16/4/22

2.362. CÂY SẦU ĐÔNG CÔ ĐƠN

         Mộc Nhân

   Chúa nói: “Ai có tai, thì hãy nghe” (Whoever has ears, let them hear) - trích Tân Ước, Matthew 11:15


Cây sầu đông cô đơn nằm giữa cánh đồng làng Giáo Trung thuộc khu An Đông, thị trấn Ái Nghĩa, Đại Lộc. Cây vươn cao khoảng 15 mét, tuổi của nó chừng 20 năm nên chưa ra dáng đại thụ. Chỉ là do nó vững chãi giữa đồng không mông quạnh, chẳng nương dựa vào nhau như các cây khác trong vườn, lại đối mặt với gió sương bão bùng qua bao năm tháng mà không bị gãy đổ nên tư thế trông đẹp và hiên ngang.

***

Làng Giáo Trung là một làng quê nông nghiệp bình yên với các hình ảnh đặc trưng: cánh đồng, lũy tre, nhà vườn, con kênh lớn chạy xuyên đồng, đường làng bê tông rộng thoáng sạch sẽ với những ngôi nhà không bề thế nhưng thanh nhã nằm giữa các khu vườn.

Từ xa xưa, vùng đất này là vựa mía đường lớn nhất huyện, chuyên canh cây mía nên những con đường nhỏ xuyên qua đồng làng bị mất hút giữa rừng mía. Ký ức của chúng tôi thời đi học qua nơi này là những lóng mía dài bẻ vội ven đường vừa đi vừa nhai, những bát chè hai còn nóng hổi mới chắt ra từ lò và đường non nhúng bánh tráng rắc đậu phộng... Ôi tuyệt, đến bây giờ nhớ lại vẫn còn ngây ngây cái hậu ngọt nơi cổ họng.

Vài chục năm trở lại đây, do nhu cầu chuyển đổi cây trồng nên đồng mía trở thành đồng lúa với những bờ vùng bờ thửa vuông vắn, kênh tưới chạy quanh. Không còn ruộng mía che khuất tầm nhìn nữa nên cánh đồng lúa hiện ra – xanh tươi, mát mẻ, thoáng đãng và thích mắt.


Cũng từ đó, cây sầu đông cô đơn vút lên trên một gò đất cao. Nói cho đúng đây là hai cây sầu đông nhưng vì nó sống chung một gốc nên xem như một cây vậy. Góc nhìn này thấy một cây, góc nhìn khác thấy hai thân cây.

Giữa mênh mông đồng lúa thì cây sầu đông cô đơn tạo thành một phối cảnh đẹp nhô lên giữa đất trời trông rất uy nghi. Trải qua bao nhiêu lần phát hoang, đốt cỏ, đào phá hang chuột tại gò đất này mà không hiểu sao cây sầu đông vẫn không bị xâm hại.

Cuối thu, cây sầu đông rụng lá. Đến đông thì cây trơ ra những cành xương xẩu khẳng khiu. Qua xuân hoa trắng nở rộ những cánh li ti rơi kín thảm đất và đến hè cây xanh lá chào vẫy đất trời cùng sóng lúa xanh tươi. Vòng đời của cây sầu đông cô đơn này đã vài chục năm như thế. Giữa bốn mùa, nó vẫn đứng trơ trọi trong nền trời luôn chuyển đổi sắc màu, gợi cho chúng ta về một ký ức nào đó- mơ hồ và rất nên thơ.

***

Cánh đồng Giáo Trung là nơi giao thoa giữa ba đồng lúa lớn của các làng Giáo Đông (thuộc Thị trấn Ái Nghĩa), Bộ Bắc, Giáo Tây (thuộc xã Đại Hòa) và Giáo Ái (thuộc xã Điện Hồng, Thị xã Điện Bàn) nên có nhiều hướng vào. Dù ai đi từ ngõ nào đến cánh đồng này cũng đều trông thấy cây sầu đông cô đơn trước tiên bởi nó đập vào mắt người.

Nó hiện ra như cây phướn làng, như đôi tay chào vẫy, như cột mốc khổng lồ của làng.

Với tôi cây sầu đông cô đơn này không có ký ức nào nhưng giờ đây tôi cảm thấy yêu mến và trân trọng nó bởi nó mở ra vài ký ức cho mình.

Theo tìm hiểu thì cây sầu đông cô đơn này cũng chẳng có điều bí ẩn nào. Chẳng có câu chuyện liêu trai nào trong trí tưởng tượng của dân làng. Chẳng có chuyện tình hay huyền tích tâm linh nào thu hút sự chú ý của người nghe. Và trong thời buổi hiện đại này cũng không ai cấp cho nó một tín hiệu wifi để bạn trẻ có thể đến và check-in, dù mỗi buổi chiều, từng nhóm thanh niên và các em học sinh hay rủ nhau đến đây để thưởng ngoạn, chụp hình, thư giãn.

Đến bây giờ, nó vẫn bình dị như quê đất, như bao cây cỏ khác trong làng nhưng tôi vẫn thấy nó cỏ vẻ sinh động và đáng yêu khác thường.



Cứ mỗi sáng, tôi chọn hướng đi bộ qua cánh đồng này để ngắm cây sầu đông cô đơn từ khoảng xa trong mờ sương rồi đến gần và lần nào thấy nó cũng đẹp hơn hôm qua. Thi thoảng, khi có việc đi đâu đó, tôi cũng chọn đi con đường đồng lát bê tông này để nhìn cây sầu đông cô đơn. Tôi đưa mắt tìm chúng từ xa như dõi theo một bóng hình thân thuộc.

Tôi nhớ đến câu văn trong một cuốn tiểu thuyết của Evelyn Underhill – nhà văn nước Anh: “Tất cả mọi thứ đều có thể nhìn thấy dưới ánh sáng của sự bao dung và cái đẹp; bởi cái đẹp là hiện thực giản đơn được nhìn qua con mắt yêu thương”.

Và tôi vui vì lúc nào cũng nhìn rõ nó đang đứng đó.

Dù đời sống trầm mặc nhưng dường như bên trong nó có tiếng nói riêng, ẩn giấu một tâm hồn với bao lời ca êm ái. Khi bình minh lên trên đầu ngọn cây mỗi chiếc lá nhỏ đều đón lấy một tia nắng sớm cho mình; khi ban trưa trâu bò nhởn nhơ nhai lại dưới bóng mát thì nó chìa những chiếc cành gầy guộc khẽ reo ca; khi buổi chiều xô dài bóng dưới cỏ, nó lặng im nghe tiếng chân người làm đồng trở về; khi chạng vạng lũ cò trắng tìm về đậu oằn cong cành lá, vòm cây rì rào nhiều âm sắc khác nhau.

Thời gian sống của nó tuy ngắn ngủi và không gian của nó tuy gần gũi nhưng lại khiến tôi liên tưởng đến những những miền đất và các ký ức khác của mình.


Như một liên văn bản, tôi nhớ đến hai cây phong trên ngọn đồi trong truyện Người Thầy Đầu Tiên của nhà văn tài hoa người Kyrgyzstan - Chyngyz Aytmatov; tôi nhớ đến cây gạo cô đơn trong sân trường Z’Nông ở huyện miền núi Nam Giang nơi tôi từng công tác; tôi nhớ đến cây thông cô đơn trên đèo Hải Vân mà lúc rỗi tôi cùng bạn Văn Sáu đến cái quán café nằm sát mép vực để nhâm nhi ngắm cảnh; tôi nhớ đến cây thông cô đơn ở Đồi Cỏ hồng trong khu sinh thái Suối Vàng - Đà Lạt mà tôi đã từng đến; tôi nhớ đến ca từ “Sầu đông còn đến bao giờ” trong ca khúc của Khánh Băng; tôi nhớ đến những câu thơ văn xuôi tuyệt tác trong bài thơ Tự Khúc 2 (Song of Myself) của nhà thơ nổi tiếng người Mỹ Walt Whitman đầy ám ảnh: “…Nhịp thở và cảm hứng của tôi, nhịp đập trái tim tôi, máu trong huyết quản và không khí đi qua phổi của tôi/ Tiếng hít thở của những chiếc lá xanh và lá khô/ Âm vọng từ giọng nói của tôi phong thanh vào gió xoáy/ Một vài nụ hôn nhẹ, một vài vòng ôm, một vòng tay tìm nhau/ Trò chơi ánh sáng và bóng râm trên cây như những cành cây mềm mại vẫy gọi…”

Và tất nhiên tôi cũng nhớ hình ảnh cây sầu đông trong bài thơ Ừ Thì Tháng Chạp của mình mà tôi viết đã lâu – trích:

  "Cây sầu đông cô đơn buồn trú ngụ
  chiều im lìm cong mép lá lắt lay
  giọng ai âm âm trôi cùng cơn gió
  ừ thì ngồi đây nhâm nhi mưa bay"

***

Cây sầu đông cô đơn này là tuyệt tác ngẫu nhiên của quê hương, hài hòa cùng cảnh vật cây cỏ giữa mênh mông một màu xanh dịu dàng làm lòng người không khỏi xao xuyến. Nó là chứng nhân mới của làng và chứng nhân mới của tôi. Giờ đây nó lại nuôi dưỡng một ký ức mới: nhẹ nhàng, giản đơn, trong veo, đầy sức sống và có sức gợi.

Với cây sầu đông cô đơn này, tôi nghiệm ra cái điều mà nhà văn Mỹ, Louisa May Alcott viết “Khả năng tìm được cái đẹp trong những điều nhỏ bé nhất khiến con người trở nên hạnh phúc và cuộc đời trở nên đáng yêu” (The power of finding beauty in the humblest things makes people happy and life lovely).

Tôi hình dung nếu ngày mai, vì một lý do nào đó người ta đốn hạ cây sầu đông này đi thì sao nhỉ? Chắc chắn lúc đó sẽ lộ ra một khoảng trống trên cánh đồng này – và đó cũng là một khoảng trống khó lấp trong tâm hồn tôi.

Khoảng trống đó ai nhìn sẽ thấy - ai nghe sẽ vọng âm cây cỏ như lời từ Tân ước: “Ai có tai, thì hãy nghe” (Whoever has ears, let them hear).

Mộc Nhân



 

1 nhận xét:

hien phuong nói...

Sầu đông là loài hoa em rất yêu. Xin cảm ơn bức tranh quê hương chân phương mộc mạc mà đầy màu sắc của Thầy, em đã đọc từng dòng và thật xúc động ạ.