Mộc Nhân
Nguyễn Vĩnh đã có trong tay hai tập thơ: Chiền chiện hót trên đồng cỏ - 2019, Những mùa trăng thao thức - 2023 và tập
truyện ký Mùa hoa bỏ lại – 2020.
Hơn nửa đời cầm bút, ba tác phẩm là không nhiều nhưng
bạn đọc nhận ra thế giới trữ tình trong thơ anh có sự đồng hiện của nhiều cái
tôi: cái tôi người lính và cái tôi nghệ sĩ.
Cũng cần nói thêm rằng Nguyễn Vĩnh có một thời gian
dài là lính chiến trường K nên chất lính đi vào thơ anh là điều dễ hiểu. Sự
phân định chất lính và chất nghệ sĩ trong anh chỉ là cảm thức tương đối. Tôi
nghĩ cả hai điều đó gắn vào nhau, thể hiện những trạng thái tinh thần thẩm mỹ
trong những dòng thơ khá rõ rệt. Hay nói cách khác, cả hai ẩn chứa những giao cảm,
vẫy gọi trong những bài viết của thi sĩ.
***
Khi nói đến thơ
người lính, tôi chỉ muốn nói đến việc tác giả từng là người lính và thơ có
chất trận mạc gắn với nhiều ký ức chiến trường. Đó không phải là khía cạnh loại
hình mà chỉ là một góc nhìn về tác giả.
Tôi muốn đọc Nguyễn Vĩnh ở góc nhìn ấy.
Đọc thơ Nguyễn Vĩnh có thể nhận ra những chất lính
trong thơ anh hiện ra khá mềm mại. Vậy nên thế giới nghệ thuật trong thơ anh ít có máu lửa,
chết chóc mà dường như nó được khơi mở, dẫn dắt từ những ký ức trữ tình gắn với
quê nhà: “Mùa thu ngậm sương một mình tự sự/ bỏ chuồn chuồn ớt nhỏng nhảnh bờ
ao/ ngày ấy mang theo phượng và em/ mũ tai bèo xanh lá/ ngồi đếm viên đạn bay
qua bay qua/ đếm những vì sao theo chồng lòe sáng/ tuột tay bỏ lại mùa hoa/ Tôi
đi làm lính cô gái thành vầng trăng xa/ em theo chồng trăng tôi mẻ nửa/ mùa hoa
lãng quên đôi khi đau dao cứa/ khắc vào bâng khuâng mười sáu trăng đầy” (Thơ cho tháng chín).
Những hội tụ làm nên dòng thơ trận mạc của anh hôm nay
bắt nguồn từ quá khứ bình yên kết nối với hiện tại nghiệt ngã, ngột ngạt, quay
quắt mà đầy suy tư: “Lính cao điểm đội nắng/ khói đạn…và bụi/ khát quay quắt
khát/ trầy trụa đêm trôi về phía hôm qua/ trẻ trung trái tim nói lời ngược lại/
Người lính chợt nhớ về mùa xuân/ đâu đó triền sông/ nhà ai hoa cải trổ ngồng/ Lính
cao điểm buồn vu vơ/ cười vu vơ/ sau tràng pháo nện chày tư giã gạo/ thương tiếng
chim tu hú/ chim “bắt cô trói cột” bay bổng biệt ngàn/ Chẳng còn nghe lời đắm
đuối gọi mùa/ gọi em/ cột trói đời nhau dâu bể” (Cao điểm).
Dòng cảm xúc trong thơ Nguyễn Vĩnh lan thấm vào bạn đọc
khiến chúng ta đồng cảm với nỗi buồn, sự cô đơn, lạnh lẽo của cái tôi trữ tình
trong thơ…
(Trích tiểu luận về thơ Nguyễn Vĩnh).
Giới thiệu hai bài thơ trong tập Những mùa trăng thao thức – Sách sắp xuất bản, 2023 - Nguyễn Vĩnh
TÌM NHAU
Trong những hạt
sương ngọn cỏ
Hạt nào là mắt
bạn tôi?
Hỏi triệu vì
sao xa xôi
Thương nhớ ai
sao nhấp nháy?
Trời Đại Thắng
xanh tháng bảy
Sông Thu trôi
giữa hai quê
Viên đạn gọi
tên gò Quy, gò Sặc
Trận ấy nhiều
đứa không về
Để lại tiếng
rên khẽ trước hôn mê
Máu chảy cạn
trọn niềm
thiêng liêng Tổ quốc
Tuổi mười tám
non như dảnh mạ
Môi thơm mực
tím học trò
Khói hương bay
tàn tro bay
Vẽ vào hư vô
dòng sông mải miết
Réo giữa đôi bờ
lau trắng bạc
Chảy xiết một
phía tìm nhau
ẨN NGỮ GIÓ
Xào xạc bẻ
cong ngàn cây
lãng du qua số
phận đời người
cúi nhặt hạt
sương ngọn cỏ
nhẹ nâng chiếc
lá vàng rơi
những ngọn gió
của mùa
vun vút đau
roi quất
lúc dịu dàng
ngọt mật
xôn xao cười
lúa xuân con gái
mẩy ngọt núm
cau dậy thì
gió thổi dạt tứ
phía buồn chia ly
rẽ ngôi lộc
non thấy đầu điểm bạc
tháng giêng em
tím xoan ngơ ngác
thơm trải lối
đường quê
quãng lặng dọc
bờ ký ức trôi về
lăn lóc nắm
cơm mép hào công sự
rin rít xích
tăng, văng ra con chữ
níu mùa xuân,
khét lẹt gió nồm lên
những ngọn gió
nhẹ thênh
nâng bổng linh
hồn cát bụi
giọt nước mắt
ngậm ngùi
gió không thể lau khô.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét