10/4/22

2.355. THĂM BẢO TÀNG ĐIÊU KHẮC CHĂM

 Mộc Nhân 

    thăm Bảo tàng Điêu khắc Chăm tại Đà Nẵng

Tượng Bồ tát Tara bằng đồng đen - được gắn nhãn "Bảo vật quốc gia"

  LTS: Đối với cá nhân tôi thì Bảo tàng Điêu khắc Chăm tại Đà Nẵng không xa lạ. Nó nằm ven Sông Hàn, tại vị trí đẹp và yên tĩnh của thành phố - là nói hồi trước 1975, chứ giờ là giao lộ đông đúc có 6 ngã rẽ, ngay đầu Cầu Rồng ĐN, dễ kẹt xe).

  Hồi học cấp II, nhà mình đầu đường Võ Tánh (giờ là Núi Thành) mỗi ngày đi học trường Phan Chu Trinh, đôi khi thích đổi tuyến nên ngang qua nơi này nhiều. Lúc đó chưa biết tên đầy đủ của nó là gì, nghe ba nói là Cổ Viện Chàm - cái tên ngắn gọn mà hay, nên nhớ mãi. Đôi khi mình rủ bạn bè ghé vô nhặt hoa sứ trong sân bảo tàng hoặc ngồi dưới bóng cây đa khủng đọc sách, chơi đùa - chứ chưa biết bên trong nó trưng bày cái gì và có ý nghĩa thế nào. 

  Sau này lên cấp III về quê học. Rồi trở thành sinh viên ra ĐN học, lâu lâu cũng có ghé lại Cổ Viện Chàm... Nhưng trớ trêu là không phải đến Cổ Viện Chàm để thăm quan nghiên cứu gì mà chỉ là để uống cafe và nghe nhạc ngoại. 

  Đâu như những năm 1980-90s, không gian nơi này được chính quyền cho tư nhân thuê nên trở thành quán cafe đông đúc. Tôi nhớ rõ là mỗi tháng vài lần, trong năm cuối thời sv, tôi thường đi xa trên 10km để đến đây uống cafe và nghe nhạc vào các buổi chiều - tận khuya mới về khu nội trú hoặc ngủ lại nhà bạn.

  Cái không gian chen chúc đông người và nhạc mở to hết cỡ, nhiều đêm có nhạc sống, trong thời buổi đói cơm - đói nhạc - đói âm thanh... thì nơi này có sức hút với giới trẻ - tôi cũng không ngoại lệ.

  Rồi khi thời đói kém (và ngu muội về văn hóa) trôi qua, người ta trả lại bảo tàng cho bảo tàng - "Cái gì của Ceasar thì trả lại cho Ceasar" (Render therefore unto Caesar the things which are Caesar's; and unto God the things that are God's)...

  Sau này tôi cũng có vài lần ghé đến Cổ Viện Chàm, Mỹ Sơn, các tháp Chăm Bình Định... để "cưỡi ngựa xem hoa", biết thêm chút ít về văn hóa Chăm.

  Có lẽ hơn 10 năm, tôi mới ghé lại chỗ này - ngẫm ra cũng giống như hồi nhỏ, hay đi qua đi lại miết mà có bao giờ bỏ ra vài tiếng đồng hồ để ghé xem, tìm hiểu về một thời đại lẫy lừng đã đi vào quá khứ.

   Giờ đây nó thực sự là một bảo tàng. 

  Và tôi ghi lại vài dòng trong nhật ký Blog này - nói theo kiểu LSB là - ghi chép "cho có nội dung"... chứ cũng không có gì mới mẻ - càng không phải là nghiên cứu.  

***

Bảo tàng điêu khắc Chăm Đà Nẵng là bảo tàng lớn nhất Việt Nam hiện đang bảo tồn và trưng bày nhiều nhất hiện vật quý hiếm về nghệ thuật điêu khắc Champa ở vùng duyên hải miền Trung Việt Nam.

Cây đa trăm tuổi trong khuôn viên bảo tàng

Kể từ sau 1858, người Pháp xem Việt Nam trở thành thuộc địa của họ. Bên cạnh việc cai trị, các quan chức và nhà khảo cổ học người Pháp đã đến Việt Nam bắt đầu quá trình khám phá các di tích đền tháp Champa tại miền Trung Việt Nam, thu thập hàng trăm tác phẩm điêu khắc thông qua các cuộc khai quật khảo cổ học hoặc là hiện vật ngẫu nhiên tìm thấy. Họ đã sưu tập hàng ngàn hiện vật điêu khắc Champa và trưng bày rải rác tại nhiều bảo tàng trong nước (chưa kể một số đã mang ra nước ngoài). Tuy nhiên, bộ sưu tập lớn nhất hiện được lưu giữ tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng.

Năm 1902, trường Viễn Đông Bác Cổ của Pháp ( L' École Française d' Extrême - Orient, viết tắt là EFEO) đã có một đề án xây dựng ở Đà Nẵng một nhà bảo tàng cho các tác phẩm điêu khắc Chăm.

Charles Lemire (1839 - 1912) là một công sứ Pháp cùng với các nhà khoa học Pháp có công đóng góp lớn cho việc thực hiện đề án này là Henri Parmentier, chủ nhiệm Khoa Khảo cổ của EFEO và hai kiến trúc sư người Pháp là Delaval và Auclair đã thiết kế ban đầu tòa nhà này trên cơ sở gợi ý của Parmentier về việc sử dụng một số đường nét của kiến trúc Chăm. Đây là những người tiên phong, đóng vai trò then chốt trong việc sưu tập và trưng bày nghệ thuật Champa dưới chính quyền Pháp tại Đông Dương. Công việc của họ là nhân tố thúc đẩy sự thành lập của bảo tàng và mở đường cho việc nghiên cứu nghệ thuật Champa về sau.

Trước đó, các di tích Champa hầu như bị bỏ mặc và rơi vào tình trạng hoang phế do sự dửng dưng của con người và hậu quả của các cuộc xung đột quân sự diễn ra hàng thế kỉ trước đó.

Sau nhiều năm sống tại Đông Dương, công sứ Lemire sưu tập các hiện vật Chăm bị bỏ rơi rải rác như một thú chơi và vào năm 1887- 1889, ông công bố danh mục 592 hiện vật trong một tập sách.

Năm 1893, Lemire lập tờ trình lên các quan chức thuộc địa bày tỏ nguyện vọng muốn xây dựng một bảo tàng địa phương để có thể gìn giữ các tác phẩm nghệ thuật tốt hơn.

Năm 1914, Toàn quyền Đông Dương chấp nhận cấp kinh phí cho dự án bảo tàng, và Parmentier được bổ nhiệm làm giám đốc dự án.

Năm 1915 (ba năm sau khi Lemire qua đời) toà nhà đầu tiên của bảo tàng mới được khởi công xây dựng và hoàn thành năm 1916.

Công việc di chuyển hiện vật, trưng bày diễn ra trong ba năm sau đó, và hoàn tất vào tháng 4 năm 1919. Sau thời gian này bảo tàng bắt đầu mở cửa đón du khách, được biết đến với tên gọi Bảo tàng Chàm tại Tourane (Musée Cam de Tourane).



Công việc chuyên môn của bảo tàng thời này do nhà khảo cổ Parmentier thiết lập các nguyên tắc thực hiện: (1) Bất cứ hiện vật nào (văn bia, tượng, phù điêu…) được tìm thấy ở ngoài nơi xuất xứ ban đầu của hiện vật phải được đưa về bảo tàng. (2) Đối với các hiện vật tìm được qua các cuộc khai quật tại thực địa thuộc về một công trình đền tháp có thể nhận dạng và nghiên cứu về công trình đó thì để chúng ở lại, trừ khi chúng ở trong tình trạng hư hại không thể bảo quản tại chỗ. (3) Cần tôn trọng việc thờ cúng của một số hiện vật, bởi vì các nông dân tin rằng những hiện vật này có thể đóng vai trò trung gian trong các nghi lễ vào thời kì hạn hán.

Trên cơ sở những nguyên tắc này, Parmentier đã lập một danh mục gồm 300 tác phẩm điêu khắc và 70 văn bia có thể vận chuyển về bảo tàng Chàm ở Tourane. Về sau một số hiện vật điêu khắc Chăm đã được chuyển về Pháp, một số khác được chuyển ra Bảo tàng tại Hà Nội và Bảo tàng tại Sài Gòn nhưng phần nhiều những tác phẩm tiêu biểu vẫn còn để lại tại Đà Nẵng.

Tác phẩm điêu khắc Champa bao gồm chủ yếu là tượng nam thần và nữ thần, đài thờ, ngẫu tượng linga – yoni, vật linh, bia ký và các bộ phận cấu thành kiến trúc.

Đài thờ tại đền tháp Chăm - TK X


Không gian trưng bày của toà nhà bảo tàng được bố trí thành những khu vực trưng bày gọi là “Phòng”: Phòng Trà Kiệu, Phòng Mỹ Sơn , Phòng Đồng Dương, Phòng Tháp Mẫm và các hành lang Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Kon Tum.

Tượng thần Siva

- Phòng Trà Kiệu: Trà Kiệu ở thế kỉ IV là kinh đô cổ của người Champa nay thuộc huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam. Tại đây các nhà khảo cổ đã thu thập được rất nhiều hiện vật có giá trị lịch sử như Đài thờ vũ nữ Trà Kiệu, Đài thờ Trà Kiệu, Thần hộ pháp (Siva)…

- Phòng Mỹ Sơn: Mỹ Sơn từng là trung tâm tín ngưỡng quan trọng nhất của người Champa cổ vì vậy nơi đây đã xây dựng hơn 70 tháp để thờ cúng vị thần Siva. Phòng Mỹ Sơn trưng bày các hiện vật Chăm khai quật tại Thánh địa Mỹ Sơn gồm 3 nhóm: tháp chính, tháp phụ và các nhóm hiện vật được trang trí trên cửa tháp hay tường tháp.

- Phòng Đồng Dương là khu vực trưng bày cuối cùng của văn hoá điêu khắc nghệ thuật Champa thuộc tỉnh Quảng Nam. Chính tại nơi đây các nhà khảo cổ đã phát hiện ra sự thay đổi của triều đại Champa từ tín ngưỡng thờ Thần hộ pháp (Siva) qua thờ các vị phật và bồ tát. Tiêu biểu là vị Bồ tát Tara cao 114cm, là hiện thân của vị bồ tát quan âm.

- Phòng Tháp Mẫn: Tháp Mẫn là trung tâm chính trị của Champa cổ tại tỉnh Bình Định. Nơi đây trưng bày các hiện vật của vương quốc Champa tại các khu vực vùng duyên hải miền Trung được phát hiện tại tỉnh Bình Định với hơn 150 tác phẩm thuộc nhiều phong cách nghệ thuật khác nhau được sưu tầm sau năm 1975.

- Các phòng hành lang Quảng Nam, Quảng Ngãi, Quảng Trị lần lượt trưng bày các hiện vật sưu tầm rải rác tại các vùng địa phương. Tiêu biểu là tượng các vị thần Siva, Phù Điêu, Đài thờ…

Tượng Hộ Pháp bằng sa thạch - niên đại TK IX


Và mặc dù đã trải qua nhiều lần mở rộng nhưng toàn bộ toà nhà và phong cách kiến trúc ban đầu của bảo tàng vẫn còn giữ lại cho đến ngày nay.

Năm 2011, Bảo tàng đã được xếp vào danh sách các bảo tàng hạng nhất tại Việt Nam, khẳng định vai trò và những đóng góp của Bảo tàng Điêu khắc Chăm trong công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa.



Hiện nay, có gần 300 hiện vật lớn nhỏ đang trưng bày tại bảo tàng và được phân chia thành 12 phòng khác nhau. Ngoài ra, có 187 hiện vật trưng bày ngoài vườn và 1200 hiện vật được lưu giữ trong kho.

Chất liệu chủ yếu được người Champa sử dụng để điêu khắc là đồng, đất nung và sa thạch có niên đại từ thế kỉ VII đến thế kỉ XV. Mỗi hiện vật được trưng bày tại bảo tàng điêu khắc Chăm điều thể hiện niềm tin tín ngưỡng của người Champa qua từng thời kì.

Không những vậy, từng đường nét điêu khắc, chất liệu, hình khối đều mang những câu chuyện, dấu ấn lịch sử đời sống tinh thần và vật chất của con người Champa ở những thế kỷ trước. 


      ------------------

   * Tư liệu tham khảo: chammuseum

Không có nhận xét nào: