1/4/22

2.345. NHẠC TRỊNH CÔNG SƠN và CÁI ĐẸP

Tranh trên facebook của họa sĩ Lê Sa Long

 

Khi Trịnh Công Sơn mất, hàng ngàn người đến viếng và một dòng người đưa ông về cõi vĩnh hằng. Điều đó không chỉ với riêng Trịnh Công Sơn mà là cách ứng xử của đa số công chúng dành cho các nghệ sĩ tên tuổi được mến mộ - ở Việt Nam và cả trên thế giới. Nó chứng tỏ tâm hồn con người ta còn hướng đến cái đẹp; và tất nhiên nó cũng khác với đám đông tiễn đưa một chính khách đến khu chôn xác rộng hàng chục hécta: tò mò, hiếu kỳ, còn ngưỡng mộ hay không thì cũng tùy và chưa chắc…

Trong khoảnh khắc thăng hoa nào đó, bỗng thấy hồn mình vươn lên, thấy đời đáng yêu, đáng để ngẫm nghĩ và thầm cất lên vài lời ca tiếng hát hay nhắc lại vài câu thơ của người mà mình ngưỡng mộ. Tôi nghĩ lúc đó, âm nhạc đã hoàn thành nhiệm vụ của nó trong lòng công chúng. Nói như nhạc sĩ Đức Roberr Schumann: “Nhiệm vụ cao quý của âm nhạc là chiếu sáng vào những cõi sâu thẳm trong trái tim con người” (It is music's lofty mission to shed light on the depths of the human heart).

***

Trịnh Công Sơn mất ngày 01 tháng Tư năm 2001. Đã 21 năm trôi qua nhưng cứ đến ngày này, không ai bảo ai, người ta đều muốn làm một cái gì đó liên quan đến âm nhạc của ông. Tối thiểu là một nhóm xúm xít nhau trong một đêm uống rượu và hát nhạc trịnh bằng guitar thùng hay karaoke; nghiêm cẩn hơn là đêm nhạc Trịnh trong nhạc quán hay trong không gian có tổ chức, chuẩn bị, sắp đặt để hát cho nhau nghe; còn tầm vóc hơn nữa thì show diễn ở các sân khấu lớn với PR hẳn hoi…

Vậy là dù đã qua đời, nhưng những giai điệu của Trịnh vẫn cất lên mọi nơi, kể cả nước ngoài – bất cứ nơi nào có cộng đồng người Việt sinh sống.

Người ta yêu nhạc Trịnh bởi âm nhạc của anh là quê hương – nhân loại, là ký ức – hiện tại, là tình yêu – đổ vỡ, là suy ngẫm – hành động, là sự sống – cái chết, là sầu bi – lạc quan, là đê mê – thức tỉnh, là thiền – dấn thân, là đạo – đời, là chiến tranh – hòa bình, là tiếng thở dài – dấn thân, là tâm hồn trĩu nặng mà cũng rất nhẹ nhàng buông bỏ, là sự sâu sắc của tư duy – ngây thơ về chính trị… và kể cả thuộc bên thắng cuộc – bên thua cuộc…

Đó là lý do nhạc Trịnh được mọi tầng lớp nhân dân yêu mến, dù ở bất kỳ trạng thái nào họ tìm thấy lòng mình trong đó – kể cả các phe phái chính trị đều tìm ra cái họ cần khai thác vì mục đích khác nhau.

***

Tôi đã nghe Trịnh Công Sơn qua các giọng ca cổ điển Khánh Ly, Thái Thanh, Lệ Thu… các giọng ca cố gắng làm lạ hóa nhạc Trịnh như Thanh Lam, Tùng Dương… rồi các phong cách hiện đại hải ngoại như Khánh Hà, Tuấn Ngọc… kể cả những ca sĩ ngoại quốc hát nhạc Việt bằng âm sắc lơ lớ chưa tròn chữ… và gần đây nhất là ca sĩ phòng trà – du ca Hoàng Trang với chất giọng mộc, trong trẻo, được kỳ vọng… cùng rất nhiều tiếng hát nghiệp dư, thử nghiệm… 

Mỗi người đều hát nhạc Trịnh bằng niềm yêu của mình bất luận người nghe đánh giá, khen chê hay dở thế nào, họ vẫn hát từ nội lực, gắng gỏi và đam mê có sẵn của mình. 

Và chúng ta không nên chê bai họ - mà hãy lắng nghe tâm hồn của họ, điều đó có ích và hấp dẫn hơn bởi nó sinh ra sự cảm thông, lòng khoan dung và sự tử tế.

Với tôi, Trịnh Công Sơn không là thần tượng và nhạc của ông không phải là gu thẩm mỹ duy nhất của tôi - nhưng tôi vẫn yêu mến, thể hiện vì nó thuộc về ký ức của cá nhân.

Vậy nên nếu bạn không thích nghe TCS hoặc không thích con người ông vì một lý do nào đó, tôi vẫn tôn trọng - vì đó là quyền của bạn.

***

Dưới góc nhìn của tôi, nhạc Trịnh không kén người hát và người nghe (chứ không phải kén người hát và người nghe như lâu nay chúng ta hay nói). Trong một đám đông cần cất lên giọng hát thì ai hát nhạc Trịnh đều được lắng nghe và tán thưởng bất luận bạn thuộc thị hiếu âm nhạc nào. Và lúc đó người ta ngồi lại với nhau, nghe nhau, cùng vỗ tay bởi những câu hát đẹp của anh đã đi vào lòng người với những ca từ bình thường mà truyền cảm; triết lý mà rung động, khó hiểu mà đầy ma lực, tưởng tượng mà rất gần gũi…

Tại sao chúng ta lại lấy tri kiến chuyên môn để soi mói một tiếng nói từ tâm hồn.

Dường như ca từ nhạc Trịnh có ma lực của chữ, giai điệu nhạc Trịnh có mặc khải của kinh cầu, ý nghĩa bài hát có sức gắn kết của duyên tình nhân ngãi và dư âm của nó gợi chiêm ngẫm…

***

Những nhà nghiên cứu, những nhà văn, những nhà báo trong hàng chục năm qua đã viết, đã trích quá nhiều từ Trịnh, bạn đọc yêu Trịnh đã nằm lòng các bài hát của ông; nếu người viết dẫn lại vài câu - bài hay ho thì cũng thừa. Tuy nhiên, viết về Trịnh Công Sơn thì không thể không cất lên các dòng ca từ về tình yêu: Từng người tình bỏ ta đi như những dòng sông nhỏ/ Ôi những dòng sông nhỏ lời hẹn thề là những cơn mưa… (Tình Xa); về cái chết: Một lần nằm mơ tôi thấy tôi qua đời (Bên đời hiu quạnh); về chia xa: Thí dụ bây giờ tôi phải đi, tôi phải đi tay chia ly cùng đời sống này… (Rơi lệ ru người); về triết lý đời sống: Sống trong đời sống cần có một tấm lòng, để làm gì em biết không, để gió cuốn đi… (Để gió cuốn đi); về niềm tin yêu cuộc đời: Mùi hương phấn người, một hôm nhớ lại, hẹn ngày sau sẽ mua vui… (Chiếc lá thu phai); về sự tàn phai Chiều nay em ra phố về, thấy đời mình là những quán không, bàn im hơi bên ghế ngồi, ngày đi đêm tới đã vắng bóng người (Nghe những tàn phai)…

***

Nhạc Trịnh, với sức sống vượt thời gian, mãi ru đời, ru người, nhất là trong những lúc nghịch cảnh, bất an, vô thường, nó gieo niềm tin yêu, hy vọng vào tương lai…

Mà suy cho cùng, đó chính là con người còn hướng về cái đẹp…

Ở góc ngược lại, đời sống chúng ta sẽ thô ráp và tuyệt vọng biết bao khi con người không còn thiết tha đến tâm hồn, nghệ thuật và cái đẹp.

Dostoevsky nói “Cái đẹp sẽ cứu chuộc thế giới” (Beauty will save the world). Khi nào con người cần cái đẹp thì họ sẽ bên nhau; khi nào con người còn cái đẹp thì họ sẽ hướng thiện.

Cái đẹp đó là ca khúc mà chúng ta hát, là câu thơ mà chúng ta thuộc và ngâm nga là bức tranh mà chúng ta ngắm nghía, là bông hoa mà chúng ta chăm sóc trong khu vườn… Rộng hơn đó là tình nhân loại, tình yêu nam nữ, tình cảm gia đình, bạn bè thân thuộc, sự tử tế trong ứng xử… mà nếu đời sống không có cái đẹp sẽ buồn tẻ biết bao nhiêu.

Yêu cái đẹp là thấy ánh sáng (To love beauty is to see light) - Victor Hugo.

Và cứ đến ngày 1 – 4 hàng năm, khi nhiều người vẫn thử thách, đùa cợt hay thư giãn bằng trò nói dối cá tháng tư thì nhiều người vẫn nghe, hát nhạc Trịnh trong một dịp để hội ngộ bạn bè… giữa đời sao im vắng và thấu hiểu đời người như gió qua. 

Tôi vẫn hay nghe nhạc Trịnh, hát nhạc Trịnh mỗi ngày nhưng cứ đến cái ngày này, tôi lại nhất quyết viết một cái gì đó về Trịnh Công Sơn – dù nó đã cũ, viết sẽ lặp nhưng đọc sẽ không nhàm bởi giữa cõi đời vô thường, chúng ta sẽ thấy thấm thía hơn cái điều mà Trịnh Công Sơn đã viết và hát cho chúng ta:

  Một ngàу bỗng thấу yêu thương mọi người
  Một ngàу bỗng nhớ đôi môi rồ dại
  Mọi người đã tới vâу quanh cuộc đời
  Từng giờ tiếc nuối chia taу ngậm ngùi

  Một ngàу còn sống góp tiếng mong manh
  Bạn bè ngồi quanh tuốt sáng giáo gươm
  Từng ngàу đảo điên giết chết linh hồn
  Một ngàу cầu xin thong dong con đường
  Một chiều được quên ngồi chờ tình nhân

  Một ngàу còn sống chiếc bóng lung linh
  Tình vừa ngủ quên dưới bóng tối tăm
  Một đời về không hai taу quу hàng
  Giọng người buồn tênh cơn đau nung hồng
  Thèm tuổi hồn nhiên ngồi nhìn trời xanh

  Ɲhìn lại quanh đâу lô nhô loài người
  Một ngàу bỗng thấу gắn bó cuộc đời
  Mọi người vẫn tới ta chưa lạc loài
  Ɗù còn phút cuối xin em nụ cười.
                           (bài hát Vẫn nhớ cuộc đời - TCS)



 Và ngẫm ra "Không có cái đẹp, tình yêu hay sự nguy hiểm, sống hẳn sẽ thật dễ dàng (Without beauty, love, or danger it would almost be easy to live) – dẫn theo Albert Camus.


-----------------

Mộc Nhân - viết nhân ngày mất lần 21 của Ns Trịnh Công Sơn

01/ 4/ 2022




Không có nhận xét nào: