Mộc Nhân
Đọc “Tình Trong Bút Mực” - Nguyễn Tấn Ái, Nxb Đà Nẵng, 2021.
Tôi nhận được tập “Tình Trong Bút Mực”, tác phẩm phê bình thứ ba của Nguyễn Tấn Ái, cũng là tác phẩm văn nghệ thứ chín của anh.
Tiếp nối với
“Cùng Trong Một Tiếng Tơ Đồng” (2017) và “Bục Giảng Trang Xưa” (2018), đây là
những chân dung văn nghệ Quảng Nam được anh ghi lại qua tác phẩm – tác giả.
“Tình Trong
Bút Mực”, đúng như tên gọi của nó – trước hết là cái “Tình”. Tôi có thể diễn dịch
đó là niềm yêu quý, trân trọng, muốn soi tìm thẩm mỹ từ bút mực bạn văn để tiếp
nhận, chia sẻ và lưu giữ. Mà đối với người cầm bút dày dạn như anh, cái đích tiếp
nhận cuối cùng chính là tính thẩm mỹ của ngôn ngữ.
Có thể nói những
tác giả mà anh điểm qua khá quen thuộc nhưng không phải ai cũng có thể khái
quát hoặc ít nhất là tỉa tót hoặc ghi lại vài nốt nhấn về họ: Lê Trâm, Diệu
Lan, Phan Văn Minh, Nguyễn Tấn Sĩ, Phạm Tấn Dũng, Mộc Nhân, Trương Vũ Thiên An,
Đỗ Thượng Thế, Trương Đức Tơi, Đỗ Thượng Thế, Đỗ Tấn Đạt, Nguyễn Bá Hòa, Vũ Khắc
Tỉnh, Nguyễn Thị Bích Hiền, Nguyễn Thân Yên…
Bạn văn và bạn
đọc xứ Quảng, chắn đã quen thuộc với những cái tên như thế cùng các tác phẩm
văn nghệ của họ.
Với 15 tác
giả - tác phẩm văn học Quảng Nam trong tập sách, Nguyễn Tấn Ái đã thể hiện sự
quan sát - dù chưa bao quát nhưng khá tường tận ở các điểm nhìn - từ góc nhìn học
thuật và kinh nghiệm của anh.
Chẳng hạn, viết
về Lê Trâm với “Đêm Nguyệt Bạch” anh nhận ra chất thơ trên trang văn của tác giả
cùng với mối tương tác “dành biên độ mở
cho người đọc… trong những câu chuyện mang ẩn ức của một đổ vỡ dịu dàng… đó
không chỉ là văn, đó là người, cái con người quản lý giáo dục chừng mực và đôn
hậu”.
Với “Nghĩ
Khác” của Phan Văn Minh, anh hào hứng say mê khi đọc những trang viết của “nhà bách khoa… ham chơi, ham chuyện” mà
mỗi câu chuyện là “một chính kiến về một
vấn đề xã hội nhân sinh…” cùng với cách kể chuyện “nửa nghiêm chỉnh nữa cợt đùa…” đúng với tài năng và tính cách của
nhà văn, nhạc sĩ tài hoa này.
Trong niềm
tương ngộ với thơ Diệu Lan, anh qui về “một
hành trình thời gian mà kín giấu là một thao thức tình yêu… tình yêu quê hương
có dáng ngoại, dáng mẹ, dáng cha. Là tình yêu đằm thắm bền bỉ”.
Ở Nguyễn Tấn
Sĩ với “Gió Ba Sông” anh cảm thấy “thú vị
và như không thể nào thấu đáo ý tứ nhà thơ. Thơ hay, thâm trầm sâu sắc mà đừa bỡn,
chuẩn mực mà phóng khoáng, nói hết mà kỳ thực không muốn nói gì…”
Anh cũng chỉ
ra “những câu thơ biết nén mình để trổ ra
một lạ lẫm bất ngờ đắn đót” của Phạm Tấn Dũng; chất giọng lạ và riêng của Đỗ
Tấn Đạt trong “sự phô diễn ý thơ bằng
cách nói mới lạ rất cần cho thơ…”
Với Trương Văn
Quang anh hiểu được sự cần mẫn và kỹ tính đến mức khó tính nhưng khi tiếp cận “sẽ có cái thú vị của người khám phá, sướng
với một cuộc chơi mà ở đó mở ra niềm vui lạ, là niềm vui ngôn ngữ trong sáng tạo.”
Đọc Đỗ Thượng
Thế anh chộp được cái “thi ảnh – chiêu thức
thơ…” với nhiều biến hóa từ ảnh đơn, ảnh đa chiều, ảnh chiêm nghiệm mà tác
giả biết xử lý để tạo nên sự đa dạng cùng phẩm chất của hình tượng.
Đó là cách anh
tỉa tót, khắc họa chân dung văn nghệ của bạn văn qua các tác phẩm văn xuôi, thơ
và dịch mà tôi không thể nói hết, mà thực ra là nói lại những gì mà Nguyễn Tấn Ái đã thâu tóm
trong tập sách. Bởi điều đó là thừa – vì đã có trong tập sách; mà lại thiếu –
vì với vài câu trích dẫn là không đủ hết các đường nét của mỗi chân dung văn nghệ mà
anh đã khắc họa hay phác họa cho chúng ta.
Điểm cơ bản mà
Nguyễn Tấn Ái có được trong tập sách là cái hạnh phúc khám phá, cảm nhận và chia sẻ văn chương mà cả người viết
lẫn người phê bình đều hướng tới.
Dường như anh
dành nhiều thời gian hơn cho các tác phẩm thơ. Đối với anh, thơ cũng là thế mạnh,
niềm say mê nên khi viết về các nhà thơ anh cũng phát hiện ở họ những cá tính.
Vậy nên đọc
các tiểu luận của Nguyễn Tấn Ái trong tập sách mà nhận ra cái Tình của anh đan vào chỗ vi diệu của chất
ngất bút mực, chữ nghĩa, hình tượng, thi ảnh, thi pháp, chiêu thức, điệu hồn,
hành trình qua từng tác giả.
***
Trong lập ngôn
đầu sách, Nguyễn Tấn Ái nói rõ anh đã “chuyên
chú hơn ở góc nhìn thi pháp, những mong tìm ra đóng góp của các tác giả trên tiến
trình thi ca đương đại Quảng Nam” - theo tôi đó là một nỗ lực đáng trân trọng
của nhà phê bình.
Và khi đọc tập
sách của anh, tôi cũng chú ý đến thi pháp người viết phê bình chứ không hẳn chỉ đọc nội dung phê bình.
Trong suốt gần
140 trang sách, Nguyễn Tấn Ái duy trì lối phê bình duy mỹ (hiểu đơn giản nhất
là tiếp cận cái đẹp, khai thác những cốt lõi thẩm mỹ về nghệ thuật và nhân
sinh) cùng với soi chiếu giữa lí thuyết, trực cảm để thám hiểm vào chiều sâu
trong sáng tác.
Câu chữ phê bình của anh cũng đầy nhạc điệu, dạt dào âm điệu, trùng trùng hình ảnh trong mỗi tổ khúc như chính giọng điệu các nhà văn, nhà thơ mà anh nhắc đến. Nó vừa triết lí vừa ưu tư về văn và đời, về mình và bạn, vừa đồng hành vừa nghịch hành, vừa đối thể vừa bản thể… trong tâm thế “không là đối thoại mà cũng chỉ là thêm một lời độc thoại”.
Anh đã chỉ ra
được các biểu tượng ám ảnh của các tác phẩm từ đó phát hiện, khám phá, thăm dò
căn phần trong tác giả. Chẳng hạn viết về Nguyễn Thân Yên nhưng anh đã khái
quát được “Những nhà văn thường có cuộc đời
không mấy vui, phải chăng đó là cái giá phải trả khi trót vay lòng yêu con chữ.”
Những đánh giá
hay ghi nhận của Nguyễn Tấn Ái luôn gắn với những hiện trạng chữ nghĩa chứ không phải
là suy nghĩ chủ quan, gán ghép tùy hứng - để khai phá ra những chiều kích
thẩm mỹ của tác phẩm nghệ thuật theo cách vừa sâu sắc vừa có duyên.
Ở một chừng mực
nào đó, anh đã làm được điều ấy bằng sự tài hoa của người trải qua nhiều thể loại
văn nghệ khác nhau: thơ, truyện ngắn, phê bình. Vậy nên mỗi câu mỗi ý anh phát
hiện hay thâu tóm là một nhấn nhá nhưng lại là nốt nhấn để bạn đọc tiếp tục liên
tưởng.
***
Ưu thế bút mực
của Nguyễn Tấn Ái nhờ ở vốn kiến thức khá thâm trầm trong nhiều năm dạy học trường
chuyên lớp chọn cùng với năng lực đọc, viết, nhận định - không phải ai cũng có
- nên các bài viết của anh dù chứa đựng bất kỳ dung lượng nào cũng đều không
thiếu nét chuẩn mực, cẩn trọng, mang nhiều kinh nghiệm, tích lũy các giá trị trong
sinh hoạt văn học.
Tuy nhiên dầu
sao, cũng phải nhìn nhận những đối thoại hay độc thoại, khắc họa hay phác thảo
với tham vọng đi đến vài điển phạm mới trong hoạt động nghiên cứu phê bình của
chúng ta nói chung và tập sách Nguyễn Tấn Ái nói riêng còn khá dè dặt, cẩn trọng.
Chúng ít tạo nên sự "khiêu khích, sinh sự" để bạn văn phản biện, truy vấn.
Điều này cũng
là hiển nhiên vì với mỗi tác giả viết phê bình, nó là chặng đường mà người
cầm bút cần có thời gian tích lũy bằng học thuật, kinh nghiệm, vốn sống cùng với
độ dày của đọc và viết.
Và chúng ta, với
tư cách là chủ thể tiếp nhận hay đối thể phê bình cũng đều trân trọng điều ấy. Chúng ta chắc chắn học tập được nhiều điều từ anh, không chỉ vậy mà còn yêu
quý những trang văn của nhau. Với cách tiếp cận đó, tôi tin rằng “Phê bình là tầm
cao và thước đo của tình bạn” (Criticism
is the height and measure of friendship) – dẫn theo nhà nghiên cứu Anh Francis Crick.
Đó cũng là cách mà anh đặt tựa cho tập sách của mình “Tình Trong Bút Mực”.
Mộc Nhân
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét