31/10/23

2.963. HALF AND HALF - Naomi Shihab Nye

  Những bài thơ viết về các vấn đề ở vùng Trung Đông của Nye thường gây xúc động hơn những bài thơ khác bởi bà là người Mỹ nhập cư từ đất nước Palestine nên bà đưa ra những hiểu biết khá sâu sắc về vùng đất này. 


Phố Via Dolorosa tại Thành cổ Jerusalem
được nhắc đến trong bài thơ

 Với bài thơ “Half and half” (Nửa nọ nửa kia, Nửa vời), theo tôi là khá khó hiểu. Để giải mã nó, chúng ta cần biết những điều sau đây:

  1. Là một người Mỹ gốc Palestine nên tác giả luôn quan tâm đến các vấn đề đang xảy ra nơi quê xứ này.

  2. Palestine là miền đất luôn có sự xung đột về văn hóa, tôn giáo từ xưa đến nay, mà vẫn chưa có giải quyết ổn thỏa nào.

  3. Qua bài thơ, không thể xác định được Naomi Shihab Nye là người theo đạo Thiên chúa hay người theo đạo Hồi, nhưng điều rõ ràng là bà là một người yêu thương, quan tâm và có cái nhìn sâu sắc về những điều phức tạp đang chờ đợi tất cả những ai liên quan đến vấn đề văn hóa, tôn giáo nơi này.

  4. Thông điệp của bài thơ có thể là nêu ra một góc nhìn thân thiện để dung hòa các xung đột tôn giáo đã và đang diễn ra nơi đây khá thường xuyên. Đôi khi, bài thơ này lại giúp chúng ta xem xét lại bản thân mình khi đối diện với các vấn đề tương tự - có khi chúng ta cũng là kẻ “Half and half” (1).

    NỬA VỜI

    Mộc Nhân dịch (2)


Một người Cơ đốc Palestine (3) nói, bạn không thể như vậy,

Vào bữa tiệc đầu tiên sau tháng lễ Ramadan (4).

Vì như thế là nửa vời, nửa vời.

 

Bạn bán chiếc ly. Bạn biết rõ những vết nứt

Nếu bạn yêu Chúa Giêsu, bạn không thể yêu ai khác

Anh ấy nói.

 

Tại quầy trưng bày những chiếc bình xanh trên phố Via Dolorosa (5),

anh ấy đang quét nhà, cọ rửa những viên đá

cảm giác thánh thiện. 

và rắc đường lên bề mặt bánh mamool.

 

Sáng nay chúng tôi thắp những ngọn nến trắng liu riu

nó cong lại ở khúc giữa vào buổi trưa.


Lần đầu tiên các linh mục không giành giật

trong nhà thờ để tìm chỗ đứng tốt nhất.

Khi còn nhỏ, cha tôi đã nghe nói họ đánh nhau.

Đây là một phần lý do anh ấy không cầu nguyện bằng lời

và tại sao tôi mím môi với mọi ngoại lệ.

 

Một người phụ nữ mở cửa sổ

đặt một bình hoa màu xanh ở đây và ở đây và ở đây

trên một tấm vải màu cam. Tôi đi theo cô ấy.

Cô ấy đang nấu món súp từ những gì còn lại

trong tô có tỏi vụn và những hạt đậu nhăn nheo.

Cô ấy không để lại gì cả.

----------------

Chú thích:

(1). Trong bài thơ này, lời của nhân vật trong câu đầu tiên thể hiện sự tách biệt của người nói (là đàn ông) với những người có bản sắc tôn giáo khác. Ông khẳng định rằng bản sắc tôn giáo phải riêng biệt và ổn định: “Bạn không thể nửa vời”. Câu này nói lên khía cạnh cực đoan về sự tồn tại các trạng thái khác biệt. Tiếp theo, người nói được xác định là một “Tín hữu Cơ đốc Palestine” và dòng thứ hai của bài thơ chỉ ra rằng thời điểm này là “ngày lễ đầu tiên sau tháng Ramadan”, do đó đặt người đàn ông vào khung tham chiếu của Hồi giáo. 

  Dòng tiếp theo khá khó hiểu “Half and half” (Nửa vời) lặp lại tựa đề bài thơ ám chỉ điều gì. Có thể câu này nói lên tính đồng thời của việc con người sống trong một bối cảnh đa nguyên tôn giáo nhưng thực tế là xã hội có sự xung đột bởi chủ nghĩa độc tôn tôn giáo đang được thể hiện. Nơi đây là miền đất có hai tôn giáo luôn xung đột là Cơ đốc giáo và Hồi giáo, luôn gia tăng áp lực lên người Palestine. Câu thơ có hình ảnh “chiếc ly nứt vỡ” có thể hiểu là sự rạn vỡ nguy hại có thể gây ra từ cuộc xung đột này. 

  Bài thơ tiếp tục với nhân vật người phụ nữ, đứng cạnh người đàn ông: “mở cửa sổ - ở đây và ở đây và ở đây/ đặt một bình hoa màu xanh/ trên một tấm vải màu cam/ đang nấu món súp từ những gì còn lại/ trong tô có tỏi vụn và đậu nhăn nheo/ Cô ấy không để lại gì cả”. Đây là người phụ nữ vô danh với ý chí thầm lặng hướng tới sự trọn vẹn và hòa nhập, điều này trái ngược hoàn toàn với người đàn ông lên tiếng mạnh mẽ, dứt khoát, cực đoan: “Nếu bạn yêu Chúa Giêsu, bạn không thể yêu ai khác”. Người phụ nữ này “mở cửa sổ” (ngụ ý cô ấy tạo ra không gian riêng và cách nhìn của riêng mình về thế giới theo một cách hữu hình nhỏ bé). Tác giả bài thơ thể hiện thái độ ủng hộ điều này trong câu “Tôi theo cô ấy”. Vế thơ “Ở đây và ở đây và ở đây” lặp lại một từ đến ba lần cho phép chúng ta thấy rằng tuy “ở đây” dẫu là một không gian nhỏ nhưng nó sẽ được nhân lên bởi người có tinh thần cởi mở. Hình ảnh “một bình hoa màu xanh trên tấm vải màu cam” thể hiện vẻ đẹp của ngôi nhà khi cửa sổ được mở ra – cũng là vẻ đẹp của tâm hồn khi dung hòa những khác biệt tôn giáo.

  Bài thơ cho ta thấy hành động, thái độ khiêm tốn và bình thản của con người có thể lấn át quan điểm cứng nhắc. Nói như nhà phê bình Samina Najmi là “sự nhỏ bé như một nét thẩm mỹ” (smallness as an aesthetic), khẳng định không gian nữ tính trong một “tư thế thách thức chính trị” chống lại “các địa hạt truyền thống nam tính của chiến tranh và chính trị quốc tế” (politically defiant posture” against “traditionally masculine turfs of war and international politics). Cách tiếp cận "phê bình sinh thái" bổ sung thêm một chiều hướng khác cho ý tưởng thẩm mỹ của Nye về sự nhỏ bé, bằng cách phân tích mối quan hệ của con người với môi trường, hay cụ thể hơn ở đây là mối quan hệ của người đàn ông với môi trường của anh ta so với mối quan hệ của người phụ nữ với môi trường của cô ấy. Trong khi người đàn ông ở trạng thái tách biệt thì người phụ nữ ở trạng thái kết nối, mở những cửa sổ tâm hồn, tránh làm tổn hại thiên nhiên trong những bữa ăn giản dị, tận dụng “những gì còn lại” hoặc “tỏi vụn và đậu cong nhăn” thay vì lãng phí và cuối cùng là ăn “không để lại gì”. Bằng cách này, bài thơ tạo cho người phụ nữ cảm giác về mái nhà và nơi chốn riêng tư của mình, một nơi sinh thái và đạo đức nuôi dưỡng cả về thể chất và tinh thần. (Reference)

(2). Nguồn: Text Available Here

(3). Nguyên tác: “Palestinian Christian” là những công dân theo đạo Thiên chúa của Nhà nước Palestine bao gồm người tị nạn Palestine, cộng đồng người di cư và những người có tổ tiên Cơ đốc giáo Palestine. Họ thuộc các dòng Kitô Palestine, Chính thống giáo phương Đông, Công giáo phương Tây, Anh giáo, Lutheranism, một số nhánh của đạo Tin lành. Ước tính có khoảng 6% dân số Palestine trên toàn thế giới theo đạo Thiên chúa và 56% trong số họ sống bên ngoài lãnh thổ Palestine. (Reference)

(4). Ramadan là tên gọi tháng thứ 9 của âm lịch Ả Rập, tháng Ramadan theo dương lịch thay đổi từng năm, không có ngày thống nhất. Nhiều người gọi Ramadan một cách đơn giản là "tháng nhịn ăn" hoặc "tháng ăn chay", nhưng cả hai cách gọi đó đều không đúng, bởi vì các tín đồ chẳng ăn chay hoàn toàn, cũng không nhịn ăn hoàn toàn. Vậy nên gọi tháng Ramadan là chính xác nhất. Trong suốt tháng lễ này, tất cả các tín đồ đạo Hồi đều thực hiện nghiêm túc quy định: không ăn, không uống, không hút thuốc, không sinh hoạt tình dục - nhưng chỉ áp dụng vào ban ngày, còn bữa ăn tối thì chỉ ăn sau khi mặt trời lặn.

(5)Via Dolorosa là một con đường được đặt tên theo những chặng đường khổ nạn của Chúa Giêsu tại Thành cổ Jerusalem, mô tả con đường mà Chúa Giêsu đã đi, vác thập giá của mình, trên đường đến nơi bị đóng đinh, và cuối cùng, sự sống lại vào ba ngày sau đó. (Reference) 


* Dịch và chú thích bởi Mộc Nhân



Không có nhận xét nào: