Nói đến hoa xuân là người ta nhắc ngay đến hoa mai, hoa đào. “Đào bắc, mai nam” - câu thành ngữ cho thấy sự đối xứng quan trọng của hai loài hoa này trong tâm thức thưởng xuân của người Việt. Ở miền nam, ngày Tết không thể nào vắng bóng hoa mai cũng như cành đào phương bắc. Mai có vị trí quan trọng trong đời sống văn hóa tâm linh người Việt nói chung, người Nam nói riêng và nó trở thành loại cây cảnh đặc thù mà muôn hình muôn vẻ.
Nhân dân ta đã huyền thoại hóa cây mai bằng một truyện cổ theo mô-típ quen thuộc: Ngày xưa có một cô gái tên Mai con một người thợ săn giỏi. Năm lên mười bốn, cô gái đã được cha dạy võ nghệ tinh thông. Lúc ấy có một con yêu tinh đến quấy phá làng, hai cha con giết được yêu tinh, từ đó danh tiếng của hai cha con vang dội khắp nơi. Năm sau, lại một con xà tinh xuất hiện ở một vùng nọ và dân làng đến khẩn khoàn hai cha con đi giết yêu tinh. Người cha đã già yếu nên một mình cô gái lên đường. Trước khi đi, người mẹ may cho cô một bộ đồ gấm màu vàng để khi cô gái trở về mẹ và dân làng nhìn thấy cô từ xa. Cô gái tìm và hạ được xà tinh nhưng trước khi chết, con yêu rắn đã vùng dậy dùng đuôi quấn và xiết chết cô gái. Cảm thương trước tấm lòng hiệp nghĩa của cô gái cũng như sự khóc lóc van nài của người mẹ tội nghiệp nên ông Táo đã khẩn khoản xin Ngọc Hoàng cho cô gái được sống lại và trở về với gia đình trong những ngày xuân. Vậy là cô gái hóa thân thành một cây có hoa vàng bên mọc bên ngôi miếu mà người dân đã lập nên để cúng bái cô. Cây trổ hoa vàng suốt những ngày xuân. Từ đó dân làng lấy tên cô gái đặt cho cây hoa ấy là cây hoa mai. Rồi người ta chiết nhánh mang trồng khắp nơi để trừ tà đuổi quỷ, mang lại may mắn cho gia đình mỗi độ xuân về, tết đến.
***
Trồng mai và tục chơi mai ngày tết lâu dần đã trở thành nét văn hóa đẹp của người Việt Nam. Tết đến xuân về, bên cạnh “Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ/ Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh” thì nhành mai vàng tươi ở miền Nam hay cành đào thắm xứ Bắc là không thể thiếu vắng.
Mai là một trong “tuế hàn tam hữu” (ba người bạn trong cơn giá rét) gồm tùng, trúc và mai - vào ngày đông tháng giá, trong khi các loài cây khác đều rụng lá co ro thì riêng tùng, trúc vẫn xanh tươi và mai vẫn ươm nụ chờ xuân.
Từ cuối đông sang đầu xuân, hoa mai nở trước tất cả các loài hoa khác, vẻ đẹp của mai thường được gói gọn trong mấy đặc điểm: dáng vẻ thanh cao (Mai cốt cách - Nguyễn Du), sắc hoa rực rỡ, hương thơm đậm đà quyến rũ (Muôn cánh mai vàng muôn cánh bướm/ Tưng bừng yến tiệc nào làng hoa - Đông Hồ).
Mai xứng đáng được tôn vinh là “Bách hoa khôi” (đứng đầu trăm loài hoa) vậy nên người xưa gọi bảng yết tên những người đỗ đầu trong kỳ thi Hội là “bảng mai”.
Trong văn hóa phương Đông, mai mang nhiều giá trị biểu trưng. Cùng với các loài tùng, trúc, cúc – mai tượng trưng cho bốn mùa (tứ quý), đồng thời mang ý nghĩa ẩn dụ về cốt cách của người quân tử nên cũng được xem là một trong “tứ quân tử”. Tùng tượng trưng cho mùa đông, cây mọc trên núi cao, hoặc nơi khô cằn, chịu sương gió, giá rét nên thể hiện sức sống bền bỉ. Cúc tượng trưng cho mùa thu, là loài hoa như kẻ sĩ ẩn dật (Cúc hoa chi ẩn dật giả dã), có chí khí quân tử - hoa tàn nhưng không rụng, chỉ rũ trên thân của nó. Trúc tượng trưng cho mùa hạ, là loài cây có thể sống nơi khô cằn, quanh năm xanh tốt, dáng đứng thẳng - biểu tượng mạnh mẽ, trường thọ, kiên cường. Mai tượng trưng cho mùa xuân, thể hiện sự thanh khiết, cao quí, sang trọng - những đức tính cao thượng, khí tiết của bậc chính nhân quân tử.
Hình tượng hoa mai đẹp đẽ cao khiết là thế nên Cao Bá Quát một đời tang bồng ngang dọc chọc trời khuấy nước, không vì công danh mà chịu quì gối cúi đầu đã gói gởi chí khí của mình trong một câu đối nổi tiếng: “Thập tải luân giao cầu cổ kiếm/ Nhất sinh đê thủ bái mai hoa” (Mười năm giao du tìm cổ kiếm/ Một đời chỉ cúi đầu bái hoa mai). “Nhất sinh đê thủ bái mai hoa” có nghĩa là ông đã chọn cho riêng mình một lý tưởng thiêng liêng cao cả, suốt đời dốc lòng hiến dâng cho cái đẹp, cho điều thiện.
Thơ văn ông bàng bạc ánh trăng thanh và lấp lánh sắc mai vàng từ một tình yêu thiên nhiên, trăn trở cõi nhân sinh, mơ ước về một xã hội tươi đẹp, đầy xuân sắc: “Đầu non nắm hạt mai gieo/ Giống thanh gửi chốn núi đèo xanh tươi/ Nữa mai xuân điểm bầu trời/ Bức tranh tuyệt tác cho người xem chung” (Tài mai- Cao Bá Quát- Hoàng Tạo dịch).
Chắc chắn rằng khi nói đến mùa xuân và hoa mai, không thể không nhắc đến bài kệ “Cáo tật thị chúng” (Có bệnh bảo mọi người) của Thiền Sư Mãn Giác (1052 - 1096):
“Xuân khứ bách
hoa lạc
Xuân đáo bách
hoa khai
Sự trục nhãn
tiền quá
Lão tùng đầu
thiện lai
Mạc vị xuân
tàn hoa lạc tận
Đình tiền tạc
dạ nhất chi mai”
(Xuân đi trăm hoa rụng
Xuân đến trăm hoa cười
Trước mắt việc đi mãi
Trên đầu già đến rồi
Đừng bảo xuân tàn hoa rụng hết
Đêm qua sân trước một cành mai)
Ông nhìn thời gian trôi, sự vật sinh diệt bằng tâm thiền
định, hòa nhập với chân như, an nhiên theo vòng sinh hóa vũ trụ mà thị
chúng. Trong cái tàn phai của hoa xuân lại ẩn hiện mầm sống mới. Thiền sư không
nói nụ hoa sắp nở mà chỉ nói đến một cành mai đang hấp thụ, chắt lọc
tinh túy của đất trời để tồn tại và chờ mùa mới. Đồng cảm với Mãn Giác, Thiền
sư Chân Không (1046 – 1100) cũng mượn hoa để nói về Diệu Đạo:
“Xuân lai xuân
khứ nghi xuân tận
Hoa lạc hoa
khai chỉ thị xuân”
(Xuân đến xuân đi tưởng xuân hết
Hoa tàn hoa nở vẫn hoàn xuân).
Hoa mai còn là nguồn cảm hứng cho những văn nhân thi
sĩ gởi gắm vào đó những tâm tình của mình. Lô Đồng (thời nhà Đường) đã sáng tác
bài “Hữu sở tư” nhìn hoa
mai mà liên tưởng đến người mình yêu nhớ:
“Mỹ nhân hề! Mỹ
nhân
Bất tri mộ vũ
hề! Vi triêu vân
Tương tư nhất
dạ mai hoa phát
Hốt đáo dông
tiền nghi thị quân”
(Người đẹp này! Người đẹp
Bây chừ là mưa chiều hay mây sớm
Một đêm nhớ nhau, mai nở hoa
Trông thấy hoa trước cửa sổ, ngỡ bóng nàng).
Nguyễn Trãi có bài thơ "Vịnh cây mai già" (Trong Quốc âm thi tập) mượn cây mai để chiêm nghiệm lẽ đời: “Đêm có mây nào quyến nguyệt/ Ngày tuy gió chẳng bay hương/ Nhờ ơn vũ lộ đà no hết/ Đông đổi dầu đông hãy một đường". Mang cốt cách hoa mai, phẩm chất của bậc quân tử, không cúi đầu nên cuộc đời ông gặp thăng trầm, bi kịch.
Năm
1942, sau khi thoát khỏi nhà tù Tưởng Giới Thạch, Bác Hồ cũng tức cảnh
viết bài thơ “Thướng sơn” (Lên
núi), trong đó xuất hiện hình ảnh một cành mai:
“Lục nguyệt nhị
thập tứ
Thướng
đáo thử sơn lai
Cử đầu hồng nhật
cận
Đối ngạn nhất
chi mai.
(Hai mươi tư tháng sáu
Lên ngọn núi này chơi
Ngẩng đầu mặt trời đỏ
Bên suối một nhành mai).
Bài thơ đậm chất Đường thi, như một bức tranh thuỷ mạc
với nhiều hình ảnh ẩn dụ tạo nên chiều sâu của tứ thơ. Đặc biệt là hình ảnh một
nhành mai – mở ra cái nhìn lạc quan của người chiến sĩ cách mạng sau bao
năm tháng gian khổ.
***
Mai không chỉ có ở Việt Nam mà sinh trưởng ở nhiều
vùng trên thế giới với nhiều chi loại, đôi khi có những đặc điểm sinh trưởng
khác nhau. Có loại mai hoa năm cánh nhưng cũng có loại mai nhiều cánh; về màu sắc
hoa mai thường có màu vàng nhưng cũng có loài mai hoa trắng gọi là bạch mai hay
bạch khê, mai khê; đây là một loài mai quí hiếm. Sái Thuận - đỗ tiến sĩ,
làm quan thời Lê Thánh Tông, trong nhóm “Tao
đàn Nhị thập bát tú” có bài thơ “Bạch mai” nói lên được sự thanh cao của
loài mai trắng:
“Băng thu bất
thụ hồng trần uyển
Tố chất năng
hàm bạch ngọc tu”
(Phong tư như băng tuyết chẳng nhuốm bụi hồng
Phẩm chất ẩn chứa vẻ thẹn của viên ngọc trắng).
***
Hoa mai tượng trưng cho cái đẹp. Con người yêu hoa mai
không chỉ là yêu một loài hoa, giữ gìn một phong tục trong đời sống văn hóa, mà
ẩn sâu bên trong là sự hướng về cái đẹp. Con người sẽ mãi mãi kiếm tìm cái đẹp
vì “Cái đẹp nâng đỡ con người”
(Dostoievski).
------------------------
Bài viết đã xuất bản trong sách "Chúng ta từ cõi lao đao" (Nxb HNV, 2020) và đã đăng trên một số Báo và Tạp chí.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét