Bài thơ “The Lore-Lei” của Heinrich Heine tái hiện huyền thoại về một Nữ nhân ngư có mái tóc vàng ngồi trên đỉnh đồi Lore-Lei (1). Bằng giọng hát lôi cuốn của mình, cô đã khiến biết bao thủy thủ và tàu thuyền đi qua một khúc sông uốn cong có nhiều mỏm đá nguy hiểm phải bỏ mạng (2). Lore-Lei là nguồn cảm hứng cho nhiều tác phẩm nghệ thuật, trong đó có bài thơ này (3).
LORE-LEI
Mộc Nhân dịch (4)
Tôi không biết nó sinh ra từ đâu,
Ý nghĩ dằn vặt này
Nhưng câu chuyện quá khứ
Ám ảnh và tôi khó thoát khỏi nó
Trời mát và trở tối,
Sông Rhine bình lặng
Đỉnh núi lung linh
Trong chiều ráng vàng
Và ngồi đằng xa kia, một nàng
Đẹp nhất trong mọi người đẹp
Với trang phục lấp lánh ánh vàng
Và mái tóc vàng chải mượt
Bằng chiếc lược vàng
Rồi bài hát hoang dại ngân vang
Làm tan chảy trái tim với điều huyền
nhiệm
Trong giai điệu đầy mãnh lực
Người chèo thuyền cảm thấy lòng mình
Trỗi dậy khao khát không thể gọi tên;
Họ không nhìn thấy những vực sâu trước
mặt
Mà chằm chằm hướng mắt lên trên,
Cho đến khi thuyền và người
Chìm sâu vào dòng nước sông Rhine chảy xiết:
Với giọng hát diệu kỳ thê thiết
Lore-Lei đã làm được điều nàng mong!
Những hình ảnh về Lore-Lei và đoạn sông Rheine uốn lượn - từ Internet |
-----------------
Chú thích:
(1). Lore-Lei: (Lorelei, Loreleï, Lore-Ley, Lurley, Lurelei) là một đồi đá ở khu vực di sản thế giới UNESCO trong thung lũng trung lưu sông Rhein, gần Thị trấn Sankt Goarshausen, vùng Rheinland-Pfalz, nước Đức. Đồi đá này ở phía bên phải bờ sông Rhein, nhô thẳng lên trong một khúc sông uốn cong. Từ đỉnh đồi có thể quan sát toàn cảnh bao gồm: khúc sông Rhein uốn lượn đẹp mà nguy hiểm cho tàu thuyền, thị trấn Sankt Goarshausen và lâu đài Katz - đây là một nơi thu hút du khách. Trong khu đồi có một khán đài ngoài trời (Khán đài Loreley) được xây dựng năm 1939, là nơi tổ chức các sự kiện, bao gồm cả các buổi trình diễn nhạc Rock. Cả vùng này còn được gọi là Cao nguyên Loreley.
(2). Loreley gắn với huyền thoại về nữ nhân thân người, đuôi cá sống trên ngọn đồi này. Nàng ngồi trên đồi chải mái tóc vàng dài, lôi cuốn những chiếc thuyền đi ngang qua đoạn sông nói trên bằng giọng hát mê hoặc khiến người ta không còn chú ý đến dòng nước nguy hiểm nơi khúc sông uốn cong có nhiều mỏm đá nổi và ngầm. Vậy là thuyền vỡ ra từng mảnh. Thực ra, nơi đây có nhiều vách đá nên dòng nước xiết tạo ra nhiều tiếng rì rầm có đoạn êm ả như nhạc nên đã gợi cảm hứng từ những câu chuyện tưởng tượng. Điều thú vị là câu chuyện này được các nhà văn, nhà thơ sáng tác ra trước, sau đó mới đi vào văn hóa dân gian; nhiều người lầm tưởng đây là câu chuyện dân gian gợi cảm hứng sáng tác.
Cái tên người Lorelei được đặt theo địa danh. Việc sáng tạo nhân vật thần nữ Lorelei cũng tương tự như nhân vật Siren (mỹ nhân ngư, nữ thần mình người đuôi cá) hoặc Mermaid (nàng tiên cá) trong văn hóa dân gian các nước khác. Tuy nhiên, những câu chuyện huyền thoại ấy được tạo dựng với các tình tiết khác nhau tùy theo văn hóa bản địa mỗi nơi.
Trong trường hợp này Lorelei là một "ác thần" bởi mục đích của các tác giả là tạo ra một câu chuyện để cảnh báo nguy hiểm khi đi qua nơi này.
(3). Nhiều tác phẩm văn nghệ về đề tài Lore-Lei:
- Cuốn tiểu thuyết "Godwi oder Das steinerne Bild der Mutter" (Godwi hay Tượng đá Đức Mẹ - 1800) của nhà văn Đức, Clemens Brentano kể về câu chuyện của một người phụ nữ đẹp tên Lore Lay, bị phản bội bởi người yêu. Cô trả thù đàn ông bằng cách làm mê hồn họ rồi gây ra cái chết cho nhiều người. Thay vì kết án tử hình nàng, vị giám mục gửi cô đến một tu viện nữ. Trên đường đi, cô xin người áp tải leo lên vực đá Lorelei để được ngắm sông Rhine một lần cuối, nơi cô đã từng cùng người yêu trên sông Rhine. Nhưng cô gái đã rơi xuống vực đá với tiếng thét vang vọng từ vách đá. Cô hóa thành ác thần Lore-Lei và tiếng thét của cô thành âm nhạc hút hồn.
- Năm
1801, Clemens Brentano đã viết bản ballad Zu Bacharach am Rheine (Thị trấn Bacharach bên sông Rheine) được xem là đoạn cuối cuốn
tiểu thuyết trên.
- Năm
1824, Heinrich Heine đã viết một trong những bài thơ nổi tiếng nhất của ông về Lore-Lei, là bài thơ này.
- Năm
1837, bài thơ Lore-Lei của Heine, đã được phổ nhạc bởi Friedrich Silcher trong ca khúc
Lorelei, ca khúc trở nên nổi tiếng ở những vùng nói tiếng Đức. Một bản phổ nhạc khác của
Franz Liszt cũng được ưa chuộng, và nhiều nhạc sĩ khác cũng đã phổ nhạc - theo thống kê có 25 bản phổ nhạc bài thơ này.
- Nhà
thơ Pháp Guillaume Apollinaire cũng có bài thơ nổi tiếng “La Loreley”, xuất bản trong tập
thơ Alcools. Bài thơ này về sau này được trích dẫn trong bản Giao hưởng số 14 của
nhạc sĩ người Nga, Dmitri Shostakovich.
- Ban
nhạc Rock nổi tiếng nước Đức, Scorpion cũng có một bài hit về địa danh này: ca khúc Lorelei.
- Đó là chưa kể hàng chục cuốn tiểu thuyết, hàng trăm bài thơ, truyện ngắn, bài hát, bức tranh, tác phẩm nhiếp ảnh và điện ảnh về Lore-Lei đã xuất bản và lưu hành trên khắp thế giới. Cùng với nó, hiệu ứng văn hóa từ Lore-Lei lan tỏa thành các thương hiệu nước hoa, nhãn hàng thời trang, tên sách, tên người, tên phố, tên loài hoa… không thể nào kể xiết. (Reference: Hiệu ứng văn hóa)
(4). Nguồn Anh ngữ của bài thơ: Text available here
---------------------
References:
1. Wikipedia
2. Britannica
5. Đọc thêm: một huyền thoại bên sông Rhine: Hostile Brother
* Dịch và chú thích bởi Mộc Nhân
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét