15/6/23

2.812. FROM FAIRY TALES OF OLD - Heinrich Heine

  Bài này có tựa tiếng Đức “Aus alten Märchen winkt es”, tựa tiếng Anh “From Fairy Tales of Old” (Từ giai thoại/ huyền thoại/ chuyện tích cổ xưa) do Heinrich Heine sáng tác năm 1822. Bài này được nhạc sĩ Robert Schumann phổ nhạc trong bản Op. 48 no.15 năm 1840 của ông (1)Những so sánh, miêu tả trong bài thơ có vẻ phóng đại, gần như mỉa mai bởi khổ thơ cuối bài cho chúng ta đi đến nhận thức rằng mọi cái đẹp chỉ là mộng mơ, huyễn ảo (2).



TỪ HUYỀN THOẠI

Mộc Nhân dịch (3)

 

Bàn tay trắng vẫy gọi

Từ huyền thoại lưu niên

Có âm thanh bài hát

Về vùng đất thần tiên

          ***

Những bông hoa rực sắc

Nở trong hoàng hôn vàng,

Thơm ngọt và dung nhan

Tựa nàng dâu xinh xắn

 

Hàng cây xanh nghiêm ngắn

Cất giai điệu hoang sơ

Gió thổi nhẹ lời thơ

Cùng muôn chim hòa điệu

 

Những hình thù ảo diệu

Hiện ra từ đất đai

Những vũ điệu khoan thai

Trong đám đông xa lạ

 

Ánh lửa xanh như lá

Bùng lên màu cỏ cây

Lửa đỏ màu ráng mây

Quay cuồng và điên đảo

 

Phun ra từ lòng chảo

Vỉa cẩm thạch hoang sơ

Trong dòng suối bất ngờ

Lung linh bao quầng sáng

       ***

Ôi đất thiêng tỏa rạng

Ước gì đến nơi này

Tự do ta đón nhận

Đau khổ theo mây bay

 

Ôi vùng đất niềm vui

Tôi mơ trong giấc nồng

Nhưng trời vừa rạng đông

Tan nhanh như bọt biển.

      -------------

     Chú thích:

(1). Xem lại chú thích số (1) về từ Op. trong bài Myrtles and Roses

(2)"From Old Fairy Tales" của Heinrich Heine là bài thơ lãng mạn, mô tả niềm khao khát của cái tôi trữ tình về một thế giới mộng mơ. Tuy nhiên, motif lãng mạn bị đảo lộn bởi khổ thơ cuối làm thay đổi hoàn toàn ý nghĩa của bài thơ.

  Về hình thức: bài thơ có tám khổ, mỗi khổ bốn dòng, theo luật vần cổ điển (người dịch cố giữ điều này trong bản dịch qua thể thơ 5 chữ truyền thống). Đặc điểm này làm cho bài thơ giống như một bài hát (dễ phổ nhạc) vậy nên nó có âm điệu du dương khi đọc to. Hiệu ứng này chắc chắn có thể liên quan đến thời đại, vì nhiều bài thơ, đặc biệt là của Heine, đã được phổ nhạc bởi các nhà soạn nhạc trứ danh như Brahms hoặc Schuhmann.

Về nội dung: có thể chia tám khổ thơ thành ba phần:

- Khổ thơ đầu như phần giới thiệu về trạng thái của cái tôi trữ tình.

- Năm khổ thơ tiếp theo: thế giới mộng mơ của cái tôi trữ tình được miêu tả bằng những hình ảnh giàu cảm xúc về ước mơ, tình yêu, cảnh đẹp… nhưng không gắn với một người, một nơi cụ thể nào mà là cảm xúc tình yêu nói chung.

- Hai khổ cuối: ở khổ thơ thứ bảy, cái tôi trữ tình bộc lộ niềm khao khát được bước vào thế giới mộng mơ ấy nhưng dường như đó lại là hồi kết của mộng đẹp. Và khổ thơ thứ tám lấy đi ý nghĩa của tất cả các câu trước nó: hóa ra mọi thứ được mô tả chỉ là một giấc mơ và sẽ biến mất khi bạn thức dậy lúc bình minh. Vì vậy nó không có bất kỳ mối liên hệ với hiện thực nào. Việc bài thơ được gợi từ câu chuyện cổ tích nào đó là một motif lãng mạn vì thông thường nó gắn với ngày xưa tươi đẹp và kết thúc thường có hậu nhưng đằng này lại không như thế.

Các từ ngữ thuộc trường ngữ nghĩa “âm nhạc” xuất hiện nhiều trong nguyên tác như “sounds and songs” (thanh âm và bài hát), melody (giai điệu), dance (vũ điệu) thể hiện nhạc tính của bài thơ và chuyển tải thông điệp về sự thống nhất giữa nghệ thuật với vẻ đẹp tự nhiên; sự huyền diệu có thể hóa giải đau khổ trong  đời thường. Tuy nhiên, tất cả những gì đã diễn tả chỉ là một giấc mơ của cái tôi trữ tình. Tất cả những điều này không hữu ích, không thay đổi hay có ý nghĩa nào cả bởi nó tan biến nhanh chóng như bọt biển.

Với những câu thơ cuối, toàn bộ bài thơ phải được nhìn khác đi, những so sánh miêu tả hoa và cỏ cây bây giờ có vẻ phóng đại, gần như mỉa mai, để sau đó thuyết phục người đọc về sự không cần thiết của toàn bộ sự việc. Do đó, bài thơ không thể hiện niềm khao khát thế giới mộng mơ của cái tôi trữ tình mà diễn tả nhận thức rằng hãy vứt bỏ mọi thứ - dù đẹp đẽ đến mấy chúng cũng chẳng có ích gì. Cuộc sống diễn ra vào lúc đang là và mọi vẻ đẹp đều là huyễn ảo (4).

(3). Nguồn song ngữ Đức - Anh: Text available 

(4). References:

- Antikoerperchen

- Meisterdrucke

- HeinrichHeine.net


* Dịch và chú thích bởi Mộc Nhân



 

Không có nhận xét nào: