1/10/23

2.930. NHÀ VĂN GIỮA CUỘC VUÔNG TRÒN

        Mộc Nhân 

Bài đăng trên chuyên mục: "Góc nhìn người trong cuộc"
Tc Đất Quảng số 229/ tháng 10-2023

Chuyện về nhà văn, của nhà văn - ở đây được hiểu là bao gồm cả nhà thơ, nhà phê bình văn học, dịch giả - thì có rất nhiều thứ để nói. Chuyện lớn thì có thiên chức, sự nghiệp, sứ mệnh, tầm vóc, tác phẩm để đời... Chuyện lớn hơn thì nghĩ đến tác phẩm dự giải khu vực hoặc Nobel Văn học... Chuyện nhỏ hơn thì có xuất bản tác phẩm, “chém gió” trên các diễn đàn, viết bài đăng báo, tạp chí, tự PR tên tuổi... Chuyện tệ hại thì lợi dụng vị trí, uy tín để gạ gẫm, quấy nhiễu, sống bê tha, trái với tư cách đạo đức người cầm bút... 

Nói chung là tùy sự việc, mức độ, tính cách, thái độ sống xử mà mỗi nhà văn có những chuyện khác nhau.

Ai cũng có thể nhận ra một điều là chuyện lớn của nhà văn hiện nay có mà ít; chuyện bậc trung khá nhiều và chuyện tệ hại thì cũng không phải là hiếm. Những chuyện như thế thời nào cũng có. Có nhà văn bao hết cả hai, ba thứ; có người chỉ dính dáng một thứ nào đó - tùy câu chuyện của họ.

Xưa kia nhà văn thường kiêm luôn nhà nho, quan văn, được thiên hạ yêu kính nên cái tiết tháo, lễ nghĩa, nhân cách của “kẻ sĩ” chi phối hành động của họ, thành ra chuyện xấu cũng có mà ít. Lịch sử đã ghi nhận nhiều nhà văn có cái nguyên khí của kẻ sĩ được người đời ngưỡng mộ như Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Cao Bá Quát, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Khuyến, Trần Quý Cáp, Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng...

Ngày trước cũng có kẻ sĩ “chơi bời” như Trần Tế Xương “Cao lâu thường ăn quịt/ Thổ đĩ lại chơi lường”; kẻ sĩ ngông ngạo, hoan lạc như Nguyễn Công Trứ “Hoa với khách như đà có hẹn/ Ưa màu nào màu ấy là xinh”... nhưng văn thơ, tính cách, bản lĩnh của họ vẫn được người đời ghi nhận là sĩ khí và yêu mến, vì nó là dấu tích thời đại và mang đậm phong cách cá nhân.

Ngày nay, do nội dung, phương thức đào tạo con người khác với xưa nên khái niệm kẻ sĩ tuy ít dùng nhưng lại được bao hàm trong cụm từ “tầng lớp trí thức” - kể cả những người không dính đến nghiệp văn. “Tầng lớp trí thức”, trong nội hàm ấy, nếu thiếu đi các phẩm chất về văn hóa, ứng xử hay thiếu trách nhiệm với xã hội thường bị gọi mỉa là trí ngủ.

Nhà văn cũng được gọi là kẻ sĩ nhưng không phải nhà văn nào cũng thế. Thật tiếc là nhà văn thời nay dễ bị chửi mắng, kể cả bị chửi lây chứ chưa hẳn họ đã có lỗi gì. Có thể nhận ra điều ấy trên các diễn đàn, trong các cuộc trà dư tửu hậu, hoặc do chính nhà văn tự trào mà ra...

Nguyên nhân gây ra hiện tượng “kẻ sĩ” bị “chửi” có thể từ chính họ hoặc những gì liên quan đến họ, như một phát ngôn hớ hênh, một ứng xử lệch chuẩn, thái độ thiếu công tâm, thậm chí là do một bài thơ, bài viết dở, một giải thưởng trao chưa đúng người... Tháng 4/2021, bài thơ “Mẹ tôi chửi kẻ trộm” của tác giả Tòng Văn Hân được trao giải B cuộc thi thơ Báo Văn nghệ đã tạo ra hiện tượng chửi thơ suốt nhiều tháng liền.

Các trạng thái “chửi” bao gồm: soi đời tư, soi tác phẩm tìm dấu hiệu đạo văn, giễu nhại con chữ, truy tìm các lỗi lầm quá khứ, đào xới các quan hệ, tạo hiệu ứng đám đông, lập các nhóm anti để tạo sức mạnh, gây áp lực... Dường như hội chứng “chửi” nhà văn tràn lan khắp nơi; ai dính đến văn thơ, viết lách đều bị chửi cả. Nếu gọi đó là “hội chứng chửi nhà văn” có lẽ cũng không phải là quá.

Có kẻ hầu như cả năm không đọc lấy một quyển sách, chả biết gì về văn chương, nhưng khi có cơ hội ăn theo nói leo vẫn chửi nhà văn, mỉa văn nghệ như thường. Còn nhà văn “chửi nhau” cũng không phải hiếm thấy. Nói về khả năng chửi mắng thì nhà văn cũng chẳng thua kém ai, thậm chí chửi hơn hẳn thiên hạ nhờ ở vốn chữ của họ.

Dưới con mắt quần chúng, nhà văn là thánh chữ nhưng khi nhìn vào họ lại thấy không ít kẻ cũng nhếch nhác, bỗ bã, dung tục, xấu xa... như bao người - hay nói cách khác là “không có cốt cách kẻ sĩ”. Dưới cái nhìn kỳ vọng thì nhà văn không có (hoặc có ít) thành tựu, nhưng lại thích danh, hay ra oai, khoe chữ, mưu cầu... Dưới cái nhìn trách nhiệm xã hội, đôi khi họ rất thờ ơ trước các vấn đề nhức nhối của đất nước... Nhà văn viết về những đề tài nhức nhối ấy tuy có nhưng ít và dè dặt, họ cũng biết điều chỉnh ngòi bút một cách vừa phải để tránh bị rắc rối. Nhà văn nhiều hình dạng quá, xấu tốt đều có cả. Xấu cũng đủ thể dạng, tốt cũng có nhưng tâm lý xã hội thích soi cái xấu hơn nên nhà văn hay bị “chửi” là do thế.

Người xưa nói “Lập thân tối dĩ hạ văn chương”, nhưng công bằng mà nói, nhiều người yêu văn chương, sống với văn chương, không viết không chịu nổi, đêm ngày bứt rứt giày vò bởi số phận con người và đời sống xã hội. Vậy nên, vơ đũa cả nắm thì hoàn toàn không đúng. Nhiều người âm thầm lặng lẽ vật lộn với trang giấy và đau lòng phẫn uất khi nhìn thấy bất công trong xã hội. Trần Dần, Lê Đạt miệt mài kiếp phu chữ dù bị hoạn nạn. Nguyễn Minh Châu tiên phong với công cuộc đổi mới văn nghệ. Bảo Ninh với “Nỗi buồn chiến tranh” cũng từng nhẫn nại câm nín khi tác phẩm của mình bị chê bai. Nguyễn Huy Thiệp một thời khốn đốn với những truyện ngắn lạ lùng của mình... Tất cả họ đều dấn thân và chấp nhận mất mát nào đó. Khi các quan điểm thẩm mỹ thay đổi hoặc hoán chuyển thì chuyện khen chê chỉ là nhất thời và dễ gây ra hiểu nhầm là khiêu khích, sinh sự.

Cũng thành thật mà nói, có người lấy văn chương làm sân chơi tao nhã - điều ấy không có gì sai trái, vì đó là quyền và sở thích của họ, viết như một cách giải tỏa, giải trí, tiêu dao. Họ không chạm vào ai, cũng không phục vụ cho mục đích nào mà chỉ là nhu cầu cá nhân, muốn chia sẻ, giãi bày nội tâm. Trăm ngàn con đường đến với nghề viết và cái danh nhà văn. Trăm ngàn kiểu và cách viết lách. Trăm ngàn kiểu bị “chửi” và trăm ngàn ẩn ức...

Carlos Williams – nhà thơ Mỹ hiện đại, có nói: “Các nhà thơ bị nguyền rủa nhưng họ không mù, họ nhìn với đôi mắt của thiên thần”. Nếu biết câu này, hẳn là người ta sẽ cẩn thận hơn khi “soi”, “chửi” nhà văn.

Hãy công bằng khi nói về nhà văn, họ là con người bình thường cũng đủ hỉ, nộ, ái, ố, tham sân si. Họ cũng có mơ ước và khát vọng. Họ cũng có cuộc sống và tâm hồn. Dù họ chưa có thành tựu gì nhưng nếu họ không dính đến những điều tệ hại thì cũng là đáng quý.

Con chữ chính đáng của nhà văn/ người viết ít nhiều đều có liên quan đến sáng tạo. Tầm thấp thì có vần vè - cũng là sáng tạo bình dân. Có người thích viết thơ văn kiểu cũ. Có người theo đuổi công cuộc đổi mới văn nghệ trong không khí, tâm thức hậu hiện đại, cách tân... Suy cho cùng đó là niềm yêu thích và khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân. Xã hội cũng không cấm người làm thơ dở (xin mạn phép dùng từ này - nó rất tương đối), tuy nhiên thổi phồng thơ dở thành hay là một sự phỉ báng văn chương.

Người dân làng Chùa (xã Sơn Công, huyện Ứng Hòa, Hà Nội) có câu “Viết được một câu thơ thì giảm được một lời nói thô tục” cũng là khuyến khích tinh thần yêu thơ, yêu văn hóa văn nghệ để làm đẹp cho đời.

Khi muốn đánh giá nhà văn, hãy nhìn vào tác phẩm của họ trong mối quan hệ với năng lực bản thân chứ đừng nói theo đám đông hoặc so sánh với người khác. Và cái nhìn đó phải xuất phát từ sở tri, sở cảm của mình chứ không nhìn theo ai. Chúng ta có quyền đòi hỏi nhiều ở nhà văn, nhưng cũng cần hiểu rằng khi cơ chế xã hội đối với họ thay đổi thì tự khắc họ sẽ thay đổi; họ sẽ lớn lên cho xứng tầm thời đại, họ sẽ tự chuyển mình trong ý thức, tự vận động để sống cùng nghiệp chữ. Nhưng không phải tất cả đều thế.

Nếu lúc nào đó vui miệng hay cạn nghĩ, bạn hỏi: “Anh làm nhà văn có để lại gì không?” thì bạn đã đánh đồng tất cả, và bạn đã sai. Sai ngay trong cách đặt vấn đề - vì mỗi nhà văn là một cá nhân, và không phải mọi nhà văn đều phải là nhà văn lớn, có sự nghiệp lớn. Nếu bạn cứ tiếp tục truy vấn câu đó thì tôi sẽ hỏi lại: “Một năm bạn đọc được bao nhiêu quyển sách?”; “Bạn có quan sát hay đọc gì ở những nhà văn mà bạn chê bai không?”... Nếu bạn ấm ớ trước câu hỏi đó thì bạn không có tư cách để nói chuyện văn chương. Còn nhà văn, nói theo Ernest Hemingway, thì tất cả “đều là những người học nghề trong một nghề mà không ai có thể trở thành bậc thầy”.

***

Sự nghiệp văn chương trước hết là của... nhà văn. Bằng cách này hay cách khác, họ luôn tự mình phấn đấu để trở thành người viết chân chính. Aristote nói: “Khi là sắt người ta ước mình là bạc, là bạc ước mình là vàng, là vàng ước mình là kim cương. Chỉ là kim cương người ta không ước thành gì nữa cả”. Ai cũng muốn mình là bạc, vàng hay kim cương - tức là có ý hướng phấn đấu chứ không phải mơ ước viển vông hay tham lam thái quá.

Tuy nhiên, đã là nhà văn chân chính thì phải thực hành những chân lý, những sự thực phổ quát từ chữ nghĩa mà nếu thiếu chúng thì bất cứ văn bản nào cũng chỉ là con chữ phù phiếm khi ngắm nhìn sự tàn lụi của con người. Đỗ Phủ nói về điều này qua câu trích nổi tiếng: “Ngữ bất kinh nhân, tử bất an” (Chữ mà không lay động được lòng người thì chết không an). Mà, muốn lay động lòng người thì người nghệ sĩ phải có trái tim lớn.

Tác phẩm của nhà văn không cần là những tấm bia ghi dấu mà chỉ cần là một trụ cột, để “Có những phút ngã lòng/ Tôi vịn vào câu thơ mà đứng dậy” (Phùng Quán). Rộng hơn, nó giúp con người nhẫn nại đi đến chiến thắng. Thiết nghĩ, đấy cũng là nhiệm vụ, sứ mệnh của văn nghệ. Còn nói như Albert Camus – nhà văn Pháp thắng giải Nobel Văn chương năm 1957: “Mục đích của người viết văn là giữ cho nền văn minh không tự hủy diệt”.

Hy vọng là khi đọc bài này, mọi người sẽ hiểu nhà văn hơn.

M.N.


 

Không có nhận xét nào: