Mộc Nhân
Bài đăng trên Báo Quảng Nam số ra Thứ Sáu 22/4/ 2022
Nhận thấy tầm quan trọng của văn hóa đọc, ngày 24/2/2014, Thủ tướng Chính Phủ đã ký Quyết định số 284/QĐ-TTg lấy ngày 21/4 hàng năm là Ngày Sách Việt Nam nhằm khuyến khích và phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng, nâng cao nhận thức của nhân dân về ý nghĩa to lớn và tầm quan trọng của việc đọc sách đối với việc phát triển kiến thức, kỹ năng và phát triển tư duy, giáo dục và rèn luyện nhân cách con người.
***
Chu Quang Tiềm, một học giả TQ đã viết: “Học vấn không chỉ là chuyện đọc sách nhưng
đọc sách vẫn là một con đường quan trọng của học vấn”. Ai cũng biết, sách
là một nguồn lực thúc đẩy sự phát triển văn hóa. Sách có vai trò quan trọng
trong sự phát triển, sách là di sản tinh thần quí báu của nhân loại, là cội nguồn
của tri thức. Giá trị của sách trong việc hình thành nhân cách, trí tuệ con người
và sự phát triển của xã hội là điều không thể bàn cãi.
Đọc sách là một nhu cầu không thể thiếu đối với con
người, nhất là với người trí thức. Nói một cách chính xác là sách không chỉ dừng
lại ở việc đáp ứng nhu cầu tri thức và giải trí lành mạnh, mà từ lâu đã được
nâng tầm thành văn hoá đọc.
Văn hóa đọc cũng có nhiều biến đổi theo thời gian.
***
Thời cổ đại phương Đông, sách chỉ có mấy bộ “Tứ thư,
Ngũ kinh”, số bản ít nên người ta đọc theo kiểu nghiền ngẫm, thuộc làu
làu và đọc sách là con đường để lập thân, hành đạo: “Đi không há lẽ trở về không/ Cái nợ cầm thư phải trả xong” (Nguyễn
Công Trứ). Thời cận đại, con người tìm ra công nghệ in và cải tiến kĩ thuật sản
xuất giấy nên sách bắt đầu phát triển. Việc đọc sách đã trở nên phổ biến hơn
trước. Sách không chỉ phục vụ cho nhu cầu tri thức của con người mà còn là
phương tiện để phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội. Ở ta, có một thời gian dài
kinh tế khó khăn, miếng ăn còn không đủ no lấy đâu tiền bạc và thời gian để mua
sách và đọc sách. Thế nên có câu “Muốn
không mất sách thì đừng cho bạn mượn sách, muốn không mất bạn thì đừng cho bạn
mượn tiền”. Có lẽ nhu cầu đọc luôn thôi thúc nên người ta tìm cách để bao
biện cho hành vi của mình: “Ăn cắp sách
không có tội”!
Hình ảnh đứa trẻ ngồi trên lưng trâu đọc sách giữa
một không gian khoáng đạt, bao la đồng ruộng, vốn là biểu tượng lãng mạn cho
văn hoá đọc đã không còn phổ biến nữa.
Dù sao thì việc đọc sách nghiêm túc và tìm kiếm cái đẹp
trong thế giới văn chương là một điều đáng trân trọng bởi nó làm tâm hồn con người
trở nên trong sáng, tư duy thêm sáng suốt, qua đó điều chỉnh, tu dưỡng đạo đức,
nhân cách con người. Nó kết nối nhân loại từ quá khứ đến hiện tại và tương lai.
Nói như nhà văn Thomas Carlyle “Trong những cuốn sách ẩn chứa linh hồn của suốt
chiều dài quá khứ” (In books lies the soul of the whole past time).
***
Sách ngày nay nhiều về số lượng, đa dạng về chủng loại
nên người đọc thoải mái lựa chọn tùy theo năng lực, sở thích của mình. Tuy
nhiên điều nghịch lí là sách càng nhiều thì văn hoá đọc gần như bị triệt tiêu
phần lớn. Các phương tiện truyền thông đại chúng lên tiếng báo động: “văn hoá đọc
đã bị xoá sổ”.
Có thể kể ra mấy nguyên nhân phổ biến tác động tiêu cực
đến văn hóa đọc: (a) Giới trẻ không ham đọc sách vì có nhiều phương tiện nghe
nhìn hiện đại chi phối sự quan tâm đến việc đọc sách. Hiện nay, với sự bùng nổ
của Internet, thời đại hoàng kim của sách đã suy giảm. Nói một cách khác, mức độ
quan tâm của đông đảo công chúng đối với sách đã tụt giảm. Văn hoá đọc gần như
đã bị văn hoá nghe nhìn đè chết. (b) Văn hóa đọc thường đi liền với niềm đam mê
văn chương sách vở nhưng hiện nay văn chương không còn là môn học được yêu
thích bởi tính thực dụng của con người thời hiện đại. Cứ nhìn thái độ của học
sinh ngày nay với môn văn và những bài văn của học sinh trong nhà trường
ta sẽ dễ nhận ra điều ấy. (c) Trong thời buổi kinh tế thị trường, thời gian của
con người dường như bị rút ngắn rất nhiều. Nỗi lo cơm áo và công việc khiến
không ai còn tinh thần để tập trung vào đọc sách, người ta chỉ quan tâm đến thông
tin báo chí nên bệnh lười đọc sách đã dần dần thấm vào đời sống tinh thần giới
trẻ.
***
Tuy nhiên sách vẫn không hề mất đi giá trị truyền thống
của nó, là nguồn sống quí giá nhất. Bởi cái cảm giác được cầm quyển sách, lật từng
trang sách, đọc từng con chữ, mãi mãi là một điều thú vị vô cùng mà không một
món ăn tinh thần nào thay thế được.
Mấy năm nay tôi đã tự tạo cho mình thói quen: ngày tết
hoặc dịp lễ, thay vì lì xì các cháu nhỏ một phong bao thì tặng các cháu một cuốn
sách với ý nghĩ: với mấy chục hoặc trăm nghìn chúng sẽ tiêu mất và quên ngay,
còn với một cuốn sách chúng có thể đọc và lưu giữ. Và mình cũng cảm thấy có niềm
vui khi bước vào phòng khách nhà bạn bè, thay vì nhìn tủ rượu sang trọng thì lại
được ngắm nghía tủ sách của chủ nhân.
Thế nên chúng ta vẫn lạc quan mà tin rằng văn hoá đọc sẽ không bao giờ bị mai một, sách vẫn là nguồn tri thức bậc nhất của con người. Giá trị sách mãi tỏa sáng, văn hóa đọc sẽ còn được lưu giữ trong mọi thời gian và không gian.
Và mãi về sau, chúng ta chịu ơn sách một món nợ mà người xưa gọi là “Nợ Cầm Thư”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét