7/5/23

2.761. REVIEW LÝ SƠN

  Mộc Nhân

 Vài review ngắn nhân chuyến đi Lý Sơn - tháng 5/ 2023
để lưu niệm cá nhân và chia sẻ.

Lý Sơn là một huyện đảo nằm về phía đông bắc tỉnh Quảng Ngãi, cách đất liền 15 hải lý. Lý Sơn gồm 2 đảo chính: đảo Lớn (Lý Sơn, hoặc gọi cù lao Ré) và đảo Bé.


Trước đây, Lý Sơn được gọi là Cù lao Ré, vì nơi đây có nhiều cây ré. Hòn đảo là vết tích còn lại của một núi lửa với 5 miệng, được hình thành cách đây khoảng 25-30 triệu năm do sự phun trào nham thạch của núi lửa. Hiện nay trên đảo có 5 hòn núi đều là chứng tích của núi lửa đã phun trào. Sự phun trào và tắt đi của núi lửa đã tạo nên những cảnh quan thiên nhiên kỳ thú trên đảo. Chúng còn trải trên bề mặt đảo ở phía nam một lớp đất bazan màu mỡ thích hợp cho nhiều loại cây trồng, đồng thời còn tạo nên những rạn đá ngầm là điều kiện tốt cho các loài thủy tộc sinh sống. Năm ngọn núi là nguồn giữ các mạch nước ngầm chính cung cấp nguồn nước cho toàn bộ người dân trên đảo.



Vào nửa đầu thế kỷ 17, Chúa Nguyễn tổ chức Hải đội Hoàng Sa lấy người từ xã An Vĩnh, huyện Bình Sơn, phủ Quảng Ngãi ra quần đảo Hoàng Sa thâu lượm hàng hóa, khí cụ trên các tàu mắc cạn và đánh bắt hải sản quý hiếm mang về dâng nộp.

Trước 1975, nơi đây có một trạm rada của Hải quân Hoa Kỳ đặt trên các đỉnh cao nhất của đảo. Ngày nay các trạm radar này vẫn hoạt động bởi Hải quân Việt Nam.

Người dân trên đảo sống nhờ vào đánh bắt hải sản và trồng tỏi. Tuy nhiên, việc khai thác cát ven bờ biển để trồng tỏi và hành đã gây ra những thiệt hại không nhỏ do hiện tượng xâm thực.



Nguồn điện trên đảo được cung cấp bởi đường cáp ngầm vượt biển thuộc hệ thống điện lưới quốc gia trên đảo. Các dịch vụ nhà hàng khách sạn, ăn uống phát triển theo, huyện đảo đang hướng tới là một đảo du lịch trong tương lai.

Review một số điểm tại Lý Sơn mà tôi đã đến:

1. Đình làng An Vĩnh – di tích quốc gia, gắn với Hải đội Hoàng Sa được hình thành từ thời Nhà Nguyễn. Nơi đây thờ các vong hồn thuộc Hải đội Hoàng Sa. Hải đội này là tên gọi chung của đội tàu do chúa Nguyễn lập ra từ thế kỷ 17 với mục đích ban đầu là hàng năm đi thuyền ra  các đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa để khai thác hải sản và thu nhặt các hàng hóa do các tàu buôn bị đắm và trôi dạt vào các đảo này. Hầu hết người của Hải đội Hoàng Sa là trai đinh của làng An Vĩnh trên đảo Lý Sơn. Hiện nay người dân vẫn lưu truyền những câu ca liên quan đến Hải đội Hoàng Sa: “Hoàng Sa lắm bể nhiều cồn/ Chiếc chiếu bó tròn mấy sợi dây mây”, “Hoàng Sa trời nước mênh mông/ Người đi thì có mà không thấy về”.

  

Gần đình An Vĩnh có tượng đài và nhà trưng bày những di tích về Hải Đội Hoàng Sa.


2. Đình làng An Hải, còn gọi là Âm linh tự - cũng là di tích quốc gia, nơi thờ cúng oan hồn, cô hồn trôi dạt vô đảo; nơi đây cũng phối thờ tử sĩ Hoàng Sa - Trường Sa.



3. Chùa Hang – di tích văn hóa cấp quốc gia. Chùa Hang có tên chữ là Thiên Khổng Thạch Tự là một hang đá rộng nằm dưới chân núi Thới Lới. Chùa được lập dưới đời vua Lê Kính Tông (khoảng năm 1.600, triều Hậu Lê). Nguyên trước đó là ngôi đền của người Champa thờ các vị thần Bà La Môn, sau này khi người Việt đến khai phá vùng đất Lý Sơn họ đã biến hang đá thành nơi tu tập và thờ Phật. Cửa Chùa Hang nhìn ra biển, nơi đây có nhiều cây bàng biển cổ thụ. Trong hang có những mạch nước ngầm chảy nhỏ giọt. Chùa thờ Phật Di Đà, Như Lai, Di Lặc, sư tổ Đạt Ma, 12 vị Diêm Vương, 3 vị thủy tổ lập chùa người họ Trần và 7 vị tiền hiền. Các bệ thờ được tạo tác từ các nhũ đá tự nhiên kết hợp với gia công đá, vôi, sau này là xi măng và gạch để thành các khám/ bệ thờ. Mặc dù đã có bàn tay tạo tác của con người, cảnh trí nơi đây vẫn giữ được nét nguyên sơ và bản sắc tôn giáo vốn có.



4. Những cánh đồng tỏi và hành: Lý Sơn được mệnh danh là "Vương quốc tỏi". Do sự khác biệt về thổ nhưỡng và kinh nghiệm canh tác của người dân địa phương nên tỏi Lý Sơn có hương vị đặc biệt. Đặc trưng nhất là chúng có vị cay dịu chứ không cay nồng như tỏi khác. Tỏi Lý Sơn có kích thước nhỏ vừa, nhiều tép hơn so với tỏi vùng khác. Đặc biệt có loại Tỏi cô đơn - mỗi củ chỉ gồm duy nhất 1 tép. Tỏi Lý Sơn được bảo hộ nhãn hiệu tập thể và lọt vào danh sách "Top 10 đặc sản quà tặng nổi tiếng Việt Nam" do Tổ chức Kỷ lục Việt Nam bình chọn.





5. Núi Thới Lới là ngọn núi lửa lớn nhất trên đảo Lý Sơn. Đỉnh núi cao hơn 149 mét, đây cũng là điểm cao nhất trên đảo. Trên núi có Cột cờ cao hơn 20 mét là địa điểm check'in hấp dẫn và một miệng núi lửa rộng và khá sâu tạo thành hồ nước ngọt tự nhiên lớn nhất đảo. Con đường lên núi để đến hai điểm tham quan này khá đẹp nhưng nguy hiểm vì độ dốc cao - tuy nhiên nó là con đường đẹp nhất trên đảo.





6. Vách đá Hang Câu có khung cảnh kỳ vĩ nằm dưới chân núi Thới Lới, đây là một vách đá đứng, cao khoảng 50 mét, phía sát mép biển là bãi tắm - nơi thu hút hàng nghìn du khách mỗi ngày. Sở dĩ gọi là Hang Câu vì nơi vách đá có nhiều hang hố nhỏ và vùng biển nơi này có nhiều rong câu.



7. Cổng Tò Vò: được tạo thành do nham thạch núi lửa gặp nước biển đông cứng lại tạo ra những vòm đá tựa cái cổng dài 100 m, riêng mái vòm khoảng 20 m và độ cao tính từ mặt biển lên nơi cao nhất của vòm đá khoảng 5 m.





8. Thánh Thất Cao Đài Tây Ninh Lý Sơn được tạo lập từ năm 1931. Đến năm 1996, Thánh Thất được xây dựng lại nhưng sau đó lại xuống cấp. Đến năm 2018, Thánh thất này xây lại theo mẫu thiết kế của Toà Thánh Tây Ninh một cách đẹp đẽ, hoành tráng, nằm ngay sát ngôi Điện Thờ Phật Mẫu Lý Sơn. Cả hai công trình văn hóa, tâm linh này nằm sát bên nhau tạo thành nhóm công trình đẹp mắt trên phía bắc đảo. Ngoài ra, trên đảo còn có Thánh Thất Cao Đài Truyền Giáo Lý Sơn - trên một đảo nhỏ mà có hai Thánh Thất Cao Đài cùng tọa lạc điều đó nói lên Đạo Cao Đài đã được truyền đạo nơi đây ngay từ buổi đầu lập đạo.


9. Nhà trưng bày bộ xương cá Ông lớn nhất Việt Nam: hai bộ xương cá Ông nơi đây có niên đại từ khoảng 250 - 300 năm tuổi. Một bộ dài 22 mét được phong tước Đồng Đình Đại Vương và bộ dài 18 mét được phong Đức Ngư Tôn Thần. Nơi đây sẽ cho chúng ta hiểu hơn văn hóa tín ngưỡng thờ cúng cá Ông của ngư dân qua những câu chuyện cá Ông cứu người. Ngoài ra trên đảo còn có 7 lăng thờ cá Ông, mỗi nơi có hàng chục bộ xương (nhân dân gọi là ngọc cốt) có niên đại khác nhau...





   Ngoài các điểm trên, các bạn có thể review, chụp hình tại các vị trí khác như: Con đường bích họa/ đường đê bao chắn sóng trên đảo, cầu cảng, cầu vòm qua âu thuyền, các ngôi chùa, cách vách núi, cánh đồng... vào các thời điểm khác nhau trên đảo hoặc di chuyển sang đảo bé...




Không có nhận xét nào: