22/4/22

2.368. VIẾT DƯỚI CHÂN THÁP CỔ

   Lê Đức Thịnh

 

Tháp Bằng An - tại Điện An, Thị xã Điện Bàn, QNam

bên tháp cổ

mạch nhịp của tôi mạnh hơn

dường như có nhiều điều không thể dừng lại

tôi viết vài câu trên vỏ cây như nhập đồng

dù biết rằng nó sẽ chôn vào hư ảnh


em có như vậy không

rồi mọi thứ sẽ được vùi sâu

nhưng nếu tôi không viết gì cho em

thì màu trắng tinh khiết của trang phục ndoa buk (1) 

và nắng mùa hè sẽ đổ vệt dài 

rồi tất cả lùi vào khoảng tối

 

em dắt tôi qua xứ sở của viễn tượng

chân tôi giẫm lên rêu thẫm bên mép đá

tay tôi vuốt cọng nắng lạc giữa vòm cây

bỗng thấy huyết quản mình như vừa được nong ra bởi vài ống stent (2)

chúng lồng sâu trong động mạch

và xơ vữa quá khứ được thông suốt

 

em hãy nói điều gì đi

em hãy làm điều gì đi

để ngày thôi thoái hóa

để bài thơ của tôi lại trổ hoa từ vết nứt trong thân tượng Siva

và mùa hè lại rùng mình trong buổi sáng 

khi mặt trời rọi chiếu làm linga thẳng hơn

 

tôi là người mù đã lấy lại đôi mắt sáng giữa ánh trời

khi thấy vũ nữ apsara eo thon len qua vạt nắng

kín đáo yoni giao cảm thánh thần

trong thanh âm trống cổ Gineng (4)

 

một dân tộc đã hóa thành nốt trầm huyền thoại 

bài hát của em từ đền đài đã ra sân khấu 

còn ta mềm nhũn cùng câu chuyện em kể từ trăm năm

lặng thầm

chờ đợi.

---------

Chú thích:

(1) ndoa buk: điệu múa “đội nước” của người Champa, vũ công thường mặc váy dài trắng trên đầu đội bình nước.

(2) stent: là kỹ thuật y khoa đặt một ống bằng chất liệu đặc biệt để nong rộng những lòng mạch bị tắc hẹp do xơ vữa động mạch...

(3) linga và yoni: bộ phận sinh dục của nam và nữ được điêu khắc cách điệu trong các đền tháp Chăm. Linga và yoni được xem như là cội nguồn của sự sáng tạo, là biểu tượng sống động thể hiện tín ngưỡng phồn thực của người Chăm xưa, nhằm cầu mong vạn vật sinh sôi nảy nở sung túc.

(4) trống Gineng (Ghi-năng): một loại trống cổ của người Chăm, hình trụ, thân trống thường làm bằng gỗ lim, khoét rỗng bên trong, hai mặt trống căng 2 loại da khác nhau: da dê và da trâu để tạo 2 loại âm thanh khác nhau. Trống Gineng tượng trưng cho đôi chân con người trên mọi hành trình. Ba loại nhạc cụ: kèn Saranai, trống Paranưng, trống Gineng tượng trưng cho con người - trời - đất (vũ trụ thu nhỏ), do vậy khi biểu diễn 3 nhạc cụ này không được tách rời nhau mà luôn hòa quyện vào nhau, là linh hồn cho lễ hội Chăm.
----------------


Không có nhận xét nào: