ vẩn vơ mãi. Lòng thiết tha mong đây chỉ là một nốt trầm hiếm hoi buồn bã vọng lên từ một nơi chốn quyến rũ như Hội An. Một nốt trầm rời và ngắn ngủi...

  Chỉ là một nốt trầm thôi. Ở Hội An.

 Lê Trâm - sách đã dẫn trang 126-128

Không có nhận xét nào: